Xung quanh tranh luận về việc duy trì kỷ luật nghiêm khắc của trường THCS - THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội, thạc sĩ Bùi Gia Hiếu - Hiệu trưởng trường THPT Nhân Việt (TP.HCM) - có những chia sẻ về cách rèn luyện đạo đức cho học trò.
Người trẻ nhiều khuyết điểm do thiếu kỷ luật ở trường phổ thông
Là hiệu trưởng của trường tư thục ở Sài Gòn, ông đánh giá như thế nào về nội quy của trường THCS - THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội?
Theo tôi, nội quy của trường Lương Thế Vinh là bình thường, không có gì nặng nề, không hà khắc. Những nội quy đó đều là điều nên làm, ở trường THPT Nhân Việt cũng có nội dung tương tự.
Trong quá trình dành thời gian nghiên cứu nhiều mô hình giáo dục ở các nước tiên tiến như Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, tôi thấy họ đều đặt tính kỷ luật lên hàng đầu. Nội quy trường học ở những nước này rất nghiêm, không chỉ thực hiện ở trường học mà còn ở cả pháp luật.
Có những trường học ở Singapore, khi học sinh vi phạm kỷ luật, thầy cô vẫn cầm roi đánh. Nhưng ở Việt Nam, trường hợp như vậy sẽ gây xôn xao cả nước. Cũng ở quốc gia này, thậm chí, công dân nước ngoài đến làm việc mà vi phạm cũng sẽ bị phạt bằng cách dùng roi đánh.
Trong một lần nói chuyện với hiệu trưởng của trường ở Nhật, thầy nói học sinh tuyệt đối không được dùng điện thoại di động. Giáo viên được phép sử dụng nhưng không để điện thoại trên bàn trong phòng họp hay khi giảng dạy.
Tôi cho rằng một xã hội hay một môi trường giáo dục có kỷ luật, kỷ cương sẽ đi vào nề nếp.
Nhiều người trẻ mới đi làm, sinh viên khi ra trường có năng lực, học hỏi nhanh nhưng họ còn khuyết điểm do thiếu tính kỷ luật, chuyên nghiệp trong công việc, đặc biệt là giờ giấc, tác phong và thái độ ứng xử.
Điều này tồn tại do một phần việc siết chặt kỷ luật ở trường phổ thông bị buông lỏng. Vì vậy, thu nhập của người Việt mặt bằng chung không cao.
Kỷ luật của trường Lương Thế Vinh ở Hà Nội có điểm gì tương đồng với trường Nhân Việt?
Trường THPT Nhân Việt đưa ra quy định cấm nữ sinh không được son môi, nam sinh không được mang hộp quẹt vào trường, đồng thời tất cả không được nhuộm tóc, mang điện thoại đi học.
Học sinh nội trú vào đầu tuần sẽ nộp điện thoại cho bảo vệ, được giữ trong hòm khóa, cuối tuần các em ra về mới được trả lại. Khi cấm dùng điện thoại trong trường, chúng tôi cung cấp các kênh thông tin khác giúp gia đình có thể liên hệ với học sinh học nội trú.
Để thực hiện những điều này, nhà trường phải truyền thông cho giáo viên để đội ngũ đưa thông tin tới phụ huynh. Đồng thời, trường tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề để giải thích khoa học về tác hại khi tô son môi của nữ sinh trong lứa tuổi này. Từ đó, học sinh hiểu, tự giác thực hiện và bảo ban, nhắc nhở bạn bè.
Về quy định đuổi học, trường Lương Thế Vinh cũng thực hiện theo thông tư 08 về việc thi hành khen thưởng và kỷ luật học sinh của Bộ GD&ĐT.
Trong đó, sau khi học sinh viết bản kiểm điểm, nhắc nhở, phê bình, cảnh cáo mà vẫn không thực hiện, nhà trường sẽ trao đổi với phụ huynh về việc thống nhất trong cách giáo dục. Nếu không tìm ra tiếng nói chung, không nhận được sự đồng tình, học sinh sẽ được chuyển trường.
Vì vậy, quy định đuổi học của trường Lương Thế Vinh là bình thường, nhiều trường cũng thực hiện theo cách như vậy.
Kỷ luật không nước mắt
Về việc phạt học sinh vi phạm kỷ luật, trường Nhân Việt thực hiện như thế nào?
Học sinh vi phạm tại trường Nhân Việt sẽ được áp dụng kỷ luật tích cực (kỷ luật không nước mắt).
Với lỗi nhỏ, học sinh sau khi được giáo viên phân tích, sẽ được lựa chọn hình thức phạt như gấp chăn màn cho cả phòng, “thụt đầu”, nhảy cóc theo thể trạng sức khỏe, hoặc làm việc tốt để bù lại như hỗ trợ thầy cô trực phòng máy tính. Một khi được chọn các hình thức chịu phạt, các em sẽ không ý kiến, thắc mắc.
Khi học sinh tái phạm hoặc bị phạt nặng do các lỗi lớn như hút thuốc, mang hộp quẹt, đùa nhau bằng cách sử dụng tay chân mạnh sẽ bị viết bản kiểm điểm, tường trình và phê bình.
Với phương pháp này, giáo viên không phải lúc nào cũng bắt học sinh răm rắp nghe theo mà cần có sự tương tác, lắng nghe, giải thích thấu đáo cho trò. Khi việc tuân theo kỷ luật đã trở thành thói quen, học sinh đã hướng tới kỷ luật tích cực, tức là cảm thấy tự do trong chính kỷ cương đó.
Việc duy trì hình thức kỷ luật tại trường có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?
Công bằng mà nói, kỷ luật là điều sống còn, có ý nghĩa quan trọng của các trường tư thục. Tôi nhận thấy những trường tư thục có tư tưởng chiều học sinh thường chất lượng giáo dục sẽ không cao, những trường có kỷ luật nghiêm thì chất lượng tốt.
Trường Nhân Việt những năm qua đều có tỷ lệ đỗ đại học 100%. Tại TP.HCM, những trường tư thục dẫn đầu về chất lượng cũng là những trường có kỷ luật cực kỳ nghiêm khắc.
Câu chuyện về kỷ luật của trường Lương Thế Vinh nhận được ý kiến trái chiều của dư luận, gây xôn xao trong những ngày vừa qua. Ông có thể lý giải về điều này?
Ở Việt Nam, một trường có kỷ luật nghiêm thì nơi này, nơi kia phản ứng, tôi không bất ngờ. Bởi chúng ta chưa có triết lý giáo dục rõ ràng. Ví dụ, trong vấn đề về nề nếp chúng ta mới chỉ có chung chung các khẩu hiệu như “Tiên học lễ, Hậu học văn”; “Tôn sư trọng đạo” mà chưa có những quy định cụ thể.
Tôi mong muốn từ phía Bộ GD&ĐT và các cơ quan cao hơn có thể sẽ có những đánh giá và thẩm định, từ đó thống nhất và định hướng các trường trong cả nước.
Theo Zing.vn