Tranh cãi xung quanh vấn đề bằng tại chức và chính quy - Ảnh 1

Thực ra, trong Luật Giáo dục 2005 (hiện hành) cũng không có sự phân biệt giữa bằng tại chức và chính quy. Hai loại bằng cấp này đều thực hiện cùng một khung chương trình, với chuẩn kiến thức, kỹ năng tương đương; chỉ khác hình thức đào tạo, một bên là chính quy, tập trung; một bên tại chức (dành cho người đang làm việc).

Đó là lý thuyết. Còn trong thực tế, chất lượng văn bằng tại chức thường bị đánh giá thấp hơn, do khâu tuyển sinh dễ dàng, thời gian đào tạo bị rút ngắn, việc đánh giá không chặt chẽ, thậm chí buông lỏng, người học không có tâm thế nỗ lực… Nhiều người học ĐH tại chức nhưng lại tiếp tục học lên thạc sỹ, mặc dù năng lực bình thường, thậm chí yếu kém.

Nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã từ chối tuyển dụng đối với ứng viên có bằng tại chức. Tuy nhiên, vẫn có những người có bằng tại chức có năng lực chuyên môn tốt, hiệu quả công việc cao, và ngược lại, có những người được đào tạo chính quy đàng hoàng, nhưng năng lực chuyên môn, hiệu quả công việc không đáp ứng yêu cầu.

Nguồn gốc của sự phân biệt, thậm chí kỳ thị bằng tại chức là do những bất cập, yếu kém trong khâu tuyển dụng, đánh giá cán bộ, viên chức, người lao động. Nếu khâu tuyển dụng thực sự công tâm, khách quan, khoa học thì người yếu kém không thể lọt được vào bộ máy. Còn cứ tiêu cực, tiền bạc, rồi con ông cháu cha… thì nhiều người giỏi thực sự vẫn không thể được dùng. Hiện nay, nhiều nơi thực hiện thi tuyển chức danh lãnh đạo, đó là một cách làm hay, tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh.

Trong thực tiễn, việc đánh giá, phân loại năng lực, phẩm chất cán bộ, người lao động một cách khoa học, công tâm gắn liền với chế độ đãi ngộ chính là động lực để người lao động phấn đấu vươn lên; người yếu kém phải chấp nhận loại khỏi cuộc chơi. Còn nếu đánh giá, phân loại theo kiểu cào bằng, hòa cả làng, hoặc thiên vị, tiêu cực… thì việc vàng thau lẫn lộn là tất yếu.

Chúng ta không thể yêu cầu phân biệt giữa bằng tại chức và chính quy. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cần có những giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục thường xuyên, hạn chế, loại trừ những bất cập, tiêu cực trong lĩnh vực đào tạo này. Đồng thời, việc tuyển dụng, sử dụng người lao động phải minh bạch, khách quan, khoa học, theo tiêu chí “thực học - thực nghiệp”.

Tóm lại, tiêu cực trong đào tạo, tuyển dụng, sử dụng, đánh giá là cái gốc để sinh ra những bất cập, dẫn đến sự phân biệt văn bằng tại chức – chính quy. Lỗi là ở chúng ta, chứ không ở tấm bằng.

Theo laodong.vn