Ra đề thi trắc nghiệm cần đến một bộ máy chuyên nghiệp chuẩn bị liên tục cả năm. Ở VN công việc này có tính chất thời vụ và sử dụng những người không thực sự chuyên nghiệp nên sai sót như đã thấy là có thể đoán trước.

Ở Nhật, chuyện đề thi, tổ chức thi, chấm thi trong kỳ thi trung tâm quốc gia, còn gọi là kỳ thi thứ nhất vào đại học (thi chung đồng loạt trên toàn quốc), sẽ do một tổ chức có tư cách pháp nhân độc lập đảm nhận. Họ ký hợp đồng với Bộ Giáo dục và làm trọn từ ra đề, coi thi, chấm thi, công bố kết quả. Vì thế họ có bộ máy riêng làm việc chuyên nghiệp, liên tục. Ở Nhật, trong kỳ thi này mọi môn từ chính trị, lịch sử, xã hội, toán đến... quốc ngữ đều thi trắc nghiệm.

Khi ra đề thi trắc nghiệm môn lịch sử thì người ta sẽ không bao giờ quên mục đích của nó, đánh giá tri thức của học sinh là chủ yếu, do vậy yêu cầu đặt ra là thẩm định tính đúng - sai xoay quanh sự kiện. Các câu hỏi vì thế sẽ đưa ra yêu cầu học sinh lựa chọn - xác nhận về: không gian, thời gian, thứ tự trước sau của các sự kiện, tên gọi của sự kiện, nhân vật, gọi tên khái niệm.

Tranh cãi xoay quanh đáp án đề thi môn Sử

Ở mức độ cao hơn, sẽ có câu hỏi yêu cầu đọc hiểu tư liệu và chọn phương án giải mã thích hợp nhất đối với tư liệu đó. Ở Nhật, trong một đề sẽ có khoảng 20% các câu hỏi thuộc dạng này.

Trở lại đề thi THPT quốc gia, Bộ GD-ĐT đã phạm sai lầm khi ra đề thi trắc nghiệm để kiểm tra tri thức phổ thông của học sinh mà lại dùng các câu hỏi có tính chất "định hướng giá trị", ví dụ như câu 22 trong mã đề 302: “Mỹ chính thức tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất trong khi thực hiện chiến lược chiến tranh nào ở miền Nam VN?”.

Thế nào là "chính thức?", ai xác định mốc đó là chính thức?... là các vấn đề xoay quanh "sử quan" (cách nhìn lịch sử). Đã là cách nhìn lịch sử thì nó có tính chủ thể. Vì thế mà nó gây tranh cãi là đương nhiên! Câu này nếu ra dưới dạng viết luận thì không sao vì nó còn tùy thuộc vào sự triển khai logic và sử dụng sử liệu của thí sinh.

Hiện tượng này phản ánh rõ một căn bệnh chết người, một lối tư duy hoang mang giữa ngã ba đường của nhiều người làm nghề sử học và giáo dục lịch sử. Không xác định được mục đích của nghề là gì, không tư duy được thế nào là tính tương đối của các sự thật lịch sử.

Lịch sử chỉ có đúng và sai là thứ lịch sử tồn tại duy nhất trong bài thi trắc nghiệm. Tiếc thay ở ta, ngay cả điều đó cũng... sai !

Và rồi người ta lại cứ đi cãi nhau cái nào sai, cái nào đúng. Tuyệt đối hóa chân lý là điều rất nên tránh trong giáo dục ở tất cả mọi môn, không chỉ lịch sử.

Nguyễn Quốc Vương

(Nghiên cứu sinh về giáo dục lịch sử tại ĐH Kanazawa - Nhật Bản)