GIÁO DỤC | TUYỂN SINH | BAO GIAO DUC | KHOA GIÁO | HỌC ĐƯỜNG

“Tôi thà để giáo viên của mình dạy thêm còn hơn nhìn các thầy cô đi buôn bán, làm xe ôm hoặc tệ hơn thế nữa. Phần lớn giáo viên của tôi đều phải dạy thêm, tôi biết họ không xin phép nhưng tôi vẫn phải im lặng vì tôi không thể đảm bảo đời sống cho họ”. Câu nói đó của một cán bộ làm quản lý trong ngành giáo dục khiến ai nghe cũng không khỏi ngậm ngùi.

Trong hai ngày liên tiếp (21 và 22-1), tại TP.HCM đã diễn ra hai buổi thảo luận về cùng một nội dung là dạy thêm, học thêm hòng tìm ra những giải pháp khả dĩ cho vấn đề này. Thực ra đây không phải là chuyện mới. Ngay từ tháng 5-2012, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 17 quy định về dạy thêm, học thêm nhưng đến nay, khi hỏi thực hiện như thế nào thì ai cũng lắc đầu ngao ngán. Thực tế tại hai buổi thảo luận cũng cho thấy điều ấy khi hầu hết các ý kiến vẫn chỉ xoay quanh nguyên nhân của hiện tượng này (chuyện lương bổng, chuyện quá tải, chuyện thành tích, khiến ai nghe đến cũng “biết rồi, khổ lắm nhưng vẫn phải bàn mãi”) nhưng một giải pháp sáng giá thì vẫn chưa thấy xuất hiện.

Suy cho cùng, dạy học cũng là một nghề, người đi dạy học cũng là một công dân, cũng có gia đình, cũng lo cơm áo gạo tiền như bao nhiêu người khác. Họ có quyền được sử dụng kiến thức, kỹ năng của mình để làm thêm chính đáng khi có người cần đến họ, nhưng họ lại chịu cảnh “trên đe, dưới búa”. Liệu có đáng?

Nhận định về dạy thêm, học thêm hiện nay

Lợi ích và tác hại của dạy thêm, học thêm là có thật, nó chỉ là hậu quả của chính sách. Nói như Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải thì dạy thêm, học thêm gây bức xúc trong dư luận hiện nay chỉ là phần ngọn của giáo dục. Cái gốc là chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục và đào tạo mà Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đã đề ra, nhưng muốn thực hiện điều đó thì còn rất nhiều vấn đề phải bàn bạc, thảo luận…

Một nhà giáo lão thành cũng nhận xét rằng: “Ngành giáo dục hiện nay như cái cây bị sâu đục rễ và dạy thêm, học thêm chỉ là phần ngọn đang dần khô héo. Người ta thấy ngọn bị héo, người ta sẽ bẻ nó hoặc phun thuốc vào nó mà quên rằng chính con sâu kia mới chính là nguyên nhân”.

Và trong khi cái gốc ấy không được giải quyết triệt để thì “luật” đưa ra sẽ khó thể thực hiện tốt, có chăng chỉ là “múc nước bằng rổ”. Đâu đó thực hiện nghiêm túc quy định này lại tạo nên cảnh “truy lùng” giáo viên dạy thêm như đi bắt tội phạm, học sinh học thêm phải nói dối rằng không học… khiến ai công tác trong ngành giáo dục cũng phải xót xa cho nghiệp làm thầy!


Ý kiến của bạn về vấn đề này hoặc có thắc mắc, xin gửi theo mẫu phản hồi dưới đây. Cảm ơn các bạn

Kenhtuyensinh

Theo: báo Pháp Luật Thành Phố