Tại TP.HCM, nhiều trường học đã được bàn giao lại sau khi được trưng dụng phòng chống dịch Covid-19. Các trường bắt đầu sửa sang, chuẩn bị đón học sinh trở lại.
Trường tiểu học Lê Thị Hồng Gấm được trưng dụng làm khu cách ly, dự kiến sẽ được bàn giao vào cuối tháng 10
Tiến hành sửa chữa trường học
Để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4 kéo dài từ tháng 5 đến nay, TP.HCM đã trưng dụng khoảng 1.500 trường học làmbệnh viện dã chiến, khu cách ly, điểm tiêm vắc xin, điểm đóng quân của bộ đội, điểm tập kết và phân phối thực phẩm… Theo kế hoạch của ngành y tế, trong tháng 10, những cơ sở giáo dục tham gia vào nhiệm vụ phòng chống dịch nói trên sẽ cơ bản được bàn giao lại cho ngành giáo dục, phục vụ lộ trình chuẩn bị mở cửa trường học tại các quận, huyện.
Lộ trình bàn giao trường học đã được tiến hành, nhưng số lượng bàn giao các cơ sở tùy vào từng quận, huyện.
Chẳng hạn tại Q.3, theo tiến sĩ Phạm Đăng Khoa, Trưởng phòng Giáo dục, 100% đơn vị trường học tham gia công tác phòng, chống dịch đã được giao lại cho ngành giáo dục. Hiện nay các trường đang tổ chức vệ sinh, sắp xếp trang thiết bị chuẩn bị cho việc đón học sinh (HS) trở lại học trực tiếp.
Tương tự tại Q.8, 100% số trường đã được bàn giao. Ông Dương Văn Dân, Trưởng phòng Giáo dục quận này, cho hay ngay sau khi nhận lại cơ sở vật chất thì các trường đã bắt đầu sửa chữa, cải tạo theo kế hoạch của UBND quận.
Còn tại Q.Tân Bình, lãnh đạo phòng giáo dục thông tin những trường học sử dụng làm điểm tiêm vắc xin, điểm y tế lưu động… đã nhận bàn giao và đang sửa chữa, cải tạo. Còn lại, Trường THCS Hoàng Hoa Thám và Trường tiểu học Lê Thị Hồng Gấm trưng dụng làm khu cách ly thì Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của quận đã có kế hoạch bàn giao vào cuối tháng 10.
Là một trong những quận có số trường học trưng dụng cho công tác phòng, chống dịch nhiều nhất với 66 trường, ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng Giáo dục Q.Bình Tân, cho biết trước mắt quận có kế hoạch bàn giao khoảng 15% số trường đã hoàn thành nhiệm vụ trong giai đoạn này. Các trường nhận bàn giao đến đâu sẽ tu sửa trường lớp, chuẩn bị công tác đón HS đến đó.
Trong đợt bùng phát dịch lần này, Trường THPT Phú Nhuận (Q.Phú Nhuận) trở thành bệnh viện dã chiến từ ngày 2.8. Theo kế hoạch, đến ngày 25.10, bệnh viện sẽ hoàn tất điều trị cho bệnh nhân và không tiếp nhận thêm bệnh nhân mới. Lãnh đạo nhà trường cho hay sau khi nhận bàn giao, trường sẽ rà soát cơ sở vật chất, thực hiện các công đoạn chuẩn bị điều kiện an toàn đón HS đi học trở lại ngay khi có thể.
Tại TP.Thủ Đức, Trường THPT Dương Văn Thì vẫn đang là khu cách ly, điều trị bệnh nhân Covid-19 của địa phương từ cuối tháng 7 đến nay. Lãnh đạo nhà trường cho hay hiện tại trường chưa nhận được thông báo chính thức ngày bàn giao cụ thể, nhưng theo lộ trình chung của TP thì trong tháng 10, các cơ sở giáo dục sẽ nhận lại để thực hiện tu sửa, cải tạo trường lớp chuẩn bị cho việc đón HS trở lại học trực tiếp vào đầu năm 2022.
Công tác chuẩn bị mở cửa trường học
Đề cập đến việc bàn giao cơ sở vật chất trường học, trong buổi họp giao ban với các trường THPT, phòng giáo dục các quận, huyện, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho hay hiện tại ngành giáo dục đang tiếp nhận lại các cơ sở giáo dục được trưng dụng vào công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP. Tuy nhiên, khi đi thực tế tại một số trường ở các quận huyện, thấy rằng tình trạng thiết bị dùng trong y tế phục vụ phòng chống dịch vẫn còn nhiều trong trường học, gây khó khăn trong tiến độ sửa chữa trường. Vì vậy, lãnh đạo sở này đề nghị các phòng giáo dục tham mưu cho UBND, ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 các quận huyện tính toán, thu dọn lại các vật dụng không phải của trường học, tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục tiếp nhận để chuẩn bị đón HS trở lại trường.
Ngoài ra, ông Hiếu cũng nói thêm theo kế hoạch của TP vẫn xác định học trên internet, trên truyền hình đến hết học kỳ 1, tuy nhiên thực hiện theo nghị quyết của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế mới ban hành, TP sẽ tính toán, xây dựng phương án những vùng chuyển trạng thái sang vùng an toàn, có thể dạy học trực tiếp ngay trong học kỳ 1 với quy mô sẽ được TP tính toán. Lãnh đạo sở nhấn mạnh những trường thực hiện thí điểm mở cửa đầu tiên cần hết sức thận trọng, đảm bảo công tác phòng chống dịch, thực hiện nghiêm 5K trong sân trường nếu được phép hoạt động trực tiếp…
Dạy học qua internet, truyền hình vẫn chính thức
Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cũng khẳng định ngay cả khi trường học mở cửa trở lại thì việc dạy và học trên internet, trên truyền hình vẫn là một phương thức dạy học chính thức. Do vậy, các trường cần tiếp tục rà soát trang thiết bị học tập của HS, kể cả những HS đã có các thiết bị cũ nhưng chưa đạt chuẩn hoặc mượn của cha mẹ được xem như chưa có thiết bị học tập.
> Bộ GD&ĐT hướng dẫn tổ chức dạy học trực tiếp ở địa phương xác định cấp độ dịch
> TP.HCM: Có sự thay đổi về số lượng học sinh, giáo viên khi học trực tiếp
Theo Thanh Niên