TP.HCM biên soạn sách giáo khoa: sẽ có giáo viên trẻ tham gia viết sáchHọc sinh Trường THCS Hồng Bàng, Q5, TP.HCM trong giờ học môn Vật Lý theo tài liệu dạy học do Sở GD- ĐT TP.HCM biên soạn - Ảnh: NHƯ HÙNG

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Hiếu, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết:

- Cách đây nhiều năm, khi Quốc hội chưa thông qua nghị quyết về đổi mới chương trình giáo dục, SGK phổ thông, Sở GD-ĐT TP đã mong muốn có một bộ sách mang tư tưởng phát triển năng lực học sinh, giảm bớt kiến thức hàn lâm, nặng nề; tăng phần kiến thức thực tế.

Thế là Sở GD-ĐT bắt tay vào việc biên soạn bộ tài liệu dạy học bậc THCS theo chủ trương trên (hiện bộ sách này đã đưa vào sử dụng trong các trường THCS với ba môn toán, lý, hóa trên địa bàn TP.HCM - PV). Đây được hiểu như một bước quá độ thể hiện chủ trương đổi mới mà Bộ GD-ĐT đang triển khai.

* Thưa ông, đội ngũ tham gia viết sách phải đạt những tiêu chuẩn gì để đáp ứng yêu cầu trên của Sở GD-ĐT?

- Đội ngũ tham gia viết sách bao gồm: chuyên gia, cán bộ quản lý, giáo viên các trường đại học và trường phổ thông. Trong đó có những thầy cô giáo rất trẻ, chỉ trên dưới 30 tuổi. Họ là những người có năng lực về chuyên môn, nhiệt huyết, kinh nghiệm và có thể làm việc nhóm được.

Đặc biệt đối với những giáo viên trẻ phải là những người từng chuyển tải thành công chủ trương đổi mới giáo dục trong nhà trường mà họ đang công tác.

Nói đến đây chắc sẽ có người thắc mắc là tại sao lại có giáo viên trẻ tham gia viết SGK? Đội ngũ giáo viên trẻ ở TP.HCM rất năng động, sáng tạo, tiếp thu sự đổi mới nhanh chóng; tiếp cận với khoa học công nghệ rất nhanh và áp dụng vào giảng dạy cũng rất hiệu quả.

Tôi tin vào triển vọng tốt đẹp khi có sự dung hòa giữa đội ngũ giáo viên thâm niên, nhiều kinh nghiệm với lực lượng trẻ đầy nhiệt huyết và sáng tạo để làm nên bộ SGK tạo được hứng thú học tập cho học sinh.

* Cụ thể, SGK của TP.HCM sẽ mang hình hài ra sao, thưa ông?

- Xu hướng SGK ở các nước tiên tiến là phải bắt mắt, nhiều hình ảnh hấp dẫn và được in màu. Bộ SGK của TP.HCM cũng sẽ đi theo xu hướng này, mặc dù có ý kiến lo ngại là số trang sách có thể tăng. Chúng tôi sẽ cố gắng để bộ sách sinh động, hấp dẫn, phong phú với số trang hợp lý nhất.

Hầu hết các bài học sẽ có những phần sau: trước mỗi bài học sẽ đặt ra các tình huống có liên quan đến thực tế cuộc sống nhằm giúp học sinh trả lời câu hỏi: Tại sao các em phải học bài đó? Nói chung phần này nhằm kích thích học sinh tìm hiểu kiến thức trong bài học.

Nội dung bài học sẽ có cấu trúc để giúp học sinh hình thành kiến thức qua các hoạt động: thí nghiệm, thực hành, đọc thông tin, trao đổi, thảo luận... Tiếp theo đó là phần luyện tập bao gồm các câu hỏi giải quyết tình huống, bài tập với mức độ đại trà.

Phần cuối bài sẽ là phần mở rộng: gợi ý cho học sinh tìm hiểu thông tin ở mức độ sâu hơn, rộng hơn, yêu cầu các em giải quyết tình huống và bài tập ở mức độ khó hơn.

Bộ SGK này sẽ chú trọng đến cách hình thành kiến thức cho học sinh, thay vì chỉ cung cấp kiến thức đơn thuần. Thậm chí ở một số môn, phần đầu của SGK sẽ nêu rõ phương pháp để học tốt bộ môn ấy.

SGK sẽ cho phép giáo viên giảng dạy theo cách của mình, miễn là phù hợp với năng lực học sinh và yêu cầu của bài học. Ví dụ: có những bài phải yêu cầu học sinh tìm thông tin, phải có sự trải nghiệm mới rút ra được kiến thức cho mình; nhưng có những bài nội dung phức tạp thì không nhất thiết phải yêu cầu như vậy.

* Thời điểm này, tiến độ biên soạn sách đến đâu rồi, thưa ông?

- Sở GD-ĐT TP và NXB Giáo Dục đã tập huấn cho đội ngũ viết sách. Vừa qua, Bộ GD-ĐT đã xây dựng các dự thảo khung chương trình bậc tiểu học và THCS. Dựa vào định hướng đó, chúng tôi đã chi tiết hóa về phân phối chương trình, cấu trúc SGK và một số bài soạn mẫu.

Nếu năm nay Bộ GD-ĐT công bố khung chương trình chính thức thì chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện các bài mẫu, tiến hành soạn chi tiết các bài và đưa vào dạy thử nghiệm vòng 1 trong năm học 2016-2017.

Năm học 2017-2018 sẽ dạy thử nghiệm vòng 2. Như vậy sẽ bảo đảm đến năm học 2018-2019 có bộ SGK mới đưa vào sử dụng theo như dự kiến mà Bộ GD-ĐT đã công bố thời gian qua.

Tuy nhiên đối với bậc THPT thì chưa chắc có kịp tiến độ hay không.

* Dư luận lo ngại về giá thành SGK của TP.HCM sẽ cao hơn bộ SGK hiện hành, ông nghĩ sao về vấn đề này?

- Với xu hướng như đã nói ở trên, chắc chắn bộ SGK mới của TP.HCM sẽ có giá thành cao hơn SGK hiện hành. Tuy nhiên, chúng tôi cũng hi vọng với số lượng bản in cao và ngoài TP.HCM, một số tỉnh thành khác nếu thấy phù hợp có thể sử dụng thì giá thành sẽ hạ xuống.

Chúng tôi cũng chắc chắn rằng giá sách của chúng ta với nhiều màu sắc, hình ảnh sinh động vẫn thấp hơn rất nhiều so với sách ở nhiều nước khác trên thế giới có cùng chất lượng và độ dày.

Hiện nay, trong quá trình học một số bộ môn, học sinh tiểu học và THCS viết thẳng vào SGK, khiến học sinh năm sau không thể dùng SGK của năm trước.

Trong quá trình thực hiện bộ SGK cho chương trình mới, chúng tôi sẽ tách biệt rõ SGK và sách học sinh với mong muốn kéo dài “chu kỳ sống” của SGK. Học sinh có thể thuê sách hoặc học xong rồi thì bán, tặng cho học sinh năm sau.

 

Theo Tuổi trẻ, nguồn: http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20160809/tphcm-bien-soan-sach-giao-khoa-se-co-giao-vien-tre-tham-gia-viet-sach/1151566.html