Đối tượng tuyển là cán bộ, công chức, viên chức, sinh viên,… dưới 35 tuổi. Trong đó, các ứng viên phải cam kết sau khi hoàn thành khóa học sẽ phục vụ cho tỉnh Cà Mau tối thiểu 5 năm đối với thạc sĩ và 10 năm đối với tiến sĩ.
Các ngành nghề mà tỉnh này sẽ đưa đi đào tạo, gồm: Công nghệ thông tin (viễn thông và tin học); Công nghệ sinh học (sinh học nông nghiệp, sinh học thực vật, sinh học động vật, sinh học môi trường, sinh học thực phẩm); Công nghệ chế biến (chế biến các sản phẩm mới, bảo quản sau thu hoạch, dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm).
Công nghệ xây dựng (kỹ thuật xây dựng công trình giao thông - xây dựng cầu, hầm, đường ô tô và đường thành phố, quản lý xây dựng – kinh tế xây dựng, kỹ thuật xây dựng công trình ngầm, công trình thủy, công trình biển).
Kiến trúc, quy hoạch (quy hoạch vùng và đô thị, kỹ thuật hạ tầng và môi trường đô thị, cảnh quan, thiết kế công trình,…); Kinh tế tổng hợp (tài chính, tài chính công, tài chính – ngân hàng, công cụ và thị trường tài chính, quản lý kinh tế); Công nghệ hóa (hóa dược, hóa sinh, hóa thực phẩm); Kinh tế đối ngoại (kinh tế quốc tế).
Luật quốc tế; Y tế; Nông-lâm-ngư nghiệp (nuôi trồng, giống, thức ăn, khai thác, chế biến, bảo quản, bệnh học thủy sản, lai tạo giống,…).
Theo UBND tỉnh Cà Mau, tỉnh sẽ cấp 100% học phí khi ứng viên được cơ sở đào tạo nước ngoài tiếp nhận vào học và một số chi phí khác có liên quan cũng như trong quá trình học tập. Sau khi hoàn thành khóa học, tỉnh sẽ xem xét nguyện vọng của ứng viên để bố trí việc làm phù hợp và ưu tiên các chính sách ưu đãi khác.
Thời gian tỉnh Cà Mau nhận hồ sơ ứng viên tham gia đề án trên đến hết ngày 20/11/2017 tại Sở Nội vụ.
Được biết, kế hoạch trên là một phần trong đề án "Đào tạo nguồn nhân lực ở nước ngoài giai đoạn 2017 - 2025" của tỉnh Cà Mau. Mục tiêu của tỉnh này theo đề án là sẽ đưa đi đào tạo 30 Tiến sĩ, 80 Thạc sĩ ở nước ngoài, với kinh phí dự kiến khoảng 157 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của tỉnh.
Theo UBND tỉnh Cà Mau, thời gian qua, việc đào tạo cán bộ, công chức, viên chức chưa tập trung, chưa gắn với vị trí việc làm và quy hoạch bố trí, sử dụng chưa đáp ứng yêu cầu; đào tạo sau đại học chưa được quan tâm nhiều ở các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật; một bộ phận đưa đi đào tạo có tính chuyên nghiệp chưa cao, tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ còn hạn chế.
Hiện nay, so với yêu cầu chung, nguồn nhân lực của tỉnh vẫn còn tình trạng vừa thừa, vừa thiếu và không đồng bộ về cơ cấu, chưa đáp ứng tốt yêu cầu thực tiễn và tiếp cận phương pháp quản lý tiên tiến, cán bộ quản lý sản xuất kinh doanh giỏi, cán bộ quản lý khoa học kỹ thuật, chuyên gia đầu ngành còn hạn chế về chất lượng.
Trước thực trạng trên, lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau cho rằng, việc tiếp tục đầu tư đào tạo nguồn nhân lực ở nước ngoài nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương là một yêu cầu cấp thiết.
“Đề án được triển khai thực hiện sẽ tác động tích cực đến sự phát triển của tỉnh và lực lượng này sẽ là nòng cốt nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật nói chung, có khả năng chuyển giao công nghệ cho đội ngũ cán bộ khoa học tại chỗ, là đầu mối thúc đẩy mở rộng mối quan hệ hợp tác quốc tế theo hướng đa khu vực và đa ngành nghề”, báo cáo của UBND tỉnh Cà Mau nhận định rõ.
Theo Dân Trí