Giáo dục > Tuyển sinh > Du học > Học đường

Hơn 90% học sinh sinh viên hối hận khi phải nói dối

Bộ GD-ĐT vừa công bố kết quả khảo sát và phỏng vấn sâu với 3.000 cán bộ, giáo viên, phụ huynh, học sinh-sinh viên (HSSV) về thực trạng đạo đức lối sống.  Kết quả được đánh giá khả quan khi có tới 91,38% HSSV thấy hối hận, khổ tâm khi buộc phải nói dối hoặc làm việc không trung thực. Riêng với câu hỏi về thái độ với gian lận thi cử thì có 60,62% HSSV được hỏi không đồng tình với gian lận trong thi cử, vẫn còn 35,92% trường hợp phân vân giữa đồng tình và không đồng tình. Trả lời câu hỏi nếu gặp chuyện bất bình, tốt nhất là coi như không biết để tránh rắc rối cho bản thân thì có 74,33% ý kiến không đồng ý, 22,03% phân vân, 3,54% đồng ý.

Lưu ý khi nộp hồ sơ xét tuyển thẳng

Theo quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ, thí sinh năng khiếu nghệ thuật tốt nghiệp THPT đoạt giải chính thức trong các cuộc thi nghệ thuật quốc tế về ca, múa, nhạc được tuyển thẳng vào các ngành học tương ứng trình độ ĐH, CĐ của các trường khối này theo quy định từng trường.

Các thí sinh đoạt giải chính thức trong các cuộc thi nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc đã dự thi các môn văn hóa theo đề chung, đạt đủ điều kiện về ngưỡng đầu vào do Bộ quy định và không có môn nào bị điểm 0 sẽ được ưu tiên xét tuyển vào các trường. Tuy nhiên, các trường khối ngành này cho biết chưa năm nào có thí sinh được tuyển thẳng.

Từ năm 2013, Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM không tuyển thẳng do không có ngành đúng và ngành gần môn đoạt giải trong danh mục ngành tuyển thẳng Bộ công bố.

Ngược lại, nhiều trường ĐH đào tạo ngành bác sĩ đa khoa sẽ tuyển thẳng không hạn chế thí sinh vào trường. PGS-TS Đặng Văn Tịnh, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết sẽ tuyển thẳng không hạn chế thí sinh đoạt giải nhất, nhì, ba kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, Hội thi khoa học kỹ thuật do Bộ GD-ĐT tổ chức cấp quốc gia. Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Hà, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho hay trường chỉ tuyển thẳng thí sinh đoạt giải nhất, nhì, ba môn sinh học vào các ngành bậc ĐH. Riêng thí sinh đoạt giải khuyến khích môn này sẽ được tuyển thẳng vào ngành hộ sinh bậc CĐ.

Cũng theo quy định, thí sinh khuyết tật là đối tượng được các trường xem xét cho vào học. Thực tế mỗi trường có chính sách tuyển sinh khác nhau dành cho người khuyết tật. Thạc sĩ Lê Ngọc Tứ, quyền Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, nói: “Thí sinh khuyết tật đã tốt nghiệp THPT, có học lực 3 năm THPT và xếp loại tốt nghiệp THPT khá trở lên sẽ được hội đồng tuyển sinh xem xét cụ thể dựa trên tình trạng sức khỏe, năng lực học tập và ngành học thí sinh đăng ký”. Trong khi đó, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM yêu cầu thí sinh khuyết tật phải có học lực 3 năm THPT đạt loại khá (riêng 3 môn theo khối thi của ngành xét tuyển phải đạt từ 7 trở lên). Thí sinh có thị lực dưới 10% phải có xác nhận của trung tâm giám định y khoa cấp tỉnh, thành phố mới đủ tiêu chí xem xét tại hội đồng tuyển sinh trường.

Đổi mới thi ngữ văn: Thiệt thòi cho học sinh

Nhiều giáo viên tại TP HCM cho rằng việc đổi mới cấu trúc đề thi, rút ngắn thời gian làm bài môn văn trong thời điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT cận kề đang gây “sốc” cho cả thầy lẫn trò. “Đọc những thông tin  về việc Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể đổi mới cách ra đề thi môn ngữ văn ngay trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 mà lòng tôi không khỏi lo lắng. Lo vì học sinh lâu nay chưa quen với kiểu ra đề mới, chưa được hướng dẫn về cách làm bài kiểu mới này và nếu có hướng dẫn thì cũng không kịp vì từ giờ đến lúc thi chỉ còn 8 tuần nữa” - ThS Đặng Thị Huy Lam - giáo viên môn văn Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, TP HCM - tâm sự.

Giảm dạy làm "quan" từ khi học trò ngồi ghế trường trung học cơ sở

Phần lớn nhân lực được đào tạo dưới chuẩn về chuyên môn, nhưng trình độ học vấn lại cao. Đào tạo không bám sát chiến lược phát triển của đất nước...” Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập Việt Nam (VIPUA) vừa có Hội thảo thứ hai liên quan tới Đề án về tái cấu trúc hệ thống giáo dục, thực hiện đúng tinh thần theo “đặt hàng” của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong Hội nghị tổng kết 20 năm mô hình giáo dục ngoài công lập được tổ chức trước đó. Phân tích những việc cần làm ngay tại bản Đề án này, TS. Lê Viết Khuyến - Trưởng ban hỗ trợ chất lượng giáo dục (thuộc VIPUA) cho biết, đề án này tập trung đề cập tới khu vực giáo dục nghề nghiệp - nơi đào tạo ra nguồn nhân lực cho đất nước, bởi đất nước muốn đi vào nền kinh tế tri thức phải phát triển giáo dục bậc cao, đặc biệt là giáo dục đại học.

Phân luồng mạnh sau 2015

Trong vài năm gần đây số liệu cho thấy việc phân luồng của chúng ta đang có sự bất cập lớn. Theo số liệu thống kê của Tổng cục thống kê (2001), cơ cấu trình độ lực lượng lao động đang làm việc không có trình độ chiếm 84,6%, có trình độ  trên 15%. Năm 2010 có 2.669 trường phổ thông, trong đó trung cấp nghề chỉ có 303 trường, trung cấp chuyên nghiệp 282 trường, con số này không cân xứng để tạo ra sự cân đối. Dẫn tới việc phân luồng học sinh sau THCS không đồng đều. Con số năm 2010, học sinh tốt nghiệp THCS có hơn 1 triệu em, số đi vào THPT chiếm 84,1%, vào trung học chuyên nghiệp chỉ có 2,04%, vào học dạy nghề chỉ có 4%, còn lại tham gia vào thị trường lao động (bỏ học đi làm chiếm 9,86%). Theo TS. Khuyến sự phân luồng ở đây hầu như không có.

Tổng hợp từ Anninhthudo, Pháp Luật TPHCM, TIền Phong & Thanhnien.com.vn ngày 14/04/2014