Gần như năm nào kiểm tra, Bộ GDĐT cũng phát hiện ra một số trường sai phạm trong việc tự xác định và đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh hoặc tuyển sinh vượt chỉ tiêu đã đăng ký. Nhiều án phạt đã được đưa ra nhưng có vẻ như hiện tượng này không có dấu hiệu dừng lại.

Ngừng tuyển sinh, tước quyền tự xác định chỉ tiêu

Mới đây, Bộ GDĐT đã kiểm tra ngẫu nhiên 18 trường ĐH, CĐ về việc tự xác định và đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh năm 2014. Bộ GDĐT phát hiện sai phạm và đã có văn bản tước quyền tự xác định chỉ tiêu năm 2015 đối với 4 trường ĐH Thăng Long, ĐH Công đoàn, ĐH Giao thông Vận tải TPHCM và CĐ Dược Trung ương.

Cả bốn trường này đều đăng ký chỉ tiêu vượt trên 30% trở lên so với năng lực thực tế về đội ngũ giảng viên. Do những sai phạm trên, năm 2015 các trường kể trên không được tự đăng ký chỉ tiêu như các trường khác mà sẽ phải chấp nhận chỉ tiêu cụ thể do Bộ GDĐT ấn định.

Qua kết quả kiểm tra, Bộ GDĐT phát hiện có đến 8/18 trường vượt định mức quy định về số sinh viên chính quy/1 giáo viên, giảng viên quy đổi (theo quy định là 25 sinh viên/giảng viên) do các trường báo cáo không chính xác quy mô học sinh, sinh viên chính quy, số sinh viên dự kiến tốt nghiệp;

11/18 trường báo cáo sai về đội ngũ giáo viên như đưa toàn bộ đội ngũ cán bộ phòng ban vào làm công tác giảng dạy nhưng số giờ lên lớp giảng dạy thực tế rất nhỏ, đăng ký cả số giảng viên dự báo sẽ được tuyển dụng…;

Xử phạt nghiêm nếu trường đại học tuyển sinh vượt chỉ tiêu

2/18 trường chưa đạt tiêu chí diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo/1 sinh viên (tối thiểu là 2m2 nhưng có trường chỉ đạt 1,65m2 hoặc 1,9m2).

Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga cũng đã ký quyết định tạm ngừng tuyển sinh đối với Trường ĐH Công nghệ và quản lý Hữu Nghị (Hà Nội).

Theo đó, tất cả các ngành của trường đều bị dừng tuyển sinh để xử lý những sai phạm trong tổ chức và quản lý đào tạo vì trường không đảm bảo các điều kiện về đất đai, cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên cơ hữu, đội ngũ cán bộ quản lý, chương trình đào tạo và giáo trình, quy chế tài chính nội bộ. Ngoài ra, trường đã tuyển thí sinh không đủ điều kiện nhập học vào trường trong các năm 2009 đến 2013.

Năm nào cũng sai phạm

Nhìn lại các mùa tuyển sinh mới thấy, năm nào cũng có một danh sách các trường bị xử phạt hành chính liên quan đến chỉ tiêu tuyển sinh.

Năm 2013 có 19 trường bị xử lý và cắt giảm chỉ tiêu tuyển sinh, trong đó có 5 trường nhiều năm liền tuyển vượt chỉ tiêu. Năm 2012, có 20 trường ĐH, CĐ bị xử phạt vi phạm hành chính trong năm 2011, chủ yếu do tuyển sinh vượt chỉ tiêu.

Trong đó có những trường vượt kinh khủng như ĐH Kinh tế TPHCM vượt đến 38%, ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, ĐH Khoa học Xã hội - Nhân văn (ĐHQuốc gia Hà Nội) vượt từ 16% - 27%. Ngay trong thời điểm tháng 2.2012, đã có 94/285 trường đăng ký chỉ tiêu vượt quá năng lực thực tế của nhà trường.

Năm 2010 cũng có 15 trường bị xử phạt tuyển vượt chỉ tiêu với mức vượt đều trên 20%. Năm 2009 có đến 38 trường ĐH, CĐ bị dính án phạt về vi phạm tuyển vượt chỉ tiêu với mức vượt kỷ lục: ĐH Phan Thiết vượt 91,73%; CĐ Cần Thơ vượt 88,64%; CĐ Điện tử điện lạnh Hà Nội vượt 63%...

Tất cả các trường bị phát hiện tuyển sinh vượt chỉ tiêu, ngoài việc bị khấu trừ chỉ tiêu tuyển mới cho năm sau còn bị phạt hành chính mức tiền tùy theo mức độ vượt chỉ tiêu.

Tuy nhiên, điều đáng nói là những đơn vị bị xử phạt này chỉ chấp hành việc phạt tiền còn việc khấu trừ chỉ tiêu tuyển mới phần lớn là... lãng quên. Thực tế nhiều trường tuyển vượt 20%-40% nhưng chỉ tiêu tuyển mới không giảm mà lại còn cao hơn so với năm trước.

Hiệu trưởng một trường ĐH cho biết, chỉ cần thu học phí của 5 – 10 sinh viên là đủ số tiền phải nộp phạt nên trường sẵn sàng chịu phạt để có thêm sinh viên.

Nhận định về vấn đề này, theo lãnh đạo ĐH Quốc gia TPHCM, Bộ GDĐT cần xem lại biện pháp chế tài đối với các trường vi phạm trong tuyển sinh. Bộ nên nghiêm khắc hơn và xử lý nặng đối với chủ tịch hội đồng tuyển sinh (hiệu trưởng các trường) nếu tái diễn vi phạm tuyển vượt chỉ tiêu.

Theo Báo Infornet, tin gốc: http://infonet.vn/tiep-dien-sai-pham-chi-tieu-tuyen-sinh-tuyen-thua-vai-sv-du-nop-phat-post153065.info