Hẹn với tiến sĩ Đinh Bá Tiến, Trưởng bộ môn Công nghệ phần mềm của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM, nhiều lần đều bị khước từ vì: “Ngại quá, mình chẳng có gì để viết cả. Ở trường có rất nhiều đồng nghiệp xứng đáng hơn. Hay viết về sinh viên của mình đi, nhiều em giỏi lắm...”.

Đường đến NASA

Cuối cùng, tiến sĩ Đinh Bá Tiến cũng chịu rời sinh viên, giảng đường khi đồng hồ đã quá 19 giờ. Vốn thừa hưởng "gen" học thuật từ người cha là giáo viên toán, mẹ là giáo viên Anh văn nên Đinh Bá Tiến sớm ý thức học tập nghiêm túc và bộc lộ tư chất thông minh. Đọc sách trở thành sở thích đã ngấm vào người anh lúc nào chẳng hay. Tốt nghiệp THCS, anh ghi danh khóa đầu tiên của Trường Phổ thông năng khiếu để trở thành "thần dân" lớp toán-tin.

Và ngay cuối năm học đầu tiên, Tiến đã chọn cho mình hướng rẽ sang tin học bởi nó mới mẻ, hấp dẫn, kết quả được thể hiện một cách rõ ràng. Xác định được hướng đi, sự quan tâm duy nhất của anh lúc này là phấn đấu để đạt kết quả cao nhất. Ngay khi lên lớp 11, Tiến đoạt giải ba quốc gia về tin học rồi được tuyển thẳng vào Khoa Công nghệ Thông tin - ĐH Khoa học Tự nhiên.

Những ngày đầu trên giảng đường đại học, Đinh Bá Tiến nổi bật với niềm đam mê nghiên cứu khoa học qua hàng loạt giải thưởng như giải nhì nghiên cứu khoa học cấp bộ, Eureka, VIFOTEC, tài năng tin học trẻ... Cùng thời gian này, Tiến theo học ngành tiếng Anh hệ tại chức của Trường ĐH Ngoại ngữ để chuẩn bị cho hành trình dài phía trước. "Học cùng lúc hai trường rất vất vả, nhiều lúc tưởng kham không nổi",

Tiến khiêm tốn là thế, nhưng kết quả lại khiến nhiều người ngẩn ngơ khi trở thành sinh viên tốt nghiệp thủ khoa xuất sắc của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên và lập cú "đúp” khi "ẵm" luôn vị trí thủ khoa ở Trường ĐH Ngoại ngữ.

Bảy trường ĐH lớn tại Mỹ, Anh, Singapore, Úc đồng loạt "gật đầu” cấp học bổng cho Tiến học thẳng lên tiến sĩ và Tiến đã chọn ĐH Huddersfield, Anh. “Tuy lần đầu tiên được ra nước ngoài nhưng thú thật mình không gặp nhiều khó khăn, bởi mình đã đọc tài liệu và chuẩn bị mọi thứ kỹ càng nên không bỡ ngỡ và bắt nhịp khá nhanh", Tiến nhớ lại.

Không bao lâu sau khi đặt chân đến nước Anh, ngoài việc nghiên cứu, anh còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội của sinh viên, rồi làm thêm nhiều việc ngoài giờ học. Kết quả học tập, nghiên cứu của Tiến đã thuyết phục được "ông chủ khó tính" - Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) tiếp nhận vào thực tập với nhiệm vụ không hề đơn giản: tính toán tối ưu hóa đường bay cho các máy bay do thám.


Tiến sĩ trẻ Đinh Bá Tiến: Hạnh phúc không thể đong đếm!

Tiến sĩ Đinh Bá Tiến (bìa trái) đang hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học

Từ chối lời mời, tự đi xin việc

Năm 2004, lần đầu đặt chân đến NASA, ấn tượng đầu tiên của chàng thanh niên 25 tuổi - Đinh Bá Tiến là: "Nơi đây kiểm tra an ninh nghiêm ngặt kinh khủng, có những tòa nhà có thể bỏ nguyên cái máy bay cỡ lớn để thử nghiệm và mình được làm việc ở một trong những tòa nhà lớn nhất".

Tiến kể: "Ngày đầu tiên gặp người hướng dẫn nghiên cứu tại NASA, ông ấy đã đưa ra gợi ý hết sức... mơ hồ: Với dự án "Điều khiển lịch trình bay của một máy bay có gắn viễn vọng kính để quan sát các vật thể trong vũ trụ”, anh cứ suy nghĩ thoải mái trong một tuần và chọn cho mình một hướng tính toán mà anh thích nhất. Tuần sau gặp lại để thảo luận".

Miệt mài tìm hiểu, cuối cùng Tiến đã đưa ra quyết định là tiếp cận đề tài bằng phương pháp gần đúng dựa trên việc quan sát các bước kế tiếp tại thời điểm diễn ra. Thế nhưng, anh đã bị từ chối thẳng thừng ngay lần đầu tiên, bởi đây là hướng mà họ đang nghiên cứu và cho kết quả tốt. "Đêm đó, mình mất ngủ vì lo lắng. Mình nghĩ đó là cách tốt nhất có thể làm, giờ phải chọn cách khác mà mình không ưng ý thì sao có thể làm tốt hơn được", Tiến nhớ lại. Nỗi buồn, sự lo lắng không được tồn tại lâu, bởi anh chỉ còn chưa đầy ba tháng để chứng minh.

Tiến đã mạnh dạn đưa ra thử thách với bản thân bằng cách chọn một phương pháp hoàn toàn mới để đưa ra lịch trình tốt cho phép máy bay có thể quan sát hết các vật thể. Kết quả thật bất ngờ, trong số 48 bài thử nghiệm, hầu hết kết quả đều cho thấy hướng nghiên cứu của Tiến nhanh hơn gấp nhiều lần so với hướng mà họ đã làm trước đó, thậm chí có khoảng 10 bài thử nghiệm cho ra kết quả nhanh gấp 100 lần so với họ.

Kết thúc chương trình thực tập thành công, Bá Tiến nhận được lời mời ở lại cộng tác cùng NASA, trước mắt là làm việc trong hai năm. Nhưng anh đã từ chối bởi: "Tôi nghĩ mình phù hợp với nếp sống ở Việt Nam hơn". Trong khi bạn bè đồng trang lứa mơ ước và tiếc nuối cơ hội hiếm có thì Tiến lại dứt khoát quay trở về nước Anh bảo vệ luận án tiến sĩ. Trong khi các nghiên cứu sinh khác phải mất ba-sáu tháng để sửa lại luận văn thì Tiến chỉ mất... hơn một ngày để hoàn chỉnh luận văn vốn đã được đánh giá hoàn hảo.

Bạn bè mất ba giờ để bảo vệ thì Tiến chỉ tốn có 1,5 giờ để thuyết phục hội đồng khoa học khó tính. Với tấm bằng loại ưu và khả năng nghiên cứu nổi bật, Tiến được trường mời ở lại tham gia giảng dạy môn trí tuệ nhân tạo và nghiên cứu sau tiến sĩ. Một lần nữa, Tiến lại từ chối cơ hội tốt. Vượt qua nhiều thử thách, Tiến lại trúng tuyển cả hai công ty lớn với mức lương cao gấp đôi so với bạn bè cùng lớp. Chuẩn bị đặt bút ký hợp đồng, anh lại xin hoãn một tuần để suy nghĩ trước sức hấp dẫn từ xứ sở sương mù.

Mình thích môi trường nghiên cứu bên đó, phòng lab, kho học liệu, mối quan hệ trong công việc cực tốt. Nhưng thứ mình cần là đời sống xã hội, mình thích phong tục và nếp sống ở Việt Nam hơn. Tự nhủ chỉ ở lại làm vài năm để kiếm ít vốn rồi về, nhưng lại sợ ở một năm thành 5 năm, 10 năm và thậm chí là có lúc sẽ không thể từ bỏ để trở về”. Đem những băn khoăn trên, Tiến trò chuyện qua điện thoại với thầy Dương Anh Đức, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên khi đó, được thầy Đức khuyên: Nơi nào cần mà mình về thì người ta quý và sẽ là cơ hội để phát huy.

Cuộc trao đổi hơn hai tiếng đồng hồ đã giúp Tiến tháo gỡ tất cả những gút mắt. Vậy là quyết định trở về. Ngay hôm sau, Tiến ra sân bay mua vé và về ngay trong tuần. "Đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất vào chiều tối chủ nhật với một cảm giác lâng lâng và ngay sáng hôm sau, mình vào trường "xin làm" dù lúc đó chưa biết lãnh đạo trường có đồng ý ký hợp đồng không" - Tiến kể.

Hạnh phúc không thể đong đếm


Tiến sĩ Đinh Bá Tiến hiện đang là Trưởng bộ môn Công nghệ phần mềm Trường ĐH Khoa học Tự nhiên. Anh có hối hận về quyết định của mình không trong khi bạn bè anh bây giờ rất giàu, thu nhập cao ngất ngưởng? Không đắn đo, tiến sĩ Tiến mỉm cười khẳng định: "Hằng ngày, đứng trên bục giảng, tôi đều có cảm xúc rất lạ so với những cảm giác mình từng trải qua. Đó không phải là trách nhiệm phải làm mà là công việc vui thích mỗi ngày. Tôi vẫn thường nói với sinh viên, muốn thành công, đừng nghĩ đến hai từ "giá mà". Có cơ hội lựa chọn, hãy suy nghĩ thật kỹ để đưa ra quyết định. Khi chọn rồi thì làm sao để đi trên con đường ấy một cách tốt nhất. Cuộc sống không có quá nhiều cơ hội để được chọn lại".

Về nước, mỗi năm, vị tiến sĩ trẻ này vẫn đều đặn cùng sinh viên nghiên cứu các đề tài khoa học được báo cáo tại các hội nghị công nghệ thông tin quốc tế; làm cầu nối mời các giáo sư đầu ngành ở các trường ĐH danh tiếng về dạy cho sinh viên của mình. "Thú thật, tôi vẫn thích môi trường làm việc ở nước ngoài, nó tạo điều kiện cho bạn đi xa nhất với khả năng của mình, nhưng với tôi, giá trị việc làm và sự tồn tại của mình có ý nghĩa như thế nào mới là quan trọng. Ở nước ngoài, tôi có thể phát triển rất tốt, kiếm được nhiều tiền nhưng chỉ cho bản thân tôi. Trở về nước, tôi có thể chăm sóc gia đình, có thể làm cầu nối để các bạn sinh viên bay xa... Nếu bây giờ có cơ hội được ra nước ngoài nghiên cứu tiếp, tôi vẫn sẽ chọn ở lại Việt Nam", Tiến khẳng định. Nhiều người vẫn hoài nghi đó chỉ là lý lẽ suông trên lý thuyết, nhưng vị tiến sĩ trẻ chọn cách im lặng, từng bước chứng minh.

Tiến chợt mỉm cười mãn nguyện: "Nếu tính đúng thì khi quay về đây mình lời lắm đấy. Không chỉ có gia đình lớn, mình còn gặp người bạn đời cùng chí hướng và giờ có thêm hai thành viên nhí suốt ngày bi bô". Phần lớn thời gian dành cho sinh viên nhưng vị tiến sĩ trẻ có một nguyên tắc: Tuyệt đối không mang việc về nhà, buổi tối là thời gian dành để cả nhà quây quần, vui chơi.
Theo Người Lao Động