>> Điểm thi tốt nghiệp 2015 >> Điểm thi đại học 2015


PGS Văn Như Cương, Chủ tịch hội đồng quản trị Trường Lương Thế Vinh, Hà Nội:"Chất lượng dạy học vẫn còn nhiều điều phải bàn"

Tỉ lệ tốt nghiệp giảm: Yên tâm được chưa?
PGS Văn Như Cương. (Ảnh: Lê Anh Dũng)

Tôi không bất ngờ với kết quả này. Điều đó không phản ánh học sinh chúng ta kém đi đâu. Thực ra, các em vẫn ở mức như vậy thôi.

Tỉ lệ tốt nghiệp năm nay giảm hơn năm 2014 là do năm nay có 38 cụm thi do các trường ĐH chủ trì và rõ ràng khâu coi thi chặt chẽ hơn, thí sinh làm bài nghiêm túc hơn. Đề thi năm nay cũng có tính chất "cứu điểm" cho học sinh thi chỉ để xét tốt nghiệp nhưng rõ ràng vẫn có rất nhiều em được điểm 0 hoặc dưới 1 điểm (điểm liệt). Như vậy, chất lượng dạy và học vẫn còn rất nhiều vấn đề cần phải bàn.

Một điều nữa tôi muốn nói là nhìn vào những con số này (tỉ lệ tốt nghiệp THPT - PV) thấy có vẻ minh bạch nhưng đó chỉ là một phần. Bộ cần công bố điểm thi cho toàn xã hội nắm được để có đối chiếu, so sánh.

GS Nguyễn Minh Thuyết, Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội:"Yên tâm một phần"

Tỉ lệ tốt nghiệp giảm: Yên tâm được chưa?
GS Nguyễn Minh Thuyết. (Ảnh: Lê Anh Dũng)

Tỉ lệ tốt nghiệp năm 2015 có lẽ sát với thực tế hơn kết quả hằng năm luôn ở mức gần 100%. Theo tôi, kết quả này có được một phần vì năm nay có các cụm thi do các trường ĐH chủ trì. Phần lớn những cụm này coi thi nghiêm túc. Việc chấm thi, phần lớn cán bộ đã quen tay, chấm đúng với thực lực học sinh hơn.

Tuy nhiên, không phải tất cả mọi nơi việc coi thi đều nghiêm, chấm thi đều chính xác. Tôi cho rằng nếu những việc này làm tốt hơn, đều tay hơn ở tất cá các cụm thi thì kết quả sẽ phản ánh đúng hơn thực tế dạy và học ở trường phổ thông hiện nay.

Nhận định chung về kỳ thi năm nay, có thể thấy Bộ GD-ĐT đã phối hợp với các địa phương, các trường ĐH và toàn xã hội thực hiện một kỳ thi, từ khâu ra đề, coi thi đến chấm thi, về cơ bản an toàn, nghiêm túc. Đâu đó vẫn có hiện tượng giám thị sai sót, nhầm lẫn như vụ việc ở Lâm Đồng,...song đó chỉ là cá biệt. Đã không còn những vụ lộn xộn trong phòng thi như ở Trường THPT dân Lập Đồi Ngô (Bắc Giang) năm nào. Đề thi cơ bản đã được ra "an toàn" và có khả năng phân loại thí sinh.

Nếu năm tới ta vẫn triển khai theo cách này tôi chỉ xin có mấy kiến nghị: Thứ nhất, Bộ GD-ĐT cần để thí sinh được chọn cụm thi theo nguyện vọng, chứ không bắt buộc phải thi ở những cụm được chỉ định theo đơn vị hành chính như hiện nay. Vừa qua vẫn có trường hợp thí sinh ở cuối huyện hoặc cuối tỉnh phải đi đến điểm thi xa, trong khi các em hoàn toàn có thể thi ở cụm khác gần nhà hơn.

Thứ hai, Bộ GD-ĐT cần để các trường ĐH tự quyết định tuyển thí sinh dự thi ở những cụm thi nào. Làm như vậy sẽ giảm được tình trạng thiếu công bằng khi có cụm coi thi lỏng, có cụm coi thi chặt, chất lượng chấm thi cũng khác nhau. Dĩ nhiên, nếu làm theo cách này thì các trường ĐH,CĐ phải công bố trước phạm vi tuyển sinh của mình để thí sinh lựa chọn cụm thi.

Cuối cùng, Bộ GD-ĐT nên rút kinh nghiệm về cách công bố điểm thi. Cần lưu ý đến những cảnh báo của các nhà chuyên môn để không lặp lại tình trạng ùn tắc, nghẽn mạng như năm nay.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển:"Dạy và học Ngoại ngữ chưa đạt yêu cầu"

Tỉ lệ tốt nghiệp giảm: Yên tâm được chưa?
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển. (Ảnh: Văn Chung)

Kết quả đã phản ánh công tác coi thi nghiêm túc, đề thi đã có tác dụng phân hóa học sinh và kết quả thi năm nay cũng phản ánh được địa phương có điều kiện giáo dục tốt hơn thì kết quả thi cũng cao hơn ở những địa phương có những khó khăn.

Về điểm thi môn Ngoại ngữ thấp nói lên việc dạy và học hiện chưa đạt yêu cầu. Đây cũng phù hợp với việc chúng ta đã/đang đổi mới dạy và học Ngoại ngữ theo hướng phát triển năng lực nghe nói đọc viết của học sinh.

Kết quả thi của các sở GD-ĐT chủ trì thấp hơn so với cụm thi do trường ĐH chủ trì - điều này chứng tỏ rằng những băn khoăn trước đây là không có căn cứ.

Theo Vietnamnet, tin gốc: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/252192/ti-le-tot-nghiep-giam--yen-tam-duoc-chua-.html