Theo công bố của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), tỉ lệ tốt nghiệp THPT năm 2015 đạt 91,58%, giảm hơn 8% so với năm 2014. Nhiều ý kiến cho rằng chính số lượng thí sinh bị điểm liệt nhiều trong kỳ thi này đã kéo tỉ lệ tốt nghiệp xuống đến mức thấp như vậy. Tuy nhiên, nếu phân tích dựa trên các số liệu thi của những năm trước đây và năm nay sẽ thấy vấn đề còn có bản chất sâu xa hơn, liên quan đến cả quy chế và tính nghiêm túc của kỳ thi.

Cả nước chỉ có 406 bài thi đạt điểm 10

Từ năm 2013 trở về trước, khi số môn thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT còn là 6, theo quy chế thi tốt nghiệp THPT, học sinh được công nhận tốt nghiệp THPT khi tổng số điểm các môn thi đạt 30 điểm và không có môn nào bị điểm 0 (nghĩa là không có điểm liệt). Năm 2014, có những đổi mới mạnh mẽ trong việc thi tốt nghiệp THPT, số môn thi tốt nghiệp chỉ còn 4, điểm xét tốt nghiệp có tính đến cả điểm quá trình học lớp 12 và có quy định mới về điểm liệt. Theo đó, thí sinh không được xét tốt nghiệp khi có 1 môn thi từ 1 điểm trở xuống. Quy chế tưởng chừng có vẻ ngặt nghèo với quy định về điểm liệt nhưng tỉ lệ tốt nghiệp THPT vẫn tiếp tục tăng hơn những năm trước và lần đầu tiên cán mức 99%.

 

Tỉ lệ tốt nghiệp giảm do điểm liệt

Thi THPT quốc gia tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH

Quy chế thi THPT quốc gia 2015 vẫn duy trì điểm liệt của môn thi là 1 điểm và cách tính điểm xét tốt nghiệp vẫn giống như năm 2014 nhưng tỉ lệ tốt nghiệp đã giảm đáng kể. Lý giải điều này, dễ hiểu nhất đó là do đề thi năm nay chắc chắn tuy không khó bằng đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ ở những năm trước nhưng khó hơn nhiều so với đề thi của các môn tương ứng trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014. Thống kê điểm thi các môn năm 2015 của Bộ GD-ĐT cho thấy tổng số thí sinh của cả nước đạt điểm 10 ở tất cả 8 môn thi chỉ là 406 (toán: 86; văn: 0; ngoại ngữ: 59; vật lý: 1; hóa học: 130; sinh học: 35; lịch sử: 11; địa lý: 84). Trong khi ở kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 chỉ tính riêng ở TP HCM  đã “lạm phát” đến hơn 15.000 điểm 10 (hóa: 3.735; Anh văn: 2.065; vật lý: 731; sinh học: 704 và cao nhất là môn toán có 8.059).

Trượt tốt nghiệp vì điểm liệt chiếm 1/3

Trong phổ điểm các môn thi của Bộ GD-ĐT công bố, các biểu đồ không cho thấy số lượng thí sinh ứng với các mức điểm lẻ 0,25 và 0,75 nên đã phần nào giảm đi tính chính xác, đầy đủ của toàn bộ phổ điểm vì không thể hiện được tất cả các thí sinh đã dự thi.

Do đặc thù giữa hình thức thi trắc nghiệm và thi tự luận, số thí sinh bị điểm liệt ở các môn tự luận bao giờ cũng cao hơn nhiều so với các môn thi trắc nghiệm. Tuy nhiên, các phổ điểm cũng chưa có giải thích rõ về số lượng thí sinh bị điểm 0 ở những môn trắc nghiệm là do nguyên nhân gì (do kỷ luật bị điểm 0, do vắng thi hay do không làm đúng bất kỳ câu nào…?).

Với số lượng 816.830 thí sinh dự thi lấy kết quả để xét tốt nghiệp THPT và với tỉ lệ tốt nghiệp 91,58% đã công bố, số thí sinh trượt tốt nghiệp THPT tính ra khoảng 69.000 thí sinh, có thể thấy rằng số thí sinh trượt tốt nghiệp do “vướng” điểm liệt là chủ yếu (giả sử mỗi học sinh trượt tốt nghiệp chỉ bị 1 điểm liệt vì có thể có những em quá kém bị nhiều điểm liệt cùng lúc) và số học sinh bị trượt do điểm xét tốt nghiệp không đủ 5 điểm chỉ chiếm khoảng 1/4 (các so sánh này chỉ chính xác khi thống kê được số thí sinh có điểm lẻ đến 0,25 và 0,75).

Sự chênh lệch quá lớn số thí sinh bị điểm liệt ở môn toán với các môn khác, kết quả thấp của học sinh ở môn ngoại ngữ cũng là vấn đề cần xem xét, phân tích đối với chất lượng đề thi và việc giảng dạy các môn này ở bậc phổ thông dẫu rằng ở từng môn thi đã đạt được độ phân cách theo yêu cầu.

Năm 2014, tuy tỉ lệ tốt nghiệp THPT đạt rất cao nhưng dư luận tỏ ra không vui vì không tin vào kết quả đó. Tỉ lệ tốt nghiệp THPT năm 2015 đã hợp lý hơn nhưng rõ ràng còn nhiều vấn đề phải mổ xẻ. Dù biết rằng yêu cầu về chất lượng, phản ánh trung thực việc thực học, thực dạy là yếu tố hàng đầu trong thi cử nhưng chắc chắn tỉ lệ tốt nghiệp và định hướng cho các học sinh trượt tốt nghiệp là một vấn đề xã hội, giáo dục cần phải giải quyết một cách tổng thể. Do đó, số học sinh trượt tốt nghiệp không chỉ phản ánh trình độ học lực của bản thân thí sinh và chất lượng, hiệu quả giáo dục mà còn là một công cụ phân luồng sơ bộ cho những luồng đào tạo sau THPT mà có lẽ xã hội cũng dần dần phải làm quen và chấp nhận.

Sự chênh lệch quá lớn số thí sinh bị điểm liệt ở môn toán với các môn khác, kết quả thấp của học sinh ở môn ngoại ngữ cũng là vấn đề cần xem xét, phân tích đối với chất lượng đề thi và việc giảng dạy các môn này ở bậc phổ thông.

Theo Người lao động, tin gốc: http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/ti-le-tot-nghiep-giam-do-diem-liet-2015072621374104.htm