>> Điểm thi tốt nghiệp 2015 >> Điểm thi đại học 2015


Tỉ lệ thí sinh trượt tốt nghiệp tăng: Nên vui hay nên buồn?

Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) đã chính thức công bố tỉ lệ tốt nghiệp THPT 2015. So với năm 2014 (đạt 99,02%), tỉ lệ tốt nghiệp THPT năm 2015 giảm 7,44%. Đây là tỉ lệ đỗ tốt nghiệp thấp nhất trong vòng 4 năm qua

Tăng tỉ lệ học sinh trượt tốt nghiệp THPT cũng có nghĩa là đang có nhiều hơn các gia đình phải chịu nỗi buồn vì sau 12 năm đèn sách, con em họ đã không vượt qua được kỳ thi quan trọng. Một số người cũng bày tỏ nỗi buồn vì sao chất lượng giáo dục lại đi xuống như vậy? Lẽ ra  năm nay tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT phải cao hơn năm trước mới là hợp qui luật?!

Thế nhưng, ở một khía cạnh khác, chúng ta nên vui vì điều này có nghĩa chất lượng dạy học và thi cử đã thay đổi. Chúng ta đã có một thước đo mới giữa người có thực lực và người học kém. Và điều này thể hiện sát hơn với chất lượng giáo dục, được nhiều người mong đợi từ lâu.

Nhiều năm qua, xã hội đã rất trăn trở vì tỉ lệ đỗ tốt nghiệp quá cao, không phản ánh đúng chất lượng dạy – học ở các trường. Có học, có thi, có đỗ. Học giỏi đỗ, học dốt cũng đỗ. Cách thi cử như vậy đã vô tình tạo sự bất công bằng với những em có thực lực, chăm chỉ học hành. Để tiến tới một nền giáo dục có chất lượng thì chúng ta không thể xuê xoa, cho qua tất cả để rồi cuối cùng “hòa cả làng”, học kiểu gì cũng thi đỗ. Điều này đã đem đến sự bất bình đối với nhiều người, đặc biệt là những người tâm huyết với nghiệp trồng người; triệt tiêu sự phấn đấu ở chính các em học sinh vì không có sự cạnh tranh, coi kỳ thi tốt nghiệp THPT như một cuộc chơi nhàm chán nhưng bắt buộc phải trải qua.

Còn nhớ, đã có lần Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đưa ra ý kiến xem xét nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT bởi có tới 98-99% đỗ tốt nghiệp thì thi cử không còn mang ý nghĩa gì nữa.

Và với tỉ lệ đỗ tốt nghiệp cao như vậy, nhiều người cũng cho rằng, nên bỏ kỳ thi này mà chỉ xét tốt nghiệp là đủ.

Nghịch lý không phải lúc nào cũng đáng buồn. Cụ thể ở đây tỉ lệ đỗ tốt nghiệp giảm lại đang khiến nhiều người vui. Bởi đây được đánh giá là kết quả quá trình nhiều năm qua chúng ta cố gắng thay đổi cách thức ra đề thi, áp dụng những kỹ thuật mới hiện đại của thế giới trong việc ra đề.

Theo phân tích của Bộ GD-ĐT, tỉ lệ tốt nghiệp THPT năm 2015 có giảm so với các năm trước, phản ánh đúng hơn kết quả học tập của học sinh. Công tác coi thi, kỷ luật trường thi chặt chẽ hơn; quy trình chấm thi 2 vòng độc lập được tuân thủ nghiêm ngặt hơn; do mục đích của kỳ thi vừa để xét tốt nghiệp THPT, vừa cung cấp dữ liệu cho tuyển sinh cao đẳng, đại học nên đã giảm tối đa hiện tượng học sinh giúp đỡ nhau làm bài trong phòng thi.

Từ đánh giá này của Bộ GD-ĐT có thể thấy rõ những bất cập của kỳ thi tốt nghiệp THPT những năm qua mà tới bây giờ mới có dịp khắc phục. Kỳ thi lần này được đánh giá là gọn nhẹ, giảm áp lực cho xã hội, gia đình và thí sinh. Quan trọng hơn nữa, kỳ thi đã phản ánh đúng hơn chất lượng giáo dục, cung cấp dữ liệu cho việc tuyển sinh ĐH, CĐ và có tác dụng thúc đẩy việc đổi mới dạy và học trong các nhà trường. Việc đánh giá đúng, trúng chất lượng học tập qua kỳ thi này cũng giúp nhiều gia đình không quá ảo tưởng vào con em mình, không phải nhất nhất thi vào đại học, cao đẳng mới có tương lai.

Kết thúc một kỳ thi để bắt đầu một kỳ thi mới. Kỳ thi THPT quốc gia đầu tiên có nhiều điểm mà Bộ GD-ĐT phải rút kinh nghiệm từ khâu tổ chức thi, ra đề thi, công bố điểm thi… “Vạn sự khởi đầu nan”, nhưng đây lại là nền tảng quan trọng để Bộ GD-ĐT phân tích phổ điểm, phân tích các câu hỏi để rút kinh nghiệm trong việc ra đề đánh giá, phân loại trình độ học sinh cho kỳ thi năm tới./.

Liệu các trường đại học, cao đẳng có khó tuyển sinh?

Với các trường top đầu điểm xét tuyển chắc chắn sẽ tăng, điều này làm nhiều người lo ngại các trường và cả thí sinh sẽ khó khăn trong việc xét tuyển.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố kết quả điểm thi của kỳ thi THPT Quốc gia 2015. Hiện nay, Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục đang làm công tác thống kê tất cả cụm thi, kết quả chính thức sẽ được công bố trong vài ngày tới.

Dự kiến, trước ngày 25/7, các Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ công bố kết quả xét tốt nghiệp. Phổ điểm năm nay chủ yếu tập trung từ 5 đến 7, nên việc xét tuyển của các trường đại học và cả thí sinh được dự báo là sẽ gặp khó khăn.

Năm nay, đề thi THPT Quốc gia có hai mục đích là vừa xét tốt nghiệp THPT, vừa là cơ sở để các trường đại học, cao đẳng tuyển sinh, kết quả thi của các thí sinh tốt hơn kết quả thi đại học, nhưng lại thấp hơn kết quả thi tốt nghiệp THPT năm ngoái.

Tiến sĩ Vũ Thu Hương (giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội) nêu thực tế: “Khi chúng ta kết hợp 2 kỳ thi vào 1 đầu điểm thì điểm của các em sẽ bị xáo trộn rất nhiều. Sự thật đã cho thấy, số điểm của các em thấp hơn so với mọi năm. Điều này khiến các trường khó khăn trong việc xét tuyển. Ngoài ra với cách thi này, chắc chắn điểm đỗ tốt nghiệp của các em không được cao, sẽ gây thất vọng cho các em và khó khăn cho các em sau này sau khi ra trường xin việc làm”.

Nhận định về điểm kỳ thi THPT Quốc gia năm nay, TS. Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng: Vì đề thi năm nay có cấu trúc 60% các kiến thức cơ bản và 40% kiến thức nâng cao, nên phổ điểm chủ yếu từ 5 đến 7 là hợp lý. Còn mức điểm khá, giỏi từ 7 đến 8 và từ 9 đến 10 ít hơn, phù hợp với tiêu chí đánh giá năng lực học tập của thí sinh để các trường đại học, cao đẳng xét tuyển.

“Tôi cho là việc phân loại đề thi theo tỉ lệ 60% kiến thức cơ bản và 40% kiến thức nâng cao là hợp lý. Phần hỏi những kiến thức cơ bản để học sinh đủ 5 điểm để tốt nghiệp là rất phù hợp, đúng với cải tiến. Còn những câu hỏi khó là để phân loại học sinh là khoảng 40%. Người ra đề đã phân loại rồi, chỗ nào học sinh khá mới làm được, chỗ nào học sinh giỏi mới làm được. Chấm đến 0,25 điểm thì tôi chắc là chúng ta vẫn phân biệt được vì mục tiêu đại học là lấy từ trên cao xuống” – TS. Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ.

Ở các cụm thi, phổ điểm năm nay cao hơn, nhưng cũng có nhiều điểm liệt hơn. Cụm thi của trường Đại học Thủy lợi, cụm thi trường Đại học Bách Khoa, cụm thi đại học Cần Thơ… đều có điểm liệt. Đơn cử như cụm thi Đại học Thái Nguyên có khá nhiều điểm liệt, môn Toán có tới gần 4%, môn Ngữ văn có khoảng 0,08% bài thi bị điểm liệt…

Tuy số bài thi bị điểm liệt không nhiều, nhưng một số chuyên gia lo ngại sẽ xuất hiện tình trạng thí sinh trượt tốt nghiệp do bị điểm liệt ở môn xét tốt nghiệp, nhưng lại đủ điểm trúng tuyển của một số trường.

Theo PGS.TS. Đặng Kim Vui, Giám đốc Đại học Thái Nguyên, đây là tình huống có thể xảy ra nhưng sẽ không nhiều: “Có thể trường hợp có em trượt tốt nghiệp nhưng lại đỗ đại học nhưng đây là trường hợp hiếm. Vì có một vài em học lệch, học một môn, hai môn, còn lại thì không học, nhưng học lệch cũng không được vì theo yêu cầu chất lượng tốt nghiệp thì phải đảm bảo tối thiểu 3 môn kia (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) đạt được yêu cầu. Thực ra các em đã thi trượt tốt nghiệp thì các môn khác không bao giờ cao được. Bởi vì mức điểm theo đề năm nay, các em chỉ cần học ở mức trung bình thấp thôi vẫn có thể đạt được mức điểm để xét tốt nghiệp”.

Với phổ điểm tập trung từ 5 đến 7 điểm, thí sinh muốn trúng tuyển đại học phải đạt ít nhất từ 5 điểm 1 môn trở lên, vì điểm sàn xét tuyển năm nay có thể cao hơn kỳ tuyển sinh năm ngoái. Đặc biệt, với các trường top đầu, hoặc những ngành nghề được nhiều thí sinh lựa chọn thì điểm nhận hồ sơ xét tuyển chắc chắn sẽ tăng. Điều này làm nhiều người lo ngại các trường và cả thí sinh sẽ khó khăn trong việc xét tuyển.

Tuy nhiên, PGS. Hoàng Minh Sơn, Phó Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, việc các trường tuyển khó hay dễ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố và thí sinh vẫn có nhiều cơ hội nếu biết lựa chọn trường, ngành phù hợp.

“Ngoài chuyện điểm cao hay thấp, các em cần chọn những trường, ngành, phù hợp với mình. Các em có nhiều lựa chọn, chứ không phải chuyện điểm cao hay thấp. Ngay cả trường top cao cũng có nhiều ngành khác nhau với điểm khác nhau, rất nhiều cơ hội để các em lựa chọn” - PGS. Hoàng Minh Sơn chia sẻ.

Thứ trưởng Bộ GD&DT Bùi Văn Ga khẳng định: “Với phổ điểm phân bố như vậy, các trường top giữa sẽ tuyển sinh dễ dàng, còn đối với các trường top cao, số thí sinh đạt điểm tuyệt đối 9-10 ít hơn. Ngược lại, thí sinh năm nay thi rồi mới đăng ký cho nên thí sinh cả nước khi đạt ngưỡng yêu cầu của các trường top cao đều có thể nộp đơn được nên số lượng sẽ không thiếu”.

Bắt đầu từ ngày 1 - 20/8, các trường Đại học, Cao đẳng sẽ chính thức nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển đợt I của các thí sinh. Sau ngày 20/8, các trường sẽ công bố điểm trúng tuyển nguyện vọng 1 và sau đó gửi giấy báo nhập học. Những em trúng tuyển nguyện vọng 1 sẽ không được tham gia xét tuyển nguyện vọng bổ sung.

Tuy nhiên, trong vòng 20 ngày của thời gian đăng ký xét tuyển, thí sinh được phép thay đổi nguyện vọng đã đăng ký ở trường hoặc rút hồ sơ đăng ký xét tuyển để đăng ký sang trường khác. Dự kiến, ngày 28/7 tới, Bộ GD&ĐT sẽ xác định mức điểm tối thiểu thí sinh phải đảm bảo để đủ điều kiện vào đại học./.

Theo VOV.vn, tin gốc: http://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/ty-le-thi-sinh-truot-tot-nghiep-thpt-tang-nen-vui-hay-buon-416578.vov