Thương lắm học sinh Pa Cô cõng gạo, xa nhà đi học Thương lắm học sinh Pa Cô cõng gạo, xa nhà đi học  - Ảnh 1 GD&TĐ - Để được học nhiều kiến thức, các em học sinh đồng bào dân tộc thiểu số của xã Hồng Thuỷ (huyện miền núi A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế) mang gạo theo, xin nhà dân ở lại để theo học tại trường THCS & THPT Hồng Vân, xã Hồng Vân. 
Thương lắm học sinh Pa Cô cõng gạo, xa nhà đi học  - Ảnh 2Thương lắm học sinh Pa Cô cõng gạo, xa nhà đi học  - Ảnh 3Thương lắm học sinh Pa Cô cõng gạo, xa nhà đi học  - Ảnh 4 Bới gạo đi học

Với địa bàn nằm giáp ranh với tỉnh Quảng Trị, nên việc học hành của các em học sinh ở xã Hồng Thuỷ (huyện A Lưới) gặp rất nhiều khó khăn, khi phải đi hàng chục cây số mới đến điểm trường. Các em học sinh nào có ý chí học lên Trung học phổ thông thì xin gia đình mang gạo vào xã Hồng Vân xin nhà dân ở lại học, không thì học ngang lớp 9 bỏ học làm rừng.

Em Hồ Thị Nhàn người dân tộc Pa Cô đang theo học lớp 12B2 trường THCS & THPT Hồng Vân (xã Hồng Vân) - cho biết: Nhà em ở thôn Pa Ay ở xã Hồng Thuỷ, từ năm lớp 10 em đã ra xã Hồng Vân xin nhà người dân ở lại học, không đi học xa lắm. Cuối tuần nếu học xong thì em đi ra đường Hồ Chí Minh xin xe người dân về nhà hoặc gọi người nhà ra đón. 

Mỗi lần về nhà như vậy, em lại mang gạo vào để góp cùng với người dân nấu ăn chung. Hàng tháng ba mẹ chỉ cho gạo mang vào nấu ăn thôi, không hỗ trợ tiền bạc chi hết, vì có tiền nhà nước cho rồi.

Mặc dù việc học hành khó khăn như vậy, nhưng em Hồ Thị Nhàn vẫn cố gắng học hành để có thể thi đậu vào trường Cao đẳng Y tế Huế trở thành một dược sỹ trong kỳ thi đại học sắp tới. 

Riêng những phụ huynh có con đi trọ học xa, phận làm cha mẹ ai cũng nhớ, nhất là con của họ là niềm tự hào của người dân Pa Cô. Chị Hồ Thị Sâm ngồi thẫn thờ khi nhắc đến hai đứa con đều đang trọ học ở Hồng Vân: “Nhớ các con lắm. Các con vất vả. Ở nhà không đứa nào đỡ đần cũng vất vả. Nhưng muốn các con học có cái chữ nên mình không cho đứa nào bỏ học”. 

Còn anh Lê Đức Cường (thôn 5, xã Hồng Thủy) mắ hoe đỏ chia sẻ: “Con gái tôi đang học lớp 10. Tôi là đàn ông mà nhiều khi nhớ con cũng ứa nước mắt. Nghèo, nhà nước cho gia đình tôi cái nhà. Trước không có xe máy, khi nào nhớ con quá mua 1 lít xăng đổ vào xe hàng xóm rồi nhờ họ chở giúp đến Hồng Vân thăm con. Nhưng tôi luôn động viên con cố theo học. Có cái chữ, có hiểu biết, cuộc đời sẽ hơn”. 

Chị Sâm và anh Cường mơ ước, nếu Nhà nước xây dựng khu vực nội trú cho những học sinh từ các xã xa về Hồng Vân học thì tốt biết bao. 

Cũng giống như em Hồ Thị Nhàn, Hồ Văn Hịch học sinh lớp 12B2 trường THCS & THPT Hồng Vân cũng là một học sinh dân tộc thiểu số người Pa Cô xã Hồng Thuỷ ra xã Hồng Vân ở lại học.

Hịch tâm sự: Cả tháng em mới về nhà một lần. Mỗi lần về nhà mà không xin được xe về Hồng Thuỷ là em cứ đi bộ về. Nhà em nghèo, nên thứ Bảy và Chủ nhật không về nhà em tranh thủ thời gian đi vác keo tràm cho người dân để kiếm thêm tiền. Mỗi ngày vác như vậy người dân trả công 120 ngàn đồng để mua thêm gạo về góp nấu ăn cùng với người dân. 

Khát vọng đổi đời nhờ "con chữ"

Thầy Đoàn Chí Quýnh - Hiệu trưởng trường THCS & THPT Hồng Vân - cho hay: Từ khi thành lập trường THCS & THPT Hồng Vân vào năm 2007, hàng năm có từ 50 – 60 em học sinh ở xã Hồng Thuỷ ra xin nhà dân ở lại học tại trường. 

Hiện nay trường có 41 em học sinh ở xã Hồng Thuỷ đang theo học ở tất cả các khối lớp THPT, đa số các em xin nhà dân ở lại học, cuối tuần mới xin xe về nhà. 

Để khuyến khích cho học sinh vùng cao học tập, nhà nước hàng tháng hỗ trợ 446.000 đồng tiền ăn, 115.000 đồng tiền ở, mỗi tháng được 19kg gạo cho các em học sinh Hồng Thuỷ đi học mà ở lại nhà dân. Các em đều cố gắng nỗ lực, sức học cũng ngang con em ở xã Hồng Vân. 

Hiện nay, nhà trường không có chỗ ở nội trú cho các em học sinh ở xa, nên các em vẫn xin ở lại nhà người quen, hoặc xin ở nhà dân. Hiểu được khó khăn của các em, nhà trường cũng thường xuyên vận động người dân trên địa bàn xã Hồng Vân tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các em ở xa ở lại học. 

Các em đi trọ học, phải sống xa cha mẹ gặp rất nhiều khó khăn. Bởi vậy, thầy cô giáo thường xuyên đến tận nhà dân, tìm hiểu việc ăn ở, động viên, khích lệ, chăm sóc các em. 

Thầy Đoàn Chí Quýnh kể lại: Mùa mưa có khi mưa cả tháng, áo quần các em không đủ mặc. Chúng tôi bày cách cho các em hong làm sao cho áo quần khỏi ám mùi khói, dặn ăn ở phải biết ý tứ, gọn gàng… 

Điều đáng quý là người dân địa phương rất tốt, luôn chia sẻ với các em. Trước đây khi chưa có tiêu chuẩn gạo của Nhà nước, người dân vẫn đùm bọc học trò của chúng tôi.


Thầy Trần Duy Nguyên - Trưởng phòng GD&ĐT huyện A Lưới - cho biết: Hiện các em học sinh Hồng Thuỷ ra trường THCS & THPT Hồng Vân học đều ở lại nhà dân, hàng tháng được hỗ trợ tiền ăn, ở và gạo. 

Hiện nay trên địa bàn huyện A Lưới có nhiều học sinh ở cách xa trường và để tạo điều kiện học hành cho các em, Phòng GD&ĐT huyện đã kêu gọi hỗ trợ cho các em, với các chương trình tặng xe đạp cho học sinh ở A Roàng ra Hương Lâm học. 

Bên cạnh các em học sinh ở Hồng Thuỷ, thì các em học sinh các xã Hồng Bắc, Bắc Sơn, A Roàng vẫn còn học xa trường. 

Theo định hướng của phòng, năm 2015 - 2020 sẽ xây dựng trường THCS ở xã Hồng Kim để cho các em học sinh ở Hồng Kim, Bắc Sơn, Hồng Bắc đi học gần hơn. 

Hiện nay phòng cũng chưa có kế hoạch sẽ xây dựng nhà nội trú cho học sinh ở lại vì các em học sinh ở lại nhà dân nay đã có nhà nước hỗ trợ tiền ăn ở, các em và gia đình cũng chưa có nguyện vọng ở nội trú tại trường.

Kênh tuyển sinh (Theo Giaoducthoidai.vn)