>> Giáo dục, tuyển sinh, tư vấn tuyển sinh,
Phải nhập học mới được bảo lưu kết quả?
Một phụ huynh phản ảnh em trai chị đã trúng tuyển và lên đường nhập ngũ ngày 10-9. Chị đã liên hệ với Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM - nơi em chị trúng tuyển ĐH - trình bày lý do và xin bảo lưu kết quả. Phụ huynh này cho biết đã trình bày rõ lý do em trai mình lên đường nhập ngũ. Tuy nhiên, nhân viên của trường yêu cầu gia đình phải lên trường làm thủ tục nhập học và đóng học phí một học kỳ 9 triệu đồng thì trường mới bảo lưu kết quả.
Trong khi đó, chị liên hệ với một đại học khác, nơi em chị cũng trúng tuyển, trường này chỉ yêu cầu photo lệnh nhập ngũ và đóng phí bảo lưu khoảng 100.000 đồng mà không phải làm thủ tục nhập học và đóng học phí.
Ông Nguyễn Quốc Anh, trưởng phòng tư vấn tuyển sinh - truyền thông Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM, cho biết trường có quy định cụ thể về việc bảo lưu với hai nhóm đối tượng khác nhau. Thứ nhất, thí sinh trúng tuyển nhưng thực hiện lệnh gọi nhập ngũ, thí sinh trúng tuyển nhưng đau ốm có giấy xác nhận của bác sĩ chỉ cần điền vào mẫu đơn của trường là được bảo lưu kết quả. Thứ hai, thí sinh bình thường muốn bảo lưu kết quả bắt buộc phải làm thủ tục nhập học và đóng học phí theo quy định của trường mới được bảo lưu kết quả.
Trong trường hợp trên, có thể phụ huynh không nói rõ lý do bảo lưu hoặc do nhân viên tiếp nhận thông tin chưa chính xác nên tư vấn việc bảo lưu như những thí sinh bình thường. Phụ huynh có thể liên hệ trực tiếp với trường để làm thủ tục bảo lưu theo quy định mà không cần phải làm thủ tục nhập học, đóng học phí.
Thủ tục bảo lưu kết quả và tái nhập học như thế nào?
Trong quá trình học tập, vì một số lý do sức khỏe, kinh tế, gia đình, người học có thể làm thủ tục bảo lưu kết quả học tập trong thời hạn cho phép. Việc bảo lưu sẽ giúp cho người học tránh được những điểm 0 do bỏ thi không lý do và do đó sẽ tránh được quyết định buộc thôi học do kết quả học tập cá nhân quá kém (vì không thể dự thi).
Để bảo lưu kết quả học tập, người học cần:
- Xin bảng điểm tại Phòng Đào tạo của Trường
- Hoàn thành đề nghị tạm nghỉ học (xem mẫu đối với hệ chính quy, hệ ngoài chính quy tương tự).
- Nộp giấy đề nghị tạm nghỉ học về Văn phòng Khoa.
- Nộp giấy đề nghị tạm nghỉ học (đã được Trưởng Khoa ký xác nhận đồng ý) về Phòng Công tác Chính trị và Học sinh, sinh viên (hệ chính quy) hoặc Phòng Đào tạo (hệ ngoài chính quy) để được Trường xem xét, ra quyết định ngừng nghỉ học.
- Chỉ khi có quyết định của Trường (sinh viên giữ 01 bản, mỗi đơn vị liên quan trong trường nhận 01 bản), người học mới được phép nghỉ.
Trước khi kết thúc thời hạn nghỉ (thường tối đa 01 năm), người học cần trở về Trường trình diện, viết đơn nhập học sau bảo lưu (xem mẫu đối với hệ chính quy, hệ ngoài chính quy tương tự), nộp về Khoa, Phòng liên quan để Trường ra quyết định cho phép sinh viên nhập học trở lại và bố trí lớp học phù hợp.
Lưu ý: Người học phải tự chịu và chủ động giải quyết những phát sinh do việc bảo lưu kết quả học tập. Vì thế, chỉ nên bảo lưu trong trường hợp bất khả kháng.
Hệ chính quy tuyển sinh hàng năm nên thường ít phát sinh sự cố hơn. Tuy nhiên, những cập nhật về chương trình đào tạo cho phù hợp với giai đoạn mới hoàn toàn có thể xảy ra hoặc việc chuyển đổi từ đào tạo theo niên chế (khoá 35 về trước) sang đào tạo theo tín chỉ (từ khoá 36 chính quy) có thể đưa đến những khác biệt giữa hai khoá tuyển sinh. Sau bảo lưu, sinh viên sẽ phải "hoà nhập" với khoá mới và chủ động "trả nợ" những học phần còn thiếu so với chương trình đào tạo khoá mới.
Hệ ngoài chính quy không được đảm bảo nguồn tuyển cố định hàng năm. Do đó, có thể sau khi bảo lưu, bên cạnh sự điều chỉnh về chương trình đào tạo, học viên sẽ phải học cùng với lớp ở địa phương khác, thậm chí là phải đi học ở tỉnh...
Theo Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM