Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, các em không nên băn khoăn chuyện chỉ biết điểm của mình mà không tra cứu được điểm của người khác. Ai muốn biết bao nhiêu người có điểm số cao hơn mình có thể xem phổ điểm mà Bộ GD&ĐT vừa công bố. Thí sinh cũng không lo nghẽn mạng khi theo dõi thông tin trên trang web của các trường, bởi lượng truy cập không lớn như đợt tra điểm thi vừa qua.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga tư vấn cách nộp hồ sơ xét tuyển trường phù hợp

Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga cho rằng, đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 rất quan trọng, do đó, thí sinh phải bám sát thông tin các trường để có tính toán phù hợp. Ngày 1/8, thí sinh bắt đầu nộp hồ sơ tại các trường đại học để đăng ký xét tuyển nguyện vọng (NV) 1. Đây là nguyện vọng quan trọng nhất, quyết định đến 80% tấm vé vào đại học của sĩ tử.  Với nhiều thay đổi trong việc nộp hồ sơ xét tuyển, Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga lưu ý, các em cần nghiên cứu thật kỹ trường muốn nộp hồ sơ.

Thứ Trưởng Bùi Văn Ga tư vấn chọn trường cho thí sinh

Thí sinh có thể tìm hiểu điểm chuẩn của trường, ngành học các năm trước, phán đoán năm năm nay như thế nào, điều kiện nộp hồ sơ ra sao...  Tiếp đến, thí sinh nghiên cứu các ngành theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 4 để nộp hồ sơ. Nếu  thấy trường, ngành đăng ký phù hợp năng lực, thí sinh không nên rút hồ sơ nữa.

"Nếu theo dõi thấy nhiều thí sinh có điểm tốt hơn mình, các em có thể rút hồ sơ. Điều quan trọng trong quá trình xét tuyển nguyện vọng là phải theo dõi sát và biết thông tin. Nhiều em thường yếu khâu này", ông Ga nói.  Ông Ga dẫn ví dụ thời gian làm hồ sơ dự thi vừa qua, Bộ GD&ĐT chỉ yêu cầu thí sinh kiểm tra thông tin bằng tài khoản và mã đã cung cấp, nhưng nhiều em không làm được.  "Thời gian xét tuyển sắp tới, nếu không tìm hiểu thông tin, thí sinh sẽ rất thiệt thòi. NV1 quan trọng, do đó, các em cần phải bám sát thông tin để phán đoán, tính toán phù hợp", Thứ trưởng GD&ĐT nói. Cũng theo ông Ga, vì chỉ có một phiếu kết quả thi nên thí sinh muốn nộp trường khác, phải trực tiếp đến rút tại đại học đã nộp.

Tin liên quan: Điểm chuẩn vào đại học có cao hơn mọi năm?

Ngay sau khi có điểm thi THPT quốc gia 2015, nhiều trường ĐH đã có những dự kiến ban đầu về mức điểm chuẩn để thí sinh sớm tham khảo. Riêng trong ngày 23.7, nhiều ĐH “tốp” đầu đã “nhấn nhá” các mức điểm chuẩn dự kiến, theo hướng cao hơn mức điểm chuẩn mọi năm do mặt bằng điểm thi năm nay cao hơn.

Điểm chuẩn có tăng?

Trường ĐH Xây dựng năm nay xét tuyển trên nền điểm THPT quốc gia, việc xét tuyển không xét điểm chung sàn như năm trước mà xét trực tiếp vào ngành và chuyên ngành, và trường năm nay xét vào 19 chuyên ngành, và điểm sẽ khác nhau. Với mức 21 - 22 điểm, khả năng vào Đại học Xây dựng khá chắc chắn. Với ĐH Kinh tế Quốc dân, TS Lê Việt Thủy - Phó Trưởng phòng Quản lý đào tạo của trường cho biết: “Trường dự kiến nhận khoảng 15.000 đơn đăng ký. Từ ngày 1 - 20.8 là ngày xét tuyển hồ sơ. Lúc đó cứ 3 ngày 1 lần nhà trường sẽ đưa lên website của trường danh sách thí sinh và điểm xét tuyển của các em đứng ở vị trí bao nhiêu. Từ đó, các em sẽ biết mình đứng ở vị trí nào để nộp hoặc rút hồ sơ. ”.

Học viện Tài chính cũng xét tuyển theo từng ngành. Điểm trúng tuyển vào từng ngành cao hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của Bộ GDĐT ít nhất 2 điểm. Với ĐH Bách khoa Hà Nội, trước khi thi đã “lọc” thí sinh bằng hình thức yêu cầu thí sinh đăng ký xét tuyển phải có tổng điểm trung bình của các môn học thuộc 3 môn xét tuyển, tính cho 6 học kỳ THPT từ 20 trở lên.

Trao đổi với Lao Động chiều 23.7, ông Nguyễn Thanh Hà - Chánh VP ĐH Thái Nguyên cho biết, trường sẽ nhận hồ sơ xét tuyển từ điểm sàn của Bộ GDĐT. Các ngành học trong các trường thành viên sẽ được lấy theo độ dốc từ cao xuống, ưu tiên lấy trong NV1. Thông tin xét tuyển sẽ được các trường thành viên công bố. Ông Bùi Đức Hiền - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Điện lực cho biết dự kiến điểm trúng tuyển vào trường năm nay sẽ nhích hơn so với năm 2014. Điểm thi của thí sinh năm nay ở mức phổ biến từ 21 - 22 điểm nên trường sẽ tính toán để lấy thí sinh có điểm thi tốt, có thể sẽ ít hơn chỉ tiêu tuyển sinh để tập trung nâng chất lượng đào tạo.

Dự kiến điểm sàn cao hơn mọi năm

Theo quy định của Bộ GDĐT, điểm xét tuyển phải không được thấp hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do bộ quy định và điểm xét tuyển đợt sau không được thấp hơn điểm trúng tuyển của đợt xét tuyển trước. Điểm trúng tuyển vào các trường sẽ xác định căn cứ vào chất lượng và số lượng thí sinh đã đăng ký xét tuyển sau khi kết thúc 20 ngày đăng ký của đợt xét tuyển. Trong 20 ngày của đợt xét tuyển thí sinh có thể rút hồ sơ để nộp sang trường khác.

Tuy nhiên, các thí sinh cần biết quy định về cách thức rút hồ sơ để nộp sang trường khác là tùy thuộc vào từng trường, nhưng phần lớn các trường sẽ yêu cầu các em đến trường để rút hồ sơ. Sau khi rút hồ sơ, em điền lại nguyện vọng ở giấy đăng ký xét tuyển và sử dụng giấy chứng nhận kết quả thi đã rút ra để nộp sang trường khác. Và khi đó, hồ sơ của thí sinh ở trường mới vẫn được coi là hồ sơ đăng ký xét tuyển đợt I giống như những hồ sơ đã nộp trước đó.

Ngày 23.7, ông Trần Văn Nghĩa - Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GDĐT) cho biết, hiện Bộ GDĐT đang phân tích và sẽ đưa ra ngưỡng điểm phù hợp đảm bảo không thấp hơn phổ điểm chung. “Chúng tôi theo dõi nhiều năm thì thấy các trường điểm cao thì năm nào cũng điểm cao, không có chuyện điểm cao và năm nay thấp. Do đó các thí sinh nên cân nhắc. Năm nay có điều đặc biệt là các em biết điểm rồi mới đăng ký xét tuyển vào ngành nên điểm sẽ nhỉnh hơn so với những năm trước”.

Hiện Bộ GDĐT đang giao Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng nhanh chóng thống kê, phân tích dữ liệu để đánh giá chất lượng kỳ thi, kết quả thí sinh đạt được năm nay so với năm ngoái cả về xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ. Cơ sở đánh giá chất lượng kỳ thi sẽ dựa vào phổ điểm của kết quả thi.

Theo nhận định của Thứ trưởng Bùi Văn Ga, kỳ thi năm nay phổ điểm của hầu hết các môn thi đều nhích lên về phía điểm cao, theo đó điểm trung bình nằm trong vùng 5 - 6 điểm. Nhận định của Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, tuy tổ hợp xét tuyển của các trường năm nay rất đa dạng nhưng quy chế tuyển sinh quy định các trường phải dành ít nhất 75% chỉ tiêu để xét tuyển theo các tổ hợp truyền thống. Dự kiến ngày 28.7 hội đồng xét ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào sẽ họp để tư vấn cho bộ trưởng công bố ngưỡng điểm để các trường dựa vào đó thông báo tuyển sinh. Đây là ngưỡng điểm tối thiểu mà thí sinh có thể học được bậc ĐH, CĐ, căn cứ vào chất lượng nguồn tuyển là chính.

Chiều tối 23.7, Bộ GDĐT đã chính thức công bố tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2015. Theo đó, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT năm 2015 đối với khối THPT đạt 93,42%, khối GDTX đạt 70,08%, bình quân chung là 91,58%. So với năm trước tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT giảm mạnh. Theo thống kê của Bộ GDĐT, tỉ lệ tốt nghiệp THPT đối với các thí sinh dự thi tại các cụm thi do sở GDĐT chủ trì là 84,45% và ở các cụm thi do trường đại học chủ trì là 94,74%. Tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT được đánh giá là thấp nhất trong vòng 4 năm qua. Cùng ngày, Bộ GDĐT công bố phổ điểm tất cả các môn thi thuộc kỳ thi này. D.H

Tin gốc:

  • http://news.zing.vn/Thu-truong-GDDT-tu-van-cach-nop-ho-so-trung-tuyen-post562010.html
  • http://laodong.com.vn/giao-duc/diem-chuan-vao-dai-hoc-co-cao-hon-moi-nam-356882.bld