Thưa ông, kết thúc 3 ngày thi THPT, đánh giá sơ bộ của Bộ GD&ĐT về kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 như thế nào?

Kỳ thi THPT quốc gia 2016 được tổ chức chu đáo nhất từ trước tới nay nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ GD&ĐT, địa phương và các trường ĐH. Những đổi mới trong kỳ thi năm nay đã có những thành công  tốt đẹp. Đó là tổ chức cụm thi quốc gia ở tất cả các địa phương.

Trong đó, thành công ở các mặt: Thứ nhất, thí sinh được thi ngay tại quê nhà, không phải đi. Các em làm bài thi  như thi học kỳ ở trường THPT nên rất thoải mái, tự tin. Giảm bớt áp lực cho các em nên chắc chắn các em làm bài tốt hơn;

Thứ hai là do tổ chức cụm thi ở tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, thí sinh không dồn về các thành phố lớn như trước đây nên các trường ĐH chủ trì cụm thi  đều có thể sử dụng cơ sở vật chất tốt nhất để phục vụ thí sinh; Thứ ba, giao cụm thi xét tốt nghiệp cho các địa phương nên có sự thi đua nhau giữa địa phương này với địa phương kia để có thể phục vụ tốt thí sinh và người nhà.

Như vậy, về mặt tổ chức, đổi mới kỳ thi đã mang lại hiệu quả tích cực đối với địa phương, các trường ĐH tổ chức thi.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga: Giao quyền cho địa phương, trường mạnh hơnThứ trưởng Bùi Văn Ga: “Năm nay các em làm bài thi như thi học kỳ ở trường THPT nên rất thoải mái, tự tin”.

Đánh giá của  Bộ GD&ĐT về đề thi năm nay ra sao, thưa ông?

“Do việc tổ chức thi chu đáo, chuẩn bị kỹ lưỡng nên đến giờ  nói chung  kỳ thi diễn ra tốt đẹp. Từ kết quả đó, tạo cơ sở lý luận và thực tiễn để Bộ  có thể chủ động giao quyền cho các địa phương và các trường mạnh mẽ hơn tổ chức thi THPT và xét tuyển ĐH trong những năm sắp tới”.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga

Tới giờ phút này, đề thi được bảo mật tuyệt đối an toàn, không đánh đố thí sinh,  không yêu cầu thí sinh học thuộc máy móc, nội dung kiến thức nằm trong chương trình phổ thông, chủ yếu là lớp 12 nên thí sinh chỉ cần ôn tập tốt trong SGK là có thể làm được bài. Nhìn chung, qua đánh giá của dư luận xã hội cũng như qua kiểm tra ở các điểm thi, thí sinh đều nói làm được bài. Tuy nhiên, do đề thi có hai mục đích nên tính phân loại cao, có những câu bình thường, câu khó và cả những câu rất khó. Những câu rất khó các em có lực học trung bình sẽ không làm được mà chỉ dành cho những em thật giỏi để phân loại, giúp  cho những trường ĐH top trên tuyển sinh được dễ dàng. Với đề thi như thế, phổ điểm sẽ phân bố tốt, giúp các trường ĐH tuyển sinh tốt hơn so với những năm trước đây.

Kỳ thi đã đi được 3/4 chặng đường, những vấn đề cần chú ý trong thời gian tới là gì, thưa ông?

Thời gian còn lại  trong đợt thi này là vấn đề chấm thi. Các trường phải có kế hoạch cụ thể để huy động lực lượng chấm thi. Nhất là những trường đi làm nhiệm vụ chủ trì cụm thi ở các địa phương, vận chuyển bài thi về các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Huế, TPHCM để chấm thì phải chuẩn bị đủ lực lượng để  chấm thi, vừa phải đảm bảo công bố kết quả theo lịch trình tuyển sinh.

Việc công bố kết quả thi, rút kinh nghiệm năm 2015, năm nay có thể xảy ra tình trạng nghẽn mạng, Bộ phải nhắc các trường làm việc với các bên cung cấp dịch vụ viễn thông ưu tiên dành công suất đường truyền trong thời gian đầu tiên 10-15 phút công bố điểm thi tốt nghiệp 2016, sau đó có thể  trở về bình thường. Hôm nay (4/7), sẽ làm việc với các nhà cung cấp dịch vụ để chuẩn bị sẵn đường truyền cho việc đó.

Sau khi có kết  quả thi, thí sinh đăng ký xét tuyển, Bộ chỉ đạo các trường THPT có máy tính nối mạng để mở cửa hướng  dẫn thí sinh làm thủ tục đăng ký xét tuyển trực tuyến, để thí sinh không vất vả phải đến các trường ĐH nộp phiếu. Sự hỗ trợ đó, các trường THPT, các địa phương phải có kế hoạch để phục vụ thí sinh.

Năm nay là năm thứ hai, các sở GD&ĐT tổ chức tốt kỳ thi THPT quốc gia. Năm tới, kỳ thi có cải tiến không, thưa ông? Sắp tới Bộ GD&ĐT có giao kỳ thi tốt nghiệp về các sở tổ chức như một số ý kiến đề xuất?

Năm nay thực hiện phép thử đã thử rất tốt khả năng tổ chức của các địa phương. Tất nhiên, sau kỳ thi năm nay, Bộ  sẽ tổ chức các cuộc họp với các sở GD&ĐT, các trường ĐH, CĐ  và các chuyên gia để nghe đóng góp ý kiến và đề xuất các phương án trên tinh thần tuân thủ theo Luật Giáo dục và Luật Giáo dục ĐH. Quyền tuyển sinh là quyền tự chủ  của các trường ĐH, CĐ. Các trường có quyền chủ động đề xuất phương pháp, phương hướng tuyển sinh như thế nào phù hợp với nhu cầu đào tạo.

Xin cảm ơn ông.

 

Theo Tiền phong, nguồn: http://www.tienphong.vn/giao-duc/thu-truong-bo-gddt-bui-van-ga-giao-quyen-cho-dia-phuong-truong-manh-hon-1023275.tpo


Xem điểm chuẩn đại học năm 2016 sớm nhất tại kenhtuyensinh.vn