Thông tư 30 phá bỏ những rào cản “khoảng cách"Giờ học của cô trò Trường tiểu học Đình Bảng 1 (Bắc Ninh)

Biểu hiện dễ thấy nhất đó là, việc thay điểm số khô khan bằng những lời nhận xét thể hiện tình cảm và tâm huyết của người thầy đã thực sự phá bỏ khoảng cách giữa các học sinh trong lớp, đồng thời cũng giúp mối quan hệ thầy - trò thân mật và gần gũi hơn.

Học sinh - giáo viên gần nhau hơn

Cách đánh giá theo Thông tư 30 giảm rất nhiều áp lực cho học sinh, điều này đã được chứng minh qua thực tiễn. Tuy nhiên, một tác động tích cực khác Hiệu trưởng Trường tiểu học Đình Bảng 1 đã tinh ý nhận ra, đó là: Khoảng cách giữa các học sinh trong lớp, giữa em học giỏi và học lực trung bình hoặc yếu trong giáo dục đã không còn.

"Trước đây, đánh giá thường xuyên học sinh qua chấm điểm, những học sinh được điểm cao và điểm thấp dường như có khoảng cách; đặc biệt học sinh yếu thường cảm thấy tự ti, nhiều khi không hòa đồng cùng các bạn.

Nhưng với Thông tư 30, giáo viên thay chấm điểm bằng nhận xét, không còn phân bậc về điểm số, các học sinh chan hòa hơn, gần gũi với nhau hơn, tinh thần tập thể tốt hơn. Đây là tín hiệu rất đáng mừng" - thầy Ngô Minh Đại cho biết.

Không chỉ phá bỏ khoảng cách giữa các học sinh với nhau, quan hệ giữa học sinh và giáo viên cũng gần gũi hơn, quan hệ giữa giáo viên và phụ huynh cũng được kéo gần lại.

Chính nhận xét thường xuyên trực tiếp trên lớp, bằng nhận xét vào vở, giống như lời trao đổi tâm tình, thể hiện cái tâm của người thầy. Do đó, quan hệ giữa học sinh và thầy cô giáo không còn xa cách.

Bên cạnh đó, phụ huynh đọc nhận xét sẽ thấy rõ ưu và nhược điểm của con mình để có biện pháp cùng phối hợp giáo dục. Đó cũng là nguyên nhân giúp mối quan hệ giữa phụ huynh và giáo viên chặt chẽ hơn sau khi Thông tư 30 được triển khai.

Giáo viên không còn kêu khó

Khi nói về những khó khăn khi triển khai Thông tư 30, thầy Ngô Minh Đại không phủ nhận thời gian đầu còn nhiều bỡ ngỡ. Đặc biệt về phía giáo viên, không ít thầy cô phàn nàn với hiệu trưởng mình vất vả hơn, do vừa phải soạn bài, lại nhận xét nhiều nên ảnh hưởng đến việc giảng dạy.

"Nhưng đó chỉ là khó khăn trong giai đoạn đầu, khi các thầy cô thực sự chưa hiểu thấu đáo quy định giáo dục về cách đánh giá mới, ví dụ suy nghĩ phải đánh giá tất cả học sinh chẳng hạn.

Khó khăn đó đến năm học này đã không còn. Đặc biệt, vừa rồi, Sở GD&ĐT Bắc Ninh tổ chức tập huấn cho tất cả giáo viên tiểu học trong toàn tỉnh. Từ việc hiểu đúng, cộng thêm kinh nghiệm một năm triển khai, các thầy cô thực hiện quy định theo Thông tư 30 rất nhẹ nhàng, không hề có áp lực" - thầy Đại chia sẻ.

Riêng với Trường tiểu học Đình Bảng 1, để hỗ trợ giáo viên, hai hiệu phó phụ trách chuyên môn đã tìm các câu từ ngắn gọn để giáo viên tham khảo khi viết nhận xét; cộng với sự sáng tạo của từng thầy cô, từ thực tế nhìn nhận học sinh trong học tập, giáo dục, giáo viên nhà trường đã có những nhận xét sát thực, giúp học sinh tiến bộ.

Việc giảm nhẹ gánh nặng sổ sách để giáo viên có nhiều thời gian cho chuyên môn đào tạo hơn cũng vô cùng quan trọng. Theo thầy Ngô Minh Đại, năm học này, Sở GD&ĐT Bắc Ninh đã gộp Sổ theo dõi chất lượng giáo dục với Sổ chủ nhiệm; trước đây có quyển Tích lũy tư liệu, giờ cũng không yêu cầu nữa mà đưa vào phần bồi dưỡng thường xuyên...

Trả lời câu hỏi: Làm thế nào để Thông tư 30 thực sự phát huy hiệu quả tại các nhà trường, thầy Ngô Minh Đại cho rằng: Vẫn phải tiếp tục tuyên truyền, để từ quản lý đến giáo viên và phụ huynh học sinh thực sự hiểu về cách đánh giá mới. Chỉ khi hiểu rõ và biết cách làm, việc thực hiện sẽ thông suốt, không còn lúng túng, nặng nề.

Theo Giáo dục thời đại, nguồn: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/thong-tu-30-pha-bo-nhung-rao-can-khoang-cach-1314302-v.html