Để thực hiện Thông tư 06/2015 của liên Bộ Nội vụ và Bộ GD-ĐT quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập với định biên tối đa 2,2 giáo viên/lớp thì tỉnh Đắk Lắk đang thiếu 1.000 giáo viên và 1.400 nhân viên.

Để giải quyết tình trạng này, năm học 2017- 2018, Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Lắk cho phép các trường tự thỏa thuận với phụ huynh để thu tiền, trả lương cho giáo viên hợp đồng, mở ra tiền lệ giáo viên giảng dạy trường công lập sẽ do phụ huynh chi trả lương. Điều này đang đẩy gánh nặng lên vai phụ huynh và số thu hàng năm của tất cả các trường mầm non sẽ lên tới hàng chục tỷ đồng.

Thỏa thuận trả lương cho giáo viên: gánh nặng lên vai phụ huynh

Trong cuộc họp phụ huynh đầu năm, một phụ huynh ở trường Mầm non Sơn Ca, thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk bức xúc khi năm học này nhà trường đưa ra các khoản thu như: trả lương lao công tạp vụ, trả lương chăm sóc trẻ, trực trưa hơn 1 triệu đồng (chưa kể khoản thu quỹ ban đại diện cha mẹ học sinh). Trong đó khoản thu vô lý nhất là trả lương giáo viên chăm sóc trẻ 350.000 đồng/học sinh/năm. Theo vị phụ huynh này, cha mẹ học sinh không có trách nhiệm trả lương cho giáo viên trường công lập.

“Không thể nào một trường công lập mà phụ huynh phải bỏ tiền ra nuôi giáo viên được. Nếu nhà trường không đủ giáo viên để bố trí dạy, chăm sóc trẻ thì nên cắt giảm số lớp học xuống, đừng vì thiếu giáo viên mà bắt phụ huynh phải oằn mình chi trả, điều này chưa thuyết phục được chúng tôi chưa đồng ý”- phụ huynh nói.

Tại trường Mầm non Sơn Ca, cô Đặng Thị Thu Sương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, năm học này, trường có 130 cháu, bố trí 4 lớp học, nhưng chỉ có 4 giáo viên biên chế và 2 giáo viên hợp đồng. Theo Thông tư 06, đối với lớp mẫu giáo học 2 buổi/ngày bố trí tối đa 2,2 giáo viên/lớp thì trường còn thiếu 2 giáo viên. Tình trạng thiếu giáo viên diễn ra nhiều năm, những năm học trước các cô động viên nhau gánh vác mọi việc nhưng không làm xuể, điều này đã ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc trẻ và sức khỏe của giáo viên.

Để bảo đảm công tác nuôi dạy, chăm sóc trẻ từ 6 giờ 45 phút đến 17 giờ hằng ngày nhà trường đã thỏa thuận với phụ huynh thu 350.000 đồng/học sinh/năm học để trả lương cho 2 cô giáo với mức lương cho mỗi cô là 2 triệu 500 ngàn đồng/tháng. Nhà trường buộc lòng phải đưa khoản thu này vào danh mục đóng góp tự nguyện của phụ huynh vì không còn cách nào khác.

Năm nào cũng vậy, ở đây tuyển sinh trước, định biên số lớp như thế những giáo viên là chờ đợi, suốt ngày ban giám hiệu chờ đợi mỏi mòn trong 4-5 năm nay, thật sự nhà trường đã cố gắng hết cỡ vài năm những vừa rồi có công văn 1038 của sở có một mục mở có thể trường thiếu giáo viên biên chế có thể thuê khoán theo thỏa thuận của phụ huynh.

Theo ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Lắk, thực hiện đúng Thông tư 06 quy định 2,2 giáo viên mầm non/lớp thì Đắk Lắk hiện thiếu 1.000 giáo viên đứng lớp và 1.400 nhân viên. Hiện 80% ngân sách chi cho giáo dục dùng để trả lương, còn lại chi cho hoạt động khác. Thực tế tỷ lệ chi này thường thấp hơn. Thêm một cái khó nữa, hằng năm Bộ Nội vụ đều cắt giảm biên chế của ngành, trong khi đó quy định của ngành vẫn phải đảm bảo định mức giáo viên/lớp. Điều này dẫn đến các địa phương, trong đó có tỉnh Đắk Lắk “vướng” khi triển khai Thông tư 06.

Ông Phạm Đăng Khoa cho rằng, để giải quyết bài toán khó khăn cho các cơ sở giáo dục tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, việc xã hội hóa tiền trả lương cho giáo viên trong trường công lập, là điều buộc phải thực hiện.

“Trong thời gian chờ quyết định của Bộ Nội vụ về phía Sở GD-ĐT, chúng tôi có hướng dẫn các địa phương nào có điều kiện có thể huy động được vấn đề xã hội hóa thì có thể hợp đồng thêm nhân viên hợp đồng thêm giáo viên để đảm bảo thực hiện một cách đầy đủ biên chế giáo viên cũng như nhân viên ở các cơ sở mầm non, Còn đối với những trường vùng sâu vùng xã khó khăn trong xã hội hóa thì sau này chúng tôi sẽ ưu tiên phân bổ giáo viên cho vùng sâu vùng xa này”- ông Đăng Khoa nói.

Nếu tất cả các trường mầm non tại Đắk Lắk đều thu tiền theo cách đang được thực hiện, thì mỗi năm tổng số thu ít nhất cũng lên tới 48 tỷ đồng từ các gia đình học sinh. Trong đó có nhiều gia đình học sinh thuộc hộ nghèo, vùng khó khăn. Nếu bài toán này không sớm được giải quyết, gánh nặng sẽ còn tiếp tục đè lên vai phụ huynh vào những năm học tới./.

Theo VOV