Thiếu người học, nhiều trường không quyết hạ điểm chuẩn

Thiếu người học, nhiều trường không quyết hạ điểm chuẩn

Tính đến 17h ngày 31/8, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội nhận được gần 1.000 hồ sơ đăng ký xét tuyển, trong khi chỉ tiêu là 700.

PGS. TS Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng đào tạo nhà trường khẳng định: “Điểm chuẩn đợt xét tuyển bổ sung của trường sẽ chỉ có thể bằng hoặc cao hơn chứ không có chuyện thấp hơn đợt đầu tiên”.

Theo ông Điền, đây cũng là định hướng chung mà các trường trong nhóm GX hướng đến. “Nếu có thấp hơn cũng sẽ thấp hơn rất ít”.

Ông Điền cũng thông tin thêm, các trường GX nhiều khả năng sẽ không xét tuyển bổ sung đợt 2. “Bởi chúng tôi xác định sau đợt này thì nguồn tuyển gần như cũng đã hết”, ông Điền phân tích.

Theo TS Vũ Ngọc Pi, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ Thuật Công nghiệp Thái Nguyên (ĐH Thái Nguyên), hết đợt xét tuyển trường nhận được 224 hồ sơ, trong khi đó số chỉ tiêu còn lại là 605. Tuy nhiên, ông Pi cho hay, trường sẽ chỉ tuyển sinh nốt đợt này, không xét tuyển bổ sung nữa và sẵn sàng chấp nhận thiếu chỉ tiêu để đảm bảo chất lượng đào tạo.

“Ở đợt xét tuyển này, trường sẽ lấy mức điểm chuẩn đại học không đổi so với đợt xét tuyển đầu tiên”, ông Pi nói.

Cuối đợt xét tuyển bổ sung, Trường ĐH Lâm nghiệp nhận được 600 hồ sơ khi chỉ tiêu của cả hai cơ sở ở Hà Nội và Đồng Nai là khoảng 800. Hiệu trưởng Trần Văn Chứ cho biết, số hồ sơ nộp về chủ yếu ở mức từ 16-17 điểm.

Ông Chứ dự kiến trường sẽ lấy điểm chuẩn ngang đợt xét tuyển đầu tiên là khoảng 15 điểm.

Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM thông tin, điểm chuẩn nguyện vọng bổ sung cao nhất là ngành Ngôn ngữ Anh (19), tiếp đến là Thương mại điện tử, Quan hệ công chúng (18), các ngành còn lại đều tăng từ 1 đến 2 điểm. Dự kiến trường đã đủ chỉ tiêu nên kết thúc đợt xét tuyển bổ sung này, trường không tiếp tục xét tuyển.

Nhiều trường vẫn lo “ảo”

Theo quy định, trong đợt xét tuyển bổ sung đợt 1, mỗi thí sinh được nộp hồ sơ xét tuyển tối đa vào 3 trường, mỗi trường hai nguyện vọng. Chính vì vậy, đến thời điểm này, nhiều trường dù đã nhận đủ hồ sơ đăng ký nhưng vẫn “lo ngay ngáy” tỷ lệ ảo, thậm chí hơn cả đợt đầu tiên.

Ông Nguyễn Văn Khải, Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y-Dược Hải Phòng cho biết nhận được 789 hồ sơ, trong khi đó chỉ tiêu còn lại là 315. Tuy nhiên, ông Khải cho rằng, chắc chắn sẽ có một lượng hồ sơ “ảo”. Chính vì vậy, trường phải tính toán lấy ở mức điểm dư thí sinh so với chỉ tiêu để trừ hao. “Bởi ngoài chuyện thí sinh vào các trường khác theo tổ hợp khối A, chúng tôi còn phải chia sẻ thí sinh với Y Thái Bình,…”. Ông Khải cho biết chiều mai có thể công bố điểm chuẩn.

Theo ông Phạm Thái Sơn, Phó phòng đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, tính đến hết ngày hôm nay trường đã nhận được hơn 900 hồ sơ xét tuyển bổ sung. Trong khi đó chỉ tiêu là 600 (400 ĐH và 200 CĐ). Ông Sơn cho biết, với số lượng hồ sơ trên, dự kiến điểm trúng tuyển đợt này sẽ bằng đợt đầu tiên.

Ông Sơn dự đoán tỷ lệ ảo với trường sẽ vẫn cao do mỗi thí sinh được nộp hồ sơ vào ba trường, và mỗi trường 2 nguyện vọng. Để chống ảo, trường quyết định gọi gấp đôi số chỉ tiêu.

“Chúng tôi chỉ mong những thí sinh đã nộp hồ sơ xét tuyển 2016 có nguyện vọng học tại trường”- ông Sơn bày tỏ.

Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Khôi, Phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y Dược TP.HCM cho biết đã nhận được hơn 1.400 hồ sơ xét tuyển bổ sung cho 400 chỉ tiêu còn thiếu.

“Điều chúng tôi lo nhất hiện nay là tỷ lệ ảo. Trên lý thuyết thì thậm chí tỷ lệ ảo đợt này còn cao hơn cả đợt đầu tiên”- ông Khôi lo lắng.

Theo ông Khôi, trong số thí sinh nộp hồ sơ, có nhiều em có điểm cao. Tuy nhiên, phải chờ đến ngày mai, trường mới có thể công bố điểm chuẩn và nhiều khả năng điểm chuẩn sẽ bằng đợt xét tuyển đầu tiên.

Trường ĐH Công nghệ TP.HCM cho biết nhận được 2.600 hồ sơ cho đợt xét tuyển NVBS lần này với mức điểm cao hơn đợt đầu tiên. Mức điểm chủ yếu từ 16-19 điểm. Vì vậy trường dự tính sẽ không xét tuyển NVBS đợt 2.

Ông Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông lâm TP.HCM lấy làm vui khi chiều nay vẫn có thí sinh đến trường nộp hồ sơ.

“Hiện số lượng nộp hồ sơ vào cơ sở chính tại TP.HCM khá yên tâm, nhưng lo lắng nhất là hai phân hiệu tại Gia Lai và Ninh Thuận vì hai phân hiệu này bị giới hạn vùng tuyển nên có lẽ đã hết nguồn tuyển”, ông Lý nói.

Ông Lý cho biết, để hạn chế ảo trong đợt tuyển này, sẽ ưu tiên nguyện vọng 1 nhiều hơn. Đối với hai phân hiệu, sẽ tiếp tục xét tuyển bổ sung đợt 2.


Theo Vietnamnet, nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tuyen-sinh/324268/thieu-nguoi-hoc-nhieu-truong-quyet-khong-ha-diem-chuan.html