Theo phương án mà Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) công bố chiều 28-9, kỳ thi THPT quốc gia 2017 sẽ có 5 bài thi gồm 3 bài thi bắt buộc là toán, văn, ngoại ngữ và 2 bài thi tự chọn là khoa học tự nhiên (KHTN) với tổ hợp lý, hóa, sinh; khoa học xã hội (KHXH) với tổ hợp sử, địa, giáo dục công dân. Thí sinh (TS) sẽ thi theo hình thức trắc nghiệm, trừ môn văn.

Tăng câu hỏi, thời gian thi tổ hợp

Kỳ thi THPT quốc gia 2017 (được tổ chức 2 ngày trong tháng 6-2017). Để được xét công nhận tốt nghiệp, TS sẽ phải làm 4 bài thi, gồm 3 bài thi bắt buộc và 1 bài thi tự chọn. Tuy nhiên, nếu TS nào thích thì có thể làm cả 5 bài thi. Trường hợp này, sở GD-ĐT sẽ dùng bài thi nào có kết quả cao hơn của TS trong số 2 bài thi KHTN hoặc KHXH để xét tốt nghiệp. Với việc xét tuyển ĐH, CĐ, TS sẽ được tùy ý sử dụng kết quả những bài thi đã làm để đăng ký xét tuyển với những tổ hợp mà các trường ĐH, CĐ quy định theo chiều hướng có lợi nhất cho TS.

Thi trắc nghiệm, tổ hợp: Tăng sức ép!Học sinh lớp 12 Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP HCM) trong giờ học chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2017 Ảnh: TẤN THẠNH

Các bài toán, ngoại ngữ, KHTN, KHXH thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Với hình thức thi này, mỗi TS trong cùng phòng thi có một mã đề thi riêng, làm bài thi trên phiếu trả lời trắc nghiệm và việc chấm bài sẽ được thực hiện bằng phần mềm máy tính. Bài ngữ văn vẫn thi theo hình thức tự luận.

Cũng theo phương án này, năm 2017, nội dung thi nằm trong chương trình lớp 12; năm 2018, nội dung thi sẽ nằm trong chương trình lớp 11 và lớp 12; từ năm 2019 trở đi, nội dung thi nằm trong chương trình cấp THPT. Trong lộ trình sắp tới, khi thay đổi sách giáo khoa mới, bộ sẽ chuyển bài thi từ tổ hợp thành tổng hợp và tích hợp.

Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng Mai Văn Trinh cho hay đề thi cho mỗi môn thành phần của các bài thi KHXH, KHTN có 40 câu hỏi trắc nghiệm. Riêng bài thi toán, ngoại ngữ có 50 câu hỏi trắc nghiệm. Mỗi câu hỏi có 4 phương án trả lời, trong đó có 1 phương án đúng.

Thời gian làm bài sẽ được tăng lên thành 150 phút (dự kiến ban đầu là 90 phút). Mỗi môn thành phần của các bài thi tổ hợp KHXH, KHTN là 50 phút, bài thi ngữ văn 120 phút, bài thi toán 90 phút và bài thi ngoại ngữ 60 phút.

Thi trắc nghiệm toán ưu việt hơn!?

Giải thích về việc Bộ GD-ĐT quyết định vẫn thi trắc nghiệm toán, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng vì mục đích của kỳ thi THPT quốc gia là để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ để tuyển sinh ĐH 2017 chứ không nhằm chọn được những TS xuất sắc có năng khiếu chuyên biệt về một bộ môn nào. Theo ông Ga, yêu cầu của kỳ thi là kiểm tra, đánh giá kiến thức tổng quát của TS, khả năng vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn một cách đơn giản để phân loại tương đối TS: đỗ tốt nghiệp hay không đỗ tốt nghiệp; đủ trình độ học ĐH hay không đủ trình độ học ĐH.

Vì thế đề thi có phần cơ bản, TS làm hết phần này có thể đỗ tốt nghiệp THPT, có phần phân hóa để phục vụ xét tuyển vào ĐH, CĐ. Những trường ĐH có yêu cầu cao về một bộ môn nào đó có thể tổ chức đánh giá thêm năng lực chuyên biệt với những TS đã qua sơ tuyển bằng kỳ thi THPT quốc gia để lựa chọn được những TS phù hợp.

Với mục đích và yêu cầu như trên thì thi tự luận hay thi trắc nghiệm môn toán đều có thể thực hiện được. Tuy nhiên, trong điều kiện tổ chức thi cho số đông với hàng triệu TS tham gia thì thi trắc nghiệm thể hiện tính ưu việt hơn, cả về phương diện tổ chức kỳ thi lẫn tính khách quan và độ tin cậy của kết quả thi.

Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, điểm liệt ở mỗi bài thi thành phần của bài thi tổ hợp là 1 điểm. Trước băn khoăn về điểm liệt này có hợp lý bởi thực tế thí sinh “đánh bừa” cũng có thể đạt 2 điểm, ông Mai Văn Trinh khẳng định mức điểm liệt như vậy là hợp lý.

Liên quan đến ngân hàng đề thi, ông Mai Văn Trinh cho hay trên cơ sở ngân hàng đề thi của ĐHQG Hà Nội, Bộ GD-ĐT cũng đã tập hợp lực lượng giáo viên nhiều kinh nghiệm, chuyên gia từ viện nghiên cứu và giảng viên các trường ĐH để tham gia làm đề.

Theo ông Trinh, từ nay cho đến tháng 5-2017 sẽ thực hiện đầy đủ quy trình, các bước xây dựng ngân hàng câu hỏi và đề thi bảo đảm quy trình, độ tin cậy và số lượng để phục vụ kỳ thi mà mỗi học sinh có một mã đề khác nhau. Ông Trinh cho biết sắp tới, Bộ GD-ĐT sẽ tiến hành thi thử để tăng độ tin cậy cho đề thi.

Tăng áp lực, khó đánh giá thực lực

Ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố phương án thi 2017 chính thức, nhiều chuyên gia và đại diện các trường ĐH đã có ý kiến cho rằng dù Bộ GD-ĐT nói rằng việc đổi mới thi để kỳ thi THPT quốc gia nhẹ nhàng hơn, giảm áp lực cho học sinh nhưng xem ra, phương án thi mới này đang tăng sức ép cho học sinh và giáo viên. Không chỉ phải ôn tập làm quen với đề thi trắc nghiệm, tổ hợp, thí sinh còn phải đối mặt với việc thi thêm các kỳ thi đánh giá năng lực để vào ĐH.

Một chuyên gia tuyển sinh từ một trường ĐH khối ngành sư phạm cho biết về việc phương án thi chính thức chuyển đổi các bài thi KHTN và KHXH từ 60 câu thành 120 câu, tăng thêm 30 phút so với đề án dự thảo cũng không giải quyết được bản chất vấn đề. “Việc gộp 3 môn lại, tăng thêm nội dung bài thi sẽ tạo áp lực khiến TS càng căng thẳng dẫn đến làm bài không hiệu quả. Về nguyên tắc, các em phải chuẩn bị và làm hết cả 3 môn trong tổ hợp chọn thi, do đó các em phải ôn tập nhiều hơn” - chuyên gia này nhận định.

Ông Phạm Thái Sơn, Phó Phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, cho rằng Bộ GD-ĐT nên công bố liệu có duy trì ngưỡng bảo đảm chất lượng hay không, nếu có sẽ được tính như thế nào? Tổ hợp những môn nào hay chỉ 3 môn bắt buộc để các trường có phương án tuyển sinh cụ thể. Ngoài ra, bộ cũng nên công bố kết cấu đề thi để TS sớm nắm được để ôn tập dễ dàng hơn. “Với bài thi như vậy, chỉ mới lọc ra được thí sinh đủ điều kiện học ĐH và không đủ điều kiện học ĐH, chứ chưa đánh giá được năng lực chuyên biệt. Do đó, đối với các trường cần TS có năng lực chuyên biệt, cần tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực riêng” - ông Sơn nêu ý kiến.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng việc thi trắc nghiệm sẽ cho kết quả khách quan hơn. PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, cho rằng mặc dù Bộ GD-ĐT có nhiều cải tiến trong khâu tổ chức thi và chấm thi tự luận trong những năm qua nhưng trên thực tế vẫn có hàng ngàn TS mỗi năm đã bị rớt một cách oan uổng do cách chấm thi tự luận. Dù có chấm 2 lần rồi chấm kiểm tra, phúc tra đi nữa nhưng có một thực tế là tùy theo cách nhìn nhận và cảm nhận vấn đề của giáo viên chấm thi, mặc dù có thang điểm chi tiết thì khi phúc khảo luôn có sự chênh lệch từ 0,25 đến 1 điểm. Chính sự chênh lệch “nhỏ nhoi” này sẽ quyết định đậu hay rớt, có nghĩa là ảnh hưởng đến cuộc đời các em! “Thậm chí, nếu chúng ta so kết quả chấm của cán bộ chấm thi đang dạy ĐH và kết quả chấm của cán bộ chấm thi là giáo viên các trường THPT sẽ thấy sự bất công này càng hiện rõ. Thi trắc nghiệm khách quan do máy chấm sẽ loại bỏ hoàn toàn yếu tố này” - ông Dũng nhận định

Hạn chế việc luyện thi?

Trước băn khoăn về việc sẽ nở rộ các lò luyện thi trắc nghiệm, ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học - Bộ GD-ĐT, cho rằng lo lắng đó là thừa bởi hiện tại các lò luyện vẫn tồn tại. Thậm chí, nội dung của thi trắc nghiệm bao quát giáo trình có thể hạn chế được luyện thi. Ông Chuẩn cũng trấn an thêm rằng không nên lo học sinh chỉ học trắc nghiệm mà bỏ qua tự luận bởi đề thi sẽ phân hóa ở 4 mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao.

Theo NLĐ, nguồn: http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/thi-trac-nghiem-to-hop-tang-suc-ep-20160928220624697.htm