TUYỂN SINH | TƯ VẤN TUYỂN SINH | ĐIỂM THI ĐẠI HỌC | ĐIỂM CHUẨN ĐẠI HỌC
Bộ thừa nhận yếu kém
Tại hội nghị về tuyển sinh vừa kết thúc hôm qua (23-1), trong báo cáo về tình hình thi cử, Bộ GD-ĐT đã thừa nhận thực tế yếu kém trong công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2012. Đó là năm có tỉ lệ đỗ tốt nghiệp cao nhất với 97,63%, nếu tính riêng hệ giáo dục THPT thì tỉ lệ đó là 98,97%.
Đó cũng là kỳ thi tai tiếng với vụ tiêu cực xảy ra tại Hội đồng thi Trường THPT Dân lập Đồi Ngô (huyện Lục Nam - Bắc Giang).
Cho đến nay, Bộ GD-ĐT mới thừa nhận rằng đó là một kỳ thi có nhiều yếu kém trong tất cả các khâu, đặc biệt ở khâu coi thi; công tác chấm thi có nhiều sai sót, vi phạm quy chế khi có một số lượng đáng kể bài thi có kết quả công bố khác biệt với kết quả chấm thẩm định của Bộ GD-ĐT, chênh lệch nhau 2-3 điểm. Chính Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cũng thừa nhận bên cạnh những giám thị, công an làm tốt, còn không ít giám thị vi phạm. Đó không phải là cá biệt. Hiện tượng cán bộ quản lý vi phạm cũng đã xảy ra.
Ông Ngô Kim Khôi, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, báo cáo: “Hậu quả của những thiếu sót, khuyết điểm trên là kết quả thi tốt nghiệp THPT ở một số hội đồng thi, cũng như kết quả thi tốt nghiệp THPT của 16 tỉnh, thành có bài thi được chấm thẩm định và của cả nước bị sai lệch, cao hơn thực chất”.
Không công khai sai sót trong thi cử
Nhiều sai sót lớn như vậy nhưng bộ vẫn không công khai, để đến hôm nay mới xác nhận sự thật mà dư luận đã biết từ lâu. Vậy mà Bộ GD-ĐT kêu gọi sự giám sát của xã hội!
Điều đáng nói là Bộ GD-ĐT rất chủ quan. Còn nhớ ngay khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012, bộ đã tuyên bố đây là kỳ thi thành công nhất từ trước tới nay!
Đâu phải chỉ có một lần. Còn nhớ, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2011, một số tỉnh ở ĐBSCL “bắt tay” nhau chấm điểm các môn thi tự luận thấp hơn yêu cầu đáp án của bộ nhưng bộ xử lý như thế nào? Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển kết luận sau cuộc họp xử lý vụ việc này ở Cần Thơ vào ngày 30-6-2011: “Việc lãnh đạo các hội đồng thi ngồi lại với nhau, thảo luận hướng dẫn đáp án của bộ là không sai, thậm chí là động cơ tốt để vận dụng nhiều điểm giống nhau, giúp việc chấm thi thống nhất, không sai so với đáp án của bộ… Bộ đánh giá đây là sai sót nghiệp vụ chứ không phải là động cơ bắt tay nhau để nâng điểm”. Và tất nhiên sau đó chẳng ai bị kỷ luật.
Chính việc giải quyết các sự cố một cách chủ quan, vo tròn nhằm xoa dịu dư luận đã làm phá sản phong trào “hai không” được phát động từ năm 2007 khi mà tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT năm 2006 tiệm cận tỉ lệ 100% và đến năm 2012 lại quay về với tỉ lệ đó. Bệnh thành tích lại trỗi dậy mạnh mẽ là sự thất bại của chính Bộ GD-ĐT.
Cần tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp THPT nghiêm túc, đó là yêu cầu trước mắt mà Bộ GD-ĐT phải làm. Tổ chức một kỳ thi như vậy có khó không? Khó, khi mà cả hệ thống đã nhiễm bệnh thành tích.
Khó nhưng phải làm, vì một kỳ thi quốc gia phải đúng tầm vóc của nó là nghiêm túc và kỷ cương, để đánh giá đúng thực chất chất lượng của một nền giáo dục. Nếu không thì tổ chức thi cử để làm gì?
Ý kiến của bạn về vấn đề này hoặc có thắc mắc, xin gửi theo mẫu phản hồi dưới đây. Cảm ơn các bạn |
Kenhtuyensinh
Theo: báo Người Lao Động