Để giúp học sinh có những kỹ năng cơ bản về việc làm bài thi các môn trắc nghiệm, giáo viên đã đưa hướng dẫn làm bài cho từng môn học. Dưới đây là cách làm bài trắc nghiệm các môn trong bài thi khoa học tự nhiên.
Vật lý: Cần nắm chắc công thức và tính nhanh
Thầy Cao Hoàng Qui (Trưởng nhóm môn vật lý Trường THPT Đinh Thiện Lý, Q.7, TP.HCM) cho rằng học sinh cần nắm chắc kỹ thuật giải bài môn lý và xử lý nhanh các câu hỏi trắc nghiệm.
Về kiến thức: Đối với các kiến thức về đại lượng, hiện tượng vật lý, các khái niệm, định nghĩa... học sinh phải nắm vững từ bản chất cho đến sự liên quan giữa các kiến thức vật lý, cần phải có kiến thức nền tảng của vật lý lớp 10, 11. Như vậy khi gặp những câu trắc nghiệm thuộc về kiểm tra kiến thức thì học sinh có thể tự tin để trả lời cả câu dễ lẫn nâng cao.
Về kỹ năng: Làm trắc nghiệm một câu bài tập vật lý không thể trình bày theo từng bước như khi làm tự luận được, vì vậy học sinh cần nắm chắc công thức và cần sử dụng các kỹ năng tính nhanh, các công thức tính các đại lượng đã được xây dựng trong quá trình giải bài trên lớp. Ngoài ra, học sinh cần cẩn thận đánh dấu nhanh các dữ kiện được cho trong đề để định hình được công thức sẽ sử dụng (thường học sinh phải nghĩ ra ngay các công thức có mặt các đại lượng này).
Học sinh cũng có thể thực hiện cách làm ngược, đó là thế kết quả vào công thức để kiểm tra các dữ kiện cho trong đề, cách làm rất hiệu quả khi sử dụng những công thức đơn giản. Bên cạnh đó, học sinh phải có kỹ năng đọc đồ thị, nhìn được sơ đồ mạch điện.
Đối với các câu về dao động, học sinh cần nắm chắc kỹ thuật giải bài bằng phương pháp đường tròn lượng giác, đây là một cách làm rất hiệu quả tìm ra các đại lượng dao động nhanh chóng.
Học sinh cần cố gắng làm chắc và đúng các câu cơ bản, tránh sa vào các câu phân loại bởi các câu phân loại hiện nay chỉ chiếm khoảng 5 câu trong đề thi mà thôi.
Trên đây là một số kinh nghiệm mà mình nghĩ có thể giúp ích một phần nào đó để học sinh hoàn thành tốt hơn bài thi. Dĩ nhiên theo mình thì dù có cung cấp bao nhiêu mẹo hay thì bản thân học sinh vẫn là nhân tố quyết định, chính các em phải đầu tư, chịu khó giải nhiều dạng bài, trong quá trình giải, các em sẽ tự rút ra phương pháp cho bản thân mình.
Sinh học: Nghiên cứu kỹ lý thuyết và bài tập theo từng chương
Cô Trần Thị Bích Hường (giáo viên môn sinh học Trường THPT Lê Quý Đôn, Q.3, TP.HCM) nhận định đề thi tham khảo môn sinh học kỳ thi THPT quốc gia có nội dung bám sát chương trình THPT và chủ yếu là lớp 12, tăng cường câu hỏi mở, câu hỏi gắn với thực tiễn và câu hỏi vận dụng đảm bảo độ phân hóa.
Đề thi có cả 4 mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao, đòi hỏi học sinh vận dụng kiến thức tổng hợp, liên môn để làm bài, giải quyết các vấn đề liên quan đến thực tiễn cuộc sống.
Do đó quá trình ôn luyện thi trắc nghiệm nên các em tiến hành theo các bước sau:
Trước hết cần phải nghiên cứu kỹ lý thuyết và bài tập theo từng chương qua sách giáo khoa và vở ghi trên lớp hoặc những tài liệu tham khảo có chất lượng của các tác giả có uy tín.
Nắm chắc 7 chủ đề: Cơ sở phân tử của hiện tượng di truyền và biến dị; Cơ sở tế bào của hiện tượng di truyền và biến dị; Tính quy luật của hiện tượng di truyền và biến dị; Di truyền học quần thể; Ứng dụng di truyền học và di truyền học người; Tiến hóa và Sinh thái.
Nên ôn tập theo từng chủ đề, theo trình tự nội dung của chủ đề. Nắm chắc, ôn tập kỹ lần lượt hết chủ đề này rồi đến chủ để tiếp theo.
Tiếp theo, học sinh tự kiểm tra và đánh giá khả năng lĩnh hội kiến thức và kỹ năng làm bài theo đề trắc nghiệm có nội dung tương ứng với chủ đề và phần vừa ôn tập.
Khi tự kiểm tra, đối chiếu với đáp án, gạch các câu trả lời sai và suy nghĩ kỹ về lý do trả lời sai. Tính câu trả lời lời đúng để tự đánh giá trình độ. Có thể trả lời các câu trắc nghiệm qua các đề và tiến hành qua nhiều lần, đối chiếu kết quả các lần tự kiểm tra để thấy sự tiến bộ và ôn lại kiến thức. Khi cần thiết, nghiên cứu lại sách giáo khoa và tài liệu tham khảm để nắm vững. Khi nào trả lời đúng tất cả các câu hỏi thì có thể xem như đã nắm vững được các kiến thức cơ bản của chương trình.
Mỗi câu trắc nghiệm học sinh chỉ được lựa chọn trong khoảng thời gian từ 1 đến 2 phút, do đó bên cạnh việc lựa chọn chính xác còn đòi hỏi tốc độ làm bài phải nhanh. Vì vậy, cùng một đề cần lặp lại nhiều lần để đánh giá tốc độ làm bài lần sau có nhanh hơn lần trước không.
Hóa học: Cần tập trung hệ thống lại nội dung hóa lớp 12
Thầy Lợi Minh Trang, THPT Lê Qúy Đôn (Q.3, TP.HCM) nhận định, nội dung thi THPT quốc gia chỉ tập trung vào chương trình hóa học lớp 12. Chính vì vậy, các em học sinh cần tập trung hệ thống lại nội dung lớp 12, giảm bỏ kiến thức hóa lớp 10, 11.
Trong bài thi luôn có 2 phần: trắc nghiệm lý thuyết và trắc nghiệm tính toán được phân bố theo các cấp độ: biết, hiểu, vận dụng, vận dụng cao. Các em học sinh cần tập trung lấy điểm ở những câu lý thuyết và bài tập ở mức độ biết, hiểu. Các em đừng dành quá nhiều thời gian vào những câu ở mức độ vận dụng cao, thay vào đó, hãy kiểm tra thật kỹ để lấy chắc điểm những câu mình biết làm.
Cụ thể:
Dạng | Mức độ | Nội dung | Đáp án - Phân tích |
Lý thuyết | Biết | Chất có thể trùng hợp tạo thành polime là A. CH3OH. B. CH3COOH. C. HCOOCH3. D. CH2=CH-COOH. | Đáp án D HS biết về điều kiện tham gia phản ứng trùng hợp là hợp chất có chứa liên kết C=C, vòng kém bền… |
Hiểu | Cho các loại tơ: bông, tơ capron, tơ xenlulozo axetat, tơ tằm, tơ nitron, tơ nilon-6,6. Số tơ thuộc loại tơ tổng hợp là A. 4. B. 5. C. 3. D. 2. | Đáp án C HS hiểu về phân loại tơ và tơ tổng hợp được điều chế qua con đường như thế nào? | |
Tính toán | Biết | Hòa tan hoàn toàn 13,8 gam hỗn hợp X gồm Al, Fe vào dung dịch H2SO4loãng, thu được 10,08 lít khí (đktc). Phần trăm về khối lượng của Al trong X là A. 58,70%. B. 20,24%. C. 39,13%. D. 76,91%. | Đáp án C HS biết lập hệ phương trình 2 ẩn để giải ra số liệu của Al từ đó tính được yêu cầu đề bài. |
Hiểu | Thủy phân 4,4 gam etyl axetat bằng 100 ml dung dịch NaOH 2M. Sau khi phản ứng xảy ra hoàn toàn, cô cạn dung dịch, thu được m gam chất rắn khan. Giá trị của m là A. 2,90. B. 4,28. C. 4,10. D. 1,64. | Đáp án D HS biết cách so sánh tỉ lệ số mol giữa etyl axetat và NaOH từ đó rút ra ai dư, ai hết. HS hiểu được chất rắn khan gồm gì? TH este dư: rắn khan chính là muối. TH NaOH dư: rắn khan là muối + NaOH dư. |
Phương pháp làm bài thi
Phần tính toán trong đề thi chia làm 2 mảng chính: vô cơ, hữu cơ.
Mảng vô cơ: cần nắm vững các định luật, phương pháp quan trọng sau: Định luật bảo toàn khối lượng; Định luật bảo toàn nguyên tố; Định luật bảo toàn điện tích: dung dịch chứa những ion gì? Ion nào thay thế cho ion nào?; Định luật bảo toàn electron: trong quá trình phản ứng, electron cho nhận như thế nào? Chất nào là chất khử, chất nào là chất oxi hóa?
Mảng hữu cơ: cần nắm vững các định luật, phương pháp quan trọng sau: Định luật bảo toàn khối lượng; Định luật bảo toàn nguyên tố; Hệ quả của định luật bào toàn electron: sự liên hệ giữa số mol Oxi và mol hợp chất, sự liên hệ giữa mol hợp chất và mol CO2, H2O trong phản ứng cháy hợp chất hữu cơ; Phương pháp quy đổi: dành cho các bài toán mức độ vận dụng cao như este nâng cao, peptit…
Theo thanhnien.vn