Với 40 câu trong bài thi trắc nghiệm của kỳ thi THPT quốc gia 2019, thí sinh hoàn toàn có thể bị điểm liệt, mặc dù xác suất rất thấp. Dự kiến sẽ có hai trường hợp bị điểm liệt.
> Thi THPT quốc gia 2019: Bài thi trắc nghiệm được mã hóa toàn bộ
> Thí sinh được mang loại máy tính bỏ túi nào vào phòng thi?
Trong 222 thí sinh Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La được nâng điểm ở kỳ thi THPT quốc gia 2018, nhiều em sau khi chấm thẩm định bị điểm liệt (từ 1 trở xuống), thậm chí có em cả ba bài dùng xét tuyển đại học đều bị điểm liệt. Nhiều người nghi vấn thí sinh chủ động không, hoặc tô rất ít vào phiếu trắc nghiệm để những đối tượng can thiệp điểm cho dễ dàng. Vì với bốn phương án trả lời trong bài trắc nghiệm, việc đạt điểm dưới 1 không phải dễ.
Trao đổi với VnExpress, thầy giáo Trần Phương, Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng, người nhiều năm ôn luyện cho các đội tuyển Toán học trẻ Việt Nam thi quốc tế, cho rằng việc bị điểm liệt trong bài thi trắc nghiệm với 40 câu như đề thi THPT quốc gia có thể xảy ra, dù xác suất thấp. Cụ thể xác suất để đúng tối đa ba câu (được 0,75 điểm) là 0,0047, hay xác suất để bị điểm 0 chỉ khoảng 0,00001006. Có hai khả năng dẫn đến bị điểm liệt trong bài thi trắc nghiệm.
Thí sinh điền lung tung, chỉ đúng 4 câu
Thứ nhất là thí sinh có học lực yếu, điền lung tung theo kiểu may rủi và chỉ đúng bốn câu trở xuống. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 có hơn 8.660 bài thi điểm dưới 1, trong đó hơn 4.300 bài bị điểm 0.
Thầy Phương cũng đã gặp trường hợp tương tự khi ra đề ôn luyện thi tuyển chọn vào lớp 6 trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam và lớp luyện thi APMOPS. Mỗi năm có hơn 200 thí sinh làm bài trắc nghiệm 20 câu, mỗi câu có bốn phương án. Trong đó 7-12 em đạt điểm 2 trở xuống và có em bị điểm 0.
Bài thi trắc nghiệm được mã hóa toàn bộ, đảm bảo bảo mật cao
Thí sinh chủ động không điền đáp án
Trường hợp thứ hai là thí sinh chủ động không điền đáp án nhằm thực hiện ý đồ cá nhân nào đó. "Nhiều người suy đoán các em ở Hòa Bình, Sơn La cố tình không điền đáp án để những người sửa bài thi dễ dàng hơn. Suy đoán này khá hợp logic. Tuy nhiên, khi cơ quan điều tra chưa xác minh và thống kê cụ thể có bao nhiêu thí sinh làm như vậy, chúng ta không có căn cứ để khẳng định thí sinh biết việc nâng điểm từ khi làm bài thi", thầy Phương nói.
Trước ý kiến cho rằng với bài thi 40 câu trắc nghiệm, mỗi câu bốn phương án trả lời, chỉ cần chọn ngẫu nhiên thì chắc chắn trung bình được 2,5 điểm, thầy Phương cho rằng điều này "hoang đường". Bởi nếu thí sinh không biết chọn chiến thuật cố định một đáp án, điền loạn xạ thì không chắc chắn được 2,5 điểm mà nhiều khả năng bị dưới 2, thậm chí là 0 điểm.
Khi ra đề trắc nghiệm, người ra đề luôn có chủ ý từ việc khởi tạo cấu trúc nội dung đến việc ra các phương án A; B; C; D và cả việc phân bố đáp án đúng để có thể đánh lừa thí sinh khoanh đáp án không suy nghĩ. Khác với máy móc có thể điền đáp án ngẫu nhiên thì ngay cả học sinh kém cũng điền đáp án hoàn toàn không ngẫu nhiên mà có thể theo lý do vu vơ nào đó.
Để chắc chắn đạt từ 2 đến 3 điểm, theo thầy Phương, thí sinh phải có chiến thuật khoanh phương án trả lời. Thông thường tỷ lệ phân bố câu trả lời ở mỗi phương án A, B, C, D là 25% và thực tiễn có thể dao động từ 20% đến 30%. Như vậy, nếu không biết gì mà chọn trung thành một phương án, ví dụ tô đáp án B cho cả 40 câu hỏi, thí sinh sẽ được từ 2 đến 3 điểm.
Cách làm chiến thuật để chống điểm liệt này không phù hợp với thí sinh thi để xét tuyển đại học. Bởi mục đích thi tuyển sinh bằng trắc nghiệm không phải là phân loại chính xác những học sinh kém với nhau mà nhằm tuyển chọn học sinh khá, giỏi thực sự, thầy Phương phân tích.
Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng gợi ý Bộ Giáo dục và Đào tạo tham khảo kỳ thi SAT của Mỹ. Đề thi Toán gồm hai phần, phần một 20 câu, làm trong 25 phút, trong đó 15 câu trắc nghiệm chọn đáp án và 5 câu tự điền đáp số. Phần 2 gồm 38 câu, làm trong 55 phút, trong đó 30 câu trắc nghiệm chọn đáp án và 8 câu tự điền đáp số. "Việc tích hợp hai định dạng trắc nghiệm trong một đề thi sẽ phân loại chính xác hơn năng lực học sinh", thầy Phương nhận định.
Kỳ thi THPT quốc gia 2018 cả nước có khoảng 900.000 thí sinh tham dự. Để xét tốt nghiệp THPT, thí sinh bắt buộc làm ba bài thi Toán, Văn, Ngoại ngữ và một trong hai bài tổ hợp Khoa học xã hội (Sử, Địa, Giáo dục công dân), hoặc Khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh). Trừ Văn thi tự luận, các môn còn lại đều thi trắc nghiệm, mỗi bài 40-50 câu hỏi. Ngày 11/7/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố điểm thi, Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La có số lượng điểm giỏi cao bất thường. Công an xác định có 114 thí sinh ở Hà Giang được nâng điểm và đã trả về điểm thực trước mùa xét tuyển vào đại học, cao đẳng năm 2018. Hòa Bình, Sơn La phải đến tháng 3/2019 Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo mới có kết luận điều tra và công bố điểm chấm thẩm định. Kết quả 64 thí sinh ở Hòa Bình và 44 ở Sơn La được nâng điểm. Trong đó, có thí sinh được nâng tới 9,25 điểm một môn và 26,55 điểm tất cả môn. Nhiều em từ điểm giỏi biến thành điểm liệt. Theo quy chế, điểm chấm thẩm định là điểm chính thức của thí sinh, được sử dụng để xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học. Trong khi chờ cơ quan công an làm rõ sai phạm của thí sinh, nếu đủ điểm vào các trường đại học, những em này được tiếp tục học. Nếu xác định rõ sai phạm, thí sinh sẽ bị xử lý. Hiện, có 68 thí sinh bị buộc thôi học hoặc tự bỏ, 11 em được tiếp tục học. Số còn lại chưa rõ phương án xử lý. |
Theo VnExpress