Cụ thể, đối với bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên và bài thi tổ hợp khoa học xã hội, Bộ GD-ĐT đưa ra hai phương án. Trong đó phương án 2 là mỗi bài thi tổ hợp gồm nội dung của ba môn thành phần, nhưng được bố trí thành một bài thi hoàn chỉnh, chấm điểm chung với một đầu điểm thống nhất của toàn bài thi.

* TS Phạm Tấn Hạ (phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐH Quốc gia TP.HCM):

Thay đổi liên tục sẽ gây xáo trộn tâm lý học sinh

Theo tôi, đây là sự thay đổi rất lớn chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến xã hội và gây xáo trộn tâm lý học sinh, phụ huynh. Chúng ta thử đặt mình vào vị trí của thí sinh sẽ hiểu được sự hoang mang với những thông tin về sự thay đổi trước mỗi kỳ thi.

Tôi cho rằng, bất kỳ sự đổi mới nào trong thi cử cũng không nên thực hiện liên tục, gây bất ngờ với thí sinh vì làm như vậy sẽ gây thiệt thòi cho thí sinh.

Về phía các trường đại học hiện cũng chưa biết rõ đề thi áp dụng theo phương án 2 có nội dung cụ thể ra sao để quyết định tuyển sinh theo phương án nào. Vì vậy, theo quan điểm của cá nhân tôi, kỳ thi năm 2018 nên giữ nguyên bài thi tổ hợp với ba đầu điểm cho từng môn thành phần giống như năm 2017.

Điều cần làm là Bộ GD-ĐT phải điều chỉnh tăng độ khó của đề thi từ đó phân loại thí sinh tốt hơn, tạo điều kiện cho các trường đại học thuận lợi hơn trong tuyển sinh.

Thi THPT quốc gia 2018: thay đổi liên tục gây xáo trộn tâm lý học sinh

* TS Lê Chí Thông (trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TP.HCM):

Thí sinh không có thời gian chuẩn bị

Trước đây, Bộ GD-ĐT khẳng định đề thi THPT quốc gia 2018 không chỉ có kiến thức của lớp 12 mà còn có một phần kiến thức của lớp 11. Nếu Bộ GD-ĐT áp dụng theo phương án 2 đối với hai bài thi tổ hợp trong năm 2018, những thí sinh dự định thi theo các khối thi truyền thống sẽ không có thời gian chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi.

Nếu được chọn, tôi sẽ chọn theo phương án 1, còn phương án 2 có thể công bố rõ ràng các thông tin liên quan về đề thi ngay trong năm nay sau đó áp dụng cho 2-3 năm tới, để thí sinh có sự chuẩn bị.

Thực tế hầu hết thí sinh có sự chuẩn bị, định hướng thi đại học ngay từ lớp 10. Ngay cả kỳ thi SAT (bài kiểm tra đánh giá năng lực chuẩn hóa được sử dụng rộng rãi cho xét tuyển đại học trong hệ thống giáo dục Mỹ) nếu có thay đổi cách thức thi cũng thông báo trước vài năm.

Hiện nay, Bộ GD-ĐT mới đưa ra dự thảo kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 để lấy ý kiến góp ý các trường, sớm nhất đến tháng 2-2018 bộ mới ra được đề thi minh họa. Như vậy, thí sinh không có sự chuẩn bị về tâm lý cũng như việc ôn tập tốt nhất cho kỳ thi.

Hơn nữa, quy chế tuyển sinh cũng quy định rõ nếu trường nào thay đổi tổ hợp môn thi phải công bố trước 3 năm và nếu bổ sung khối thi thì khối thi mới chỉ được tuyển không quá 25% chỉ tiêu.

Nếu thực hiện theo phương án 2, điều này có nghĩa là các trường đều phải thay đổi hoàn toàn tổ hợp môn thi mới. Ví dụ như các trường xét tuyển khối A00 (toán, lý, hóa), nếu áp dụng theo phương án 2 với bài thi khoa học tự nhiên bắt buộc thí sinh phải thi thêm môn sinh.

Năm 2017, mặc dù thí sinh xét tuyển khối A00 đã phải thi toán và bài thi khoa học tự nhiên (lý, hóa, sinh) nhưng trong đó môn sinh thí sinh thi chỉ để xét tốt nghiệp, chỉ cần không bị điểm liệt, nhưng với sự thay đổi này yêu cầu phải thi thêm môn sinh để xét tuyển đại học chắc chắn thí sinh không có sự chuẩn bị kỹ và bị thiệt thòi.

* Phạm Minh Tuấn (lớp 12, trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM):

Khó đánh giá chuẩn xác năng lực

Tôi nghĩ việc gộp ba môn thi thành một đầu điểm sẽ khó đánh giá chuẩn xác năng lực và thiên hướng của thí sinh. Với ba điểm thi riêng biệt lý, hóa, sinh, trường ĐH có thể chọn ra sinh viên phù hợp với những chuyên ngành đặc thù.

Ngoài ra, từ bây giờ học sinh có thể xác định hướng đi, đam mê của mình để đầu tư cho một vài môn trọng tâm. Nếu đánh đồng năng lực qua một đầu điểm sẽ buộc thí sinh học dàn trải hơn, ôm hết ba môn, ôn như vậy không có chiều sâu.

Trong 12 năm học, tôi chưa bao giờ làm một đề thi tích hợp điểm như vậy. Thêm nữa, tôi không biết số câu, mức độ phân loại và thời gian thi sẽ tăng giảm như thế nào.

Nếu đem cả ba bài thi Lý, Hóa, Sinh năm nay thành một đề thì thí sinh sẽ làm bài liên tục trong bao lâu? Rõ ràng, nếu thời gian quá dài, thí sinh có thể xuống sức, thiếu tỉnh táo chứ không phải do năng lực kém.

Tôi nghĩ nên tính điểm theo phương án ba đầu điểm như năm 2017.

Theo Tuổi trẻ