Theo đó, trong kỳ thi THPT 2021, Bộ GD&ĐT cho biết phương án và quy chế thi năm nay cơ bản được giữ ổn định như những năm qua.
Bộ GD&ĐT vừa ban hành thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp THPT. Cơ bản, quy chế thi không có nhiều thay đổi, Bộ GD&ĐT chỉ quy định chi tiết hơn về trách nhiệm của các bên liên quan trong các khâu tổ chức kỳ thi.
Điều kiện dự thi THPT 2021
Theo thông tư, để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh giáo dục THPT phải dự thi 4 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi tổ hợp do thí sinh tự chọn.
Thí sinh giáo dục thường xuyên dự thi 3 bài thi, gồm 2 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn và 1 bài thi tổ hợp do thí sinh tự chọn. Thí sinh giáo dục thường xuyên có thể đăng ký dự thi thêm bài thi Ngoại ngữ để lấy kết quả xét tuyển sinh.
Người đã có bằng tốt nghiệp THPT hoặc bằng tốt nghiệp trung cấp dự thi để lấy kết quả làm cơ sở đăng ký xét tuyển sinh được đăng ký dự thi các bài thi độc lập, bài thi tổ hợp hoặc các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp.
Về điều kiện dự thi, người đã học xong chương trình THPT trong năm tổ chức kỳ thi phải bảo đảm được đánh giá ở lớp 12 đạt hạnh kiểm xếp loại từ trung bình trở lên và học lực không bị xếp loại kém. Riêng đối với người học thuộc diện không phải xếp loại hạnh kiểm và người học theo hình thức tự học có hướng dẫn thuộc chương trình giáo dục thường xuyên thì không yêu cầu xếp loại hạnh kiểm.
Thí sinh dự thi THPT 2021 sẽ làm 4 bài thi gồm Toán - Ngữ Văn - Ngoại ngữ và bài thi tổ hợp
Người đã học xong chương trình THPT nhưng chưa thi tốt nghiệp THPT hoặc đã thi nhưng chưa tốt nghiệp THPT ở những năm trước: phải có bằng tốt nghiệp THCS và phải bảo đảm được đánh giá ở lớp 12 đạt hạnh kiểm xếp loại từ trung bình trở lên và học lực không bị xếp loại kém.
Trường hợp không đủ điều kiện dự thi trong các năm trước do xếp loại học lực kém ở lớp 12, phải đăng ký và dự kỳ kiểm tra cuối năm học đối với một số môn học có điểm trung bình dưới 5 điểm (tại trường phổ thông nơi học lớp 12 hoặc trường phổ thông nơi ĐKDT), bảo đảm khi lấy điểm bài kiểm tra thay cho điểm trung bình môn học để tính lại điểm trung bình cả năm thì đủ điều kiện dự thi về xếp loại học lực theo quy định.
Trường hợp không đủ điều kiện dự thi trong các năm trước do bị xếp loại yếu về hạnh kiểm ở lớp 12, phải được UBND cấp xã nơi cư trú xác nhận việc chấp hành chính sách pháp luật và các quy định của địa phương để được trường phổ thông nơi học lớp 12 xác nhận đủ điều kiện dự thi về xếp loại hạnh kiểm theo quy định.
Đối tượng đã tốt nghiệp trung cấp phải bảo đảm đã học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa THPT theo quy định của Luật Giáo dục và các văn bản hướng dẫn hiện hành của Bộ GD&ĐT.
Thí sinh bị đình chỉ nếu vi phạm một trong các lỗi sau: Bị cảnh cáo một lần nhưng trong giờ thi bài đó tiếp tục vi phạm quy chế ở mức khiển trách hoặc cảnh cáo; mang vật dụng trái phép vào phòng thi/phòng chờ và khi di chuyển giữa phòng thi và phòng chờ; đưa đề thi ra ngoài phòng thi hoặc nhận bài giải từ ngoài vào phòng thi; viết, vẽ vào tờ giấy làm bài thi của mình những nội dung không liên quan bài thi; có hành động gây gổ, đe dọa người có trách nhiệm trong kỳ thi hay đe dọa thí sinh khác; không tuân thủ hướng dẫn của cán bộ giám sát hoặc người quản lý phòng chờ khi di chuyển về phòng chờ và trong thời gian ở phòng chờ.
Chấm thi do hội đồng chấm thi tại địa phương chủ trì
Theo quy chế, giám đốc sở GD&ĐT sẽ quyết định việc sắp xếp thí sinh vào phòng thi tại các điểm thi sao cho ở mỗi điểm thi có ít nhất 60% thí sinh lớp 12 học chương trình giáo dục THPT trên tổng số thí sinh. Những trường hợp đặc biệt phải có ý kiến của Bộ GD&ĐT.
Việc chấm thi do hội đồng chấm thi tại địa phương chủ trì. Trong đó, các bài thi trắc nghiệm sẽ được chấm bằng máy. Sở GD&ĐT địa phương chịu trách nhiệm chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất, tài chính; hệ thống máy tính, máy quét ảnh và các thiết bị phụ trợ đáp ứng các yêu cầu theo hướng dẫn hàng năm của bộ, phối hợp với lực lượng công an bảo vệ đảm bảo an ninh, an toàn cho việc chấm thi.
Bộ GD&ĐT chỉ đạo các hội đồng chấm thi thực hiện nghiêm túc các giải pháp kỹ thuật nhằm bảo mật bài thi, thông tin thí sinh trong quá trình chấm thi. Cùng với quy định về nhân sự và công việc cụ thể của tổ giám sát chấm thi, bộ yêu cầu đặt camera 24/24h giám sát khu vực chấm thi.
Đối với khâu chấm thi, thông tư quy định một số điểm mới chặt chẽ hơn với việc chấm thi tự luận. Theo quy chế, hội đồng chấm thi các tỉnh thành sẽ chấm với hướng dẫn, đáp án, thang điểm do Bộ GD&ĐT xây dựng theo thang điểm 10, điểm lẻ của tổng bài thi được làm tròn đến 2 chữ số thập phân.
Quy chế quy định tất cả các hội đồng chấm thi tự luận đều phải tổ chức chấm chung 10 bài thi để thống nhất, tránh việc chấm lỏng hoặc chặt quá, hiểu sai hướng dẫn chấm, không nắm chắc quy trình chấm thi.
Riêng những hội đồng thi có từ 30.000 thí sinh trở lên có thể triển khai việc chấm chung theo từng tổ chấm thi hoặc nhóm tổ chấm thi. Việc thực hiện quy trình chấm 2 vòng độc lập phải bố trí ở 2 phòng chấm độc lập.
Trong 2 giám khảo chấm thi, chỉ giám khảo chấm vòng 2 được ghi điểm thành phần bên lề bài thi, tổng điểm. Giám khảo 1 chỉ ghi kết quả vào phiếu chấm để đảm bảo khách quan, không có tác động, trao đổi giữa 2 giám khảo trong quá trình chấm.
Đề thi, đáp án chưa công bố thuộc danh mục bí mật Nhà nước độ “Tối mật”. Riêng đề thi dự bị của bài thi tự luận chưa sử dụng được giải mật sau khi kết thúc công tác coi thi của kỳ thi.
> Các trường Đại học dân lập không được mở ngành Báo Chí
> Tuyển sinh 2021: Bổ sung hình thức đăng ký nguyện vọng trực tuyến
Theo ZING News