Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 đợt 1, một số trường Đại học đã chính thức công bố điểm sàn xét tuyển. Đây là mức điểm đảm bảo chất lượng đầu vào của trường.
Tối 27/7, Đại học Ngoại thương thông báo điểm sàn nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển hệ đại học chính quy cho phương thức 3 và phương thức 4 năm 2021.
Mức điểm sàn xét tuyển theo phương thức 4 dao động từ 20-23,8 tùy theo từng cơ sở. Điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển đã bao gồm điểm ưu tiên khu vực và đối tượng.
Đối với ngành Ngôn ngữ (các chuyên ngành Tiếng Anh thương mại, Tiếng Pháp thương mại, Tiếng Nhật thương mại, Tiếng Trung thương mại) mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển là tổng điểm của tổ hợp ba môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và điểm ưu tiên nếu có (trong đó môn ngoại ngữ nhân hệ số 1).
Với phương thức 3, thí sinh tham gia xét tuyển cần đáp ứng 2 điều kiện về điểm thi tốt nghiệp THPT 2021 và chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Các điều kiện được nêu rõ trong thông báo của Đại học Ngoại thương.
Thí sinh đăng ký xét tuyển trực tiếp tại trang web của nhà trường, thời hạn đăng ký từ 2/8 đến 4/8. Dự kiến, Đại học Ngoại thương sẽ công bố kết quả vào ngày 5/8 và nhập học khoảng 5-8 ngày sau đó.
Nhiều trường Đại học chính thức công bố điểm sàn xét tuyển 2021
Học viện Ngân hàng xác định chung ngưỡng đảm bảo chất lượng cho các phương thức xét tuyển là 21 điểm (bao gồm tổng điểm thi THPT 2021 của 3 môn thi thuộc tổ hợp xét tuyển của ngành đăng ký và điểm ưu tiên theo khu vực, đối tượng).
Trong trường hợp thí sinh xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ và không thi môn Tiếng Anh, ngưỡng đảm bảo chất lượng áp dụng đối với tổng điểm 2 môn còn lại trong tổ hợp xét tuyển được tính bằng 2/3 ngưỡng điểm trên.
Với phương thức xét tuyển dựa trên chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, thí sinh cần đáp ứng đủ hai điều kiện: Có điểm thi THPT 2021 đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng của Học viện; có một trong các chứng chỉ ngoại ngữ ELTS (academic) 6.0 trở lên, TOEFL iBT 72 điểm trở lên, tiếng Nhật N3 trở lên. Lưu ý, chứng chỉ phải có thời hạn hiệu lực tại thời điểm nộp hồ sơ.
Nguyên tắc xét tuyển của phương thức dựa trên kết quả học THPT là xét theo điểm xét tuyển từ cao xuống thấp đến hết chỉ tiêu đối với nguyện vọng 1 của ngành đăng ký xét tuyển, nếu còn chỉ tiêu sẽ tiếp tục xét đến nguyện vọng 2.
Cách tính điểm sẽ là tổng của điểm trung bình cộng 3 năm học THPT của các môn học thuộc tổ hợp xét tuyển của ngành đăng ký, được làm tròn đến hai chữ số thập phân, sau đó cộng với điểm ưu tiên đối tượng, khu vực (nếu có).
Thí sinh nộp hồ sơ vào Đại học Kinh tế Quốc dân cần đảm bảo ngưỡng chất lượng đầu vào của trường là 20 điểm. Điểm này bao gồm điểm thi tốt nghiệp THPT theo tổ hợp xét tuyển, điểm ưu tiên đối tượng, khu vực và ưu tiên xét tuyển đối với các ngành có tổ hợp các môn tính hệ số 1.
Đối với các ngành có tổ hợp môn Tiếng Anh tính hệ số 2, các môn khác tính hệ số 1, điểm xét tuyển được quy về thang điểm 30 theo công thức (điểm môn 1 + điểm môn 2 + điểm Tiếng Anh x 2) x 3/4 + điểm ưu tiên.
Năm 2021, Đại học Kinh tế Quốc dân tuyển sinh 6.000 chỉ tiêu theo 3 phương thức, gồm xét tuyển thẳng, xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển kết hợp. Trong đó, phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT chiếm 50% tổng chỉ tiêu.
Ngày 28/7, Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) thông báo ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đại học năm 2021.
Cụ thể, với tuyển sinh đại học chính quy, thí sinh cần đạt ngưỡng 23 điểm (tính theo thang điểm 30). Điểm này đã cộng điểm ưu tiên đối tượng, khu vực (nếu có).
Chương trình tuyển sinh liên kết quốc tế yêu cầu thí sinh đạt ngưỡng điểm 16,5 (tính theo thang điểm 30). Điểm này chưa cộng điểm ưu tiên đối tượng, khu vực. Ngoài ra, trường yêu cầu điểm các môn thi của thí sinh phải đạt từ 5 điểm trở lên.
Cùng ngày, Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội thông báo điểm sàn xét tuyển cho các ngành đào tạo trình độ đại học năm học 2021-2022 là 20 điểm.
Riêng điểm sàn xét tuyển cho ngành Khoa học và Công nghệ Y khoa, nhà trường sẽ công bố sau ngày 3/8.
Điểm sàn xét tuyển sẽ được áp dụng cho những thí sinh nộp hồ sơ theo hình thức tuyển sinh trực tiếp đợt 4 (thời gian nhận hồ sơ từ 28/7-8/8).
Đối với những thí sinh nộp hồ sơ theo hình thức tuyển sinh trực tiếp, ngoài tiêu chí có điểm trung bình cộng các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tin năm lớp 11, 12 đạt từ 6,5 trở lên, để được vào vòng phỏng vấn, thí sinh cần đáp ứng được 2 tiêu chí: Tham dự kỳ thi THPT với tổ hợp 3 trong 5 môn Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tiếng Anh đạt từ 20 điểm và không có môn nào dưới 4 điểm.
Đối với các thí sinh đã đăng ký nguyện vọng vào trường thông qua cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT, điểm sàn được tính trên tổ hợp môn theo các ngành đã đăng ký và không có môn nào dưới 4 điểm. Các thí sinh có thể điều chỉnh nguyện vọng trực tuyến trên cổng thông tin của bộ, thời gian từ ngày 7/8-18/8.
> Khi nào công bố điểm chuẩn Đại học 2021?
> Tuyển sinh 2021: Điểm chuẩn các trường ĐH có thể cao hơn năm trước
Theo ZING News