Trong kỳ tuyển sinh 2022, các trường Đại Học sử dụng đa dạng phương án xét tuyển, trong đó có giảm chỉ tiêu xét học bạ. Vậy thí sinh cần làm gì để tăng cạnh tranh với phương án này?
1. Xét theo đối tượng
Theo PGS.TS Vũ Thị Hiền - trưởng phòng quản lý đào tạo Trường ĐH Ngoại thương - năm nay trường có phương thức xét học bạ THPT nhưng không phải với tất cả thí sinh mà chỉ xét ba đối tượng.
Đó là thí sinh có tham gia kỳ thi học sinh giỏi quốc gia; thí sinh đoạt giải 1, 2, 3 trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương; học sinh hệ chuyên của các trường THPT trọng điểm quốc gia, các trường THPT chuyên.
"Các đối tượng này trường đều dành chỉ tiêu riêng để xét tuyển thuần túy học bạ. Thí sinh cần lưu ý, hiện nay một số tỉnh công nhận thí sinh có chứng chỉ IELTS tương đương giải tỉnh nhưng Trường ĐH Ngoại thương không xét trường hợp này mà chỉ xét đối tượng thí sinh đoạt giải 1, 2, 3 trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương.
Tuy nhiên, nếu thí sinh có các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế có thể xét kết hợp với điểm học bạ THPT của hai môn như toán, lý; toán, hóa; hoặc toán, văn" - cô Hiền cho biết thêm.
Trong khi đó, dù không có tên phương thức xét tuyển học bạ nhưng trong sáu phương thức xét tuyển của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM năm nay có hai phương thức liên quan đến xét kết quả học THPT (học bạ). Đó là phương thức xét tuyển học sinh giỏi và phương thức xét tuyển quá trình học tập theo tổ hợp môn.
Trong đó, phương thức xét tuyển học sinh giỏi trường xét vào chương trình chuẩn, chương trình cử nhân chất lượng cao, chương trình cử nhân tài năng (giảng dạy bằng tiếng Anh) với 40 - 50% chỉ tiêu theo ngành.
Điều kiện đăng ký xét tuyển: học sinh giỏi, hạnh kiểm tốt năm lớp 10, lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12 của chương trình THPT theo hình thức giáo dục chính quy, tốt nghiệp THPT năm 2022. Đối với phương thức xét tuyển quá trình học tập theo tổ hợp môn vào chương trình chuẩn, cử nhân chất lượng cao (30 - 40% chỉ tiêu theo ngành) và cử nhân tài năng (40 - 50% chỉ tiêu theo ngành).
Điều kiện đăng ký xét tuyển là học sinh có điểm trung bình tổ hợp môn (A00, A01, D01 hoặc D07) đăng ký xét tuyển từ 6,5 trở lên cho các năm lớp 10, lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12 của chương trình THPT theo hình thức giáo dục chính quy và tốt nghiệp THPT.
Thí sinh sử dụng phương án xét tuyển đại học bằng học bạ cần lưu ý gì?
2. Kết hợp thêm nhiều điều kiện khác
Liên quan đến một số băn khoăn về chất lượng đầu vào ở phương thức xét tuyển học bạ, TS Bùi Quang Hùng - phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM - cho hay: "Nhà trường không xét học bạ đơn thuần mà kết hợp thêm các điều kiện khác như là học sinh giỏi, hạnh kiểm tốt và xét cả quá trình học THPT của thí sinh nên chất lượng đầu vào của các phương thức này đều rất tốt".
Năm nay, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM tiếp tục áp dụng phương thức xét tuyển sử dụng kết quả học tập THPT năm lớp 12 (các môn có trong tổ hợp xét tuyển của ngành xét tuyển tương ứng), ngưỡng nhận hồ sơ là tổng điểm ba môn trong tổ hợp xét tuyển tối thiểu bằng 20 điểm (dự kiến 30% chỉ tiêu).
TS Phan Hồng Hải - hiệu trưởng nhà trường - cho biết: "Với phương thức xét kết quả học tập THPT, năm ngoái điểm trúng tuyển dao động từ 20 đến 27, ngành có điểm cao nhất là kinh doanh quốc tế với 27 điểm, nhiều ngành có điểm trúng tuyển trên 25 điểm.
Như vậy, để trúng tuyển theo phương thức xét tuyển học bạ vào trường thí sinh phải là học sinh giỏi ở bậc THPT. Thực tế nhiều em trúng tuyển học bạ vào trường những năm qua phần lớn có kết quả học tập rất tốt".
Trường ĐH Nông lâm TP.HCM cũng có phương thức xét học bạ THPT, dự kiến khoảng 30 - 40% tổng chỉ tiêu. Điều kiện xét tuyển tại cơ sở TP.HCM là chỉ xét tuyển dựa trên điểm trung bình năm học kỳ bậc THPT (từ học kỳ 1 năm lớp 10 đến học kỳ 1 năm lớp 12). Điểm trung bình của mỗi môn trong tổ hợp môn xét tuyển phải đạt từ 6 điểm trở lên.
Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM cũng xét tuyển học bạ THPT với các hình thức như xét trung bình cộng của tổ hợp môn xét tuyển, ứng với từng ngành xét tuyển của ba năm lớp 10, lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12 đạt từ 18 điểm trở lên; xét tổng điểm lớp 12 theo tổ hợp môn xét tuyển, ứng với từng ngành xét tuyển đạt từ 18 điểm trở lên.
Năm 2022, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM tiếp tục áp dụng phương thức xét tuyển học bạ THPT. Nhà trường xét tuyển dựa vào điểm trung bình học bạ 5 học kỳ (trừ học kỳ 2 lớp 12) của từng môn theo tổ hợp từ 7,0 trở lên vào học hệ chất lượng cao hoặc đại trà.
"Những thí sinh đáp ứng được các điều kiện đầu vào của phương thức xét học bạ của trường đều là học sinh có năng lực học tập khá, giỏi. Điểm chuẩn trúng tuyển phương thức này vào trường ngày càng cao, do vậy nhà trường hoàn toàn yên tâm với chất lượng thí sinh xét tuyển bằng học bạ" - PGS.TS Đỗ Văn Dũng, nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, chia sẻ.
Hiểu đúng về phương thức xét học bạ Theo các chuyên gia tuyển sinh, hiện không ít thí sinh và phụ huynh vẫn chưa hiểu đúng với phương thức xét tuyển học bạ khi cho rằng đây là cách thức xét tuyển "phụ" và thí sinh trúng tuyển không được hưởng các quyền lợi như các phương thức xét tuyển khác. Về điều này, PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng - quyền hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM - cho hay: "Với phương thức xét học bạ được các trường xét độc lập và có những quy định riêng. Mọi phương thức xét tuyển đều có giá trị như nhau". |
> Tuyển sinh 2022: Kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc Gia TP.HCM có gì mới?
> Kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc Gia Hà Nội được tổ chức khi nào?
Theo Tuổi Trẻ