Thí sinh vẫn còn cơ hội ở đợt 1

Đây cũng là nội dung đại diện các trường chia sẻ trong buổi tư vấn do Báo Thanh Niên tổ chức chiều qua.

Tính từng giờ


Theo tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, đến thời điểm này cơ hội cho thí sinh (TS) trúng tuyển ở đợt đầu chỉ còn tính từng giờ. TS vẫn có thể cân nhắc để nộp hồ sơ vào các trường theo hình thức trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện.

Thạc sĩ Huỳnh Tổ Hạp, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sài Gòn, cũng dự đoán: “Đợt xét tuyển bổ sung sẽ không còn nhiều trường tham gia và ngay những trường có tham gia thì không phải ngành nào cũng còn chỉ tiêu. Vì vậy, dù chỉ còn 1 ngày nhưng TS vẫn nên cân nhắc để tìm cơ hội trúng tuyển. TS nên chọn một ngành có điểm chuẩn năm ngoái lùi lại khoảng 2 điểm ở nguyện vọng thứ 2 mới có cơ hội trúng tuyển”

Theo tiến sĩ Trần Đình Lý, hiện vẫn còn nhiều cơ hội trúng tuyển nếu TS nộp hồ sơ vào các ngành tại 2 phân hiệu ở Gia Lai và Ninh Thuận. Tiến sĩ Lý dự báo điểm chuẩn sẽ dao động từ 18 - 23 cho các nhóm ngành của trường.

Trường ĐH Mở TP.HCM hiện còn một số ngành chưa nhiều hồ sơ. Trong đó, một số ngành điểm trúng tuyển có thể bằng hoặc cao hơn điểm sàn xét tuyển 2016 gồm khoa học môi trường, công nghệ sinh học, ngôn ngữ Trung Quốc, công tác xã hội, hệ thống thông tin quản lý... Hai ngành điểm trúng tuyển có thể cao hơn sàn 1 điểm là xã hội học và Đông Nam Á học.

Nhiều chỉ tiêu cho đợt bổ sung



Trúng tuyển nhưng không nhập học có được xét bổ sung ?

Một số TS thắc mắc nếu trúng tuyển ở đợt 1 nhưng không nộp giấy chứng nhận kết quả thi để khẳng định quyền nhập học, có được tham gia xét tuyển bổ sung không? Trả lời thắc mắc này chiều 11.8, GS-TSKH Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết TS trúng tuyển nhưng chưa nộp giấy chứng nhận kết quả thi vẫn được tham gia xét tuyển đợt bổ sung.

Tiến sĩ Lâm Thành Hiển, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng, cho biết hiện số hồ sơ nộp vào trường gần đạt mức 50% chỉ tiêu cần tuyển. Trong đó, một số ngành TS quan tâm nhiều như dược, đông phương học, cơ khí... Một số ngành khác chưa nhiều hồ sơ như môi trường, tài chính ngân hàng. Tuy nhiên, có thể dự báo điểm trúng tuyển các ngành khả năng bằng sàn của Bộ và sẽ có khoảng 50% chỉ tiêu cho nguyện vọng bổ sung.

Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, cho biết tổng số hồ sơ nhận được khoảng trên 70% so với chỉ tiêu của trường. Trong đó ngành bác sĩ đa khoa và du lịch số lượng hồ sơ nộp vào vượt nhiều so với chỉ tiêu cần tuyển. Các ngành còn lại có thể điểm chuẩn 2016 sẽ bằng với điểm sàn nhận hồ sơ. Theo tiến sĩ Hải: “Dược và bác sĩ đa khoa là 2 ngành rất khó để xét nguyện vọng bổ sung, vì lượng hồ sơ nộp vào rất cao. Tuy nhiên, ngành điều dưỡng số lượng TS lựa chọn thấp hơn, điểm trúng tuyển sẽ thấp hơn nên năm nay có thể bằng sàn”.

Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên (Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM) thông tin có những ngành hồ sơ nộp vào nhiều gấp 3 - 4 lần năm ngoái với phổ điểm khá cao. Tuy nhiên, nhiều ngành vẫn còn cơ hội cho TS đợt 1 và có thể ở đợt xét tuyển bổ sung như kế toán, quản trị kinh doanh, công nghệ thông tin.

Còn theo thạc sĩ Nguyễn Chí Thu, Phó giám đốc truyền thông và tuyển sinh Trường ĐH Hoa Sen, một số ngành như khoa học công nghệ, thiết kế thời trang, thiết kế nội thất, thiết kế đồ họa... TS vẫn còn nhiều cơ hội trúng tuyển. Các ngành kinh doanh quốc tế, ngôn ngữ Anh, quản trị công nghệ truyền thông có thể sẽ không còn cơ hội trong đợt xét tuyển bổ sung. Vì vậy, TS có điểm thi THPT quốc gia bằng với điểm chuẩn năm ngoái thì nên mạnh dạn nộp hồ sơ ngay trong hôm nay.

Tiến sĩ Trần Mạnh Thành, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt, thông tin: “Hiện một số ngành vẫn còn nhiều cơ hội cho TS như thiết kế đồ họa, thiết kế nội thất, thiết kế thời trang, công nghệ kỹ thuật xây dựng, tin học ứng dụng... Còn các ngành đang thu hút TS ở bậc CĐ gồm dược, điều dưỡng, quan hệ công chúng… Đáng chú ý có 2 ngành tài chính ngân hàng và quản trị kinh doanh những năm trước không nhiều hồ sơ thì năm nay rất được TS quan tâm”.

Thạc sĩ Trần Hải Nam, Phó trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho biết một số ngành điểm chuẩn sẽ cao hơn điểm nhận hồ sơ, gồm quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, ngôn ngữ Nhật, công nghệ kỹ thuật ô tô và dược. Các ngành khác điểm chuẩn có thể bằng điểm công bố xét tuyển và có thể xét tuyển bổ sung. Riêng ngành dược dù điểm xét tuyển cao nhưng trường có thể vẫn dành chỉ tiêu xét tuyển bổ sung để tuyển TS điểm cao.

Theo thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, hiện ngành quản trị kinh doanh và ngôn ngữ Anh nhận được nhiều hồ sơ. Tuy nhiên, trường sẽ dành chỉ tiêu xét tuyển bổ sung cho tất cả các ngành. Trong đó riêng 2 ngành mới mở lượng hồ sơ còn ít, chỉ tiêu ở đợt bổ sung còn nhiều là quản trị nhà hàng khách sạn và kỹ thuật phần mềm.

Còn Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng sẽ tiếp tục xét tuyển bổ sung tất cả các ngành của trường.


Theo Thanh niên, nguồn: http://thanhnien.vn/giao-duc/thi-sinh-van-con-co-hoi-o-dot-1-732929.html