Thí sinh thi THPT quốc gia: Sau 30/4 không được đổi môn thi

Học sinh Trường THPT Hà Nội - Amsterdam sau giờ thi tốt nghiệp năm 2014. Ảnh: Ngọc Châu

Đăng ký dự thi

Theo dự thảo, việc cho thí sinh đăng ký dự thi được bắt đầu từ 1/4 đến hết 30/4. Các sở GD&ĐT quyết định điểm đăng ký dự thi đảm bảo thuận tiện cho thí sinh. Khi các trường phổ thông tổ chức cho thí sinh đăng ký dự thi cần hướng dẫn cụ thể và có những biện pháp tích cực giúp thí sinh có đủ các loại giấy chứng nhận để được hưởng cộng điểm khuyến khích và điểm ưu tiên (nếu có) cũng như xem xét điều kiện dự thi, tuyệt đối không tiếp nhận hồ sơ không hợp lệ và không đủ điều kiện dự thi. Ngày 30/4/2015 là hết hạn đăng ký dự thi. Sau thời điểm này, thí sinh không được đổi môn thi đã đăng ký dự thi và môn đăng ký xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Thí sinh đăng ký dự thi tại cụm thi theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT. Với môn ngoại ngữ, thí sinh được tự chọn để đăng ký dự thi một trong các thứ tiếng: Tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, tiếng Đức hoặc tiếng Nhật. Thí sinh được đăng ký thi môn ngoại ngữ khác với môn ngoại ngữ đang học tại trường phổ thông. Theo đó, thí sinh được sử dụng chứng chỉ môn ngoại ngữ khác với môn ngoại ngữ đang học tại trường phổ thông để được miễn thi môn này trong xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2015.

Thí sinh sau khi nộp Phiếu đăng ký dự thi sẽ được nơi tiếp nhận cấp một tài khoản và mật khẩu để đăng nhập vào phần mềm quản lý thi (QLT) qua internet tại địa chỉ http://thisinh.thithptquocgia.edu.vn.Tài khoản này được thí sinh dùng để đăng nhập vào phần mềm QLT từ khi đăng ký dự thi đến khi xem kết quả thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT, xét tuyển sinh ĐH, CĐ. Tùy từng thời điểm, khi đăng nhập vào phần mềm QLT, thí sinh có thể biết được các thông tin như: Thông tin đăng ký dự thi (phản hồi các sai sót nếu có trước ngày 30/4/2015); thông tin xét công nhận tốt nghiệp THPT (phản hồi các sai sót nếu có trước ngày 30/5/2015); Giấy báo dự thi; Địa điểm thi; Kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT; Kết quả xét tuyển sinh ĐH, CĐ.

Thí sinh thi THPT quốc gia: Sau 30/4 không được đổi môn thi

Học sinh trường THPT Quang Trung (Hà Nội) trong giờ thi tốt nghiệp môn Toán năm 2014. Ảnh: Ngọc Châu.

Tổ chức Hội đồng thi và chấm thi

Theo dự thảo, việc thành lập hội đồng thi ở những cụm thi liên tỉnh sẽ do hiệu trưởng trường ĐH nơi được Bộ GD&ĐT giao nhiệm vụ chủ trì cụm thi quyết định. Căn cứ số lượng thí sinh đăng ký dự thi tại cụm và điều kiện thực tế, hiệu trưởng trường ĐH quyết định số điểm thi và số lượng thành viên Hội đồng thi. Trường hợp Hội đồng thi có sự phối hợp của trường ĐH khác theo quyết định của Bộ GD&ĐT thì đại diện lãnh đạo trường ĐH đến phối hợp làm Phó Chủ tịch Hội đồng thi; các thành phần khác tùy theo điều kiện và năng lực, trường ĐH chủ trì cụm thi xem xét, lựa chọn quyết định và thống nhất với các trường ĐH đến phối hợp. Với những cụm thi này, các sở GD&ĐT có vai trò phối hợp với trường ĐH chủ trì cụm thi.

Với các cụm thi do sở GD&ĐT chủ trì, mỗi tỉnh/thành chỉ được thành lập tối đa một cụm thi. Số lượng điểm thi trong hội đồng thi do sở GD&ĐT căn cứ điều kiện thực tế để thành lập đảm bảo thuận lợi nhất cho việc dự thi của thí sinh và đảm bảo an toàn, tiết kiệm; có thể cho thí sinh thi tại trường hoặc liên trường phổ thông của tỉnh. Sở GD&ĐT chủ trì hội đồng thi phối hợp với trường ĐH; trong đó, các trường ĐH đóng vai trò giám sát. Số lượng cán bộ ĐH làm giám sát do sở đề xuất để Bộ GD&ĐT quyết định.

Việc tổ chức chấm thi do Ban Chấm thi của cụm thi đảm nhiệm. Như mọi năm, các phiếu trả lời trắc nghiệm vẫn được chấm bằng máy. Riêng môn ngoại ngữ, thí sinh sẽ được phát cả phiếu trả lời trắc nghiệm (để làm phần thi trắc nghiệm) và giấy thi (để làm phần thi viết). Vì thế khác với mọi năm, năm nay Ban Chấm thi phải bố trí cán bộ chấm thi để chấm phần viết môn ngoại ngữ.

Xét tuyển ĐH-CĐ

Về xét tuyển vào ĐH-CĐ, Bộ GD&ĐT quy định các trường phải công khai thông tin xét tuyển như chỉ tiêu của các ngành hoặc nhóm ngành đối với từng đợt xét tuyển sinh 2015, dành 75% cho các khối thi truyền thống, điểm xét tuyển không được thấp hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GD&ĐT công bố (dự kiến ngày 1/8), điểm xét tuyển đợt sau không được thấp hơn điểm trúng tuyển đợt xét tuyển trước. Trong thời gian nhận hồ sơ của mỗi đợt xét tuyển, ba ngày một lần các trường công bố trên trang thông tin điện tử của mình danh sách các thí sinh đã đăng ký xét tuyển vào trường theo từng ngành và xếp theo kết quả thi từ cao đến thấp để thí sinh được biết. Bộ GD&ĐT khuyến khích các trường công bố kết quả trúng tuyển tạm thời cập nhật đến ngày công bố.

* Dự kiến lịch thi THPT quốc gia

1/7: Toán (sáng), Ngoại ngữ (chiều); 2/7: Văn – Vật lý; 3/7: Địa – Hóa; 4/7: Sử - Sinh. Trong đó các môn Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí thi theo hình thức tự luận, thời gian làm bài 180 phút; Các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học thi theo hình thức trắc nghiệm, thời gian làm bài 90 phút; Các môn Ngoại ngữ thi viết và trắc nghiệm, cũng làm trong 90 phút. Đề thi môn Ngữ văn có 2 phần: Đọc hiểu và làm văn.

* Dự kiến lịch xét tuyển ĐH, CĐ

Xét tuyển NV 1: Từ 1-20/8 (công bố điểm trúng tuyển chậm nhất 25/8);  xét tuyển NV bổ sung đợt 1: Từ 5/8-15/9 (công bố điểm trúng tuyển trước ngày 20/9); xét tuyển NV bổ sung  đợt 2: từ 20/9-5/10 (công bố điểm trúng tuyển trước 10/10); xét tuyển NV bổ sung đợt 3: từ 10-25/10 (công bố điểm trúng tuyển trước 31/10); xét tuyển NV bổ sung đợt 4 (các trường CĐ): từ 31/10-15/11 (công bố điểm trúng tuyển trước 20/11).

Vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn

Trong 2 ngày 19 và 20/3, ngành GD&ĐT tổ chức Hội nghị tập huấn thi THPT quốc gia 2015 và xét tuyển ĐH-CĐ tại ĐH Tôn Đức Thắng (TPHCM). Vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn đến từ các sở GD&ĐT và trường ĐH trên cả nước.

Tại hội nghị, đại diện Sở GD&ĐT Bến Tre băn khoăn: “Bộ chỉ nói học sinh không học môn ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng thì được miễn thi nhưng trong quy chế lại không nói rõ như thế nào là điều kiện không đảm bảo, chưa có quy định cụ thể về cơ sở vật chất, chất lượng như thế nào…”.

Ông Phạm Văn Hùng, Đại học Thái Nguyên, băn khoăn lịch thi không hợp lý. “Nguyên do là kỳ thi diễn ra từ ngày 1- 4/7 và kết quả gửi về Bộ trước ngày 20/7, tức là chỉ có 16 ngày để nộp điểm thi. Giả sử, có các điểm thi lớn với 50.000 thí sinh thi thì khả năng không thể chấm thi kịp, trong khi đó, ở phần xét tuyển ĐH, CĐ đã có phần mềm làm việc tự động nhưng lại có đến 20 ngày cho mỗi đợt xét tuyển thi quá lâu. Rồi, đến cuối tháng 12 mới kết thúc tuyển sinh, ít nhiều sẽ làm ảnh hưởng đến lịch học của các trường”, ông Hùng nói.

Về quy định cụm thi địa phương, trước đây Đắk Lắk đã từng nêu vấn đề khó khăn như : Số lượng thí sinh của tỉnh này chỉ dự kỳ thi quốc gia cho mục tiêu tốt nghiệp rất lớn, nằm rải rác ở khắp tỉnh, trong khi việc chỉ đạo chỉ tập trung ở 1 cụm thi sẽ gặp khó khăn. Tại Hội nghị, Nghệ An nêu con số 11.000 thí sinh chỉ dự thi với mục đích tốt nghiệp THPT (chiếm khoảng 1/3 tổng số thí sinh). Theo đó, Sở GD&ĐT phải tổ chức 1 cụm thi bao gồm 11-12 huyện trong tỉnh, và câu hỏi được đặt ra là: sẽ đánh số báo danh như thế nào trong 1 hội đồng thi, khi mà ở các huyện từ đầu tỉnh đến cuối tỉnh đều có thí sinh tên từ vần A đến V theo bảng chữ cái.

Theo Tiền Phong, tin gốc: http://www.tienphong.vn/giao-duc/thi-sinh-thi-thpt-quoc-gia-sau-304-khong-duoc-doi-mon-thi-835471.tpo

Tuyển sinh, tuyển sinh 2015, kỳ thi THPT quốc gia, điểm thi tốt nghiệp, điểm thi đại học