Thí sinh mắc nhiều sai sót khi đăng ký xét tuyển ĐH, Bộ GD-ĐT ra tay ứng cứu

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga đã có những chia sẻ, chỉ đạo kịp thời về công tác đăng ký của thí sinh cũng như việc tiếp nhận, xử lý dữ liệu xét tuyển của các trường ĐH, CĐ trong kỳ tuyển sinh 2016.

Trước hết, nhận thấy trong mấy ngày đầu xét tuyển nhiều thí sinh chưa nắm kỹ về quy chế tuyển sinh dẫn đến những sai sót đáng tiếc trong quá trình đăng ký, chia sẻ về vấn đề này Thứ trưởng Ga cho biết, trước đó, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các trường tập huấn rất kỹ. Đặc biệt đối với các cán bộ tham gia tư vấn tuyển sinh phải nắm vững quy chế để giải thích cho thí sinh và người nhà.

Ngoài ra, Bộ cũng đã yêu cầu các trường công bố công khai đường dây nóng và địa chỉ mail trên trang thông tin điện tử của các trường. Vì vậy, thí sinh có thể gọi điện đến để phản ánh cũng như có thêm thông tin về việc đăng ký xét tuyển.

Thí sinh mắc nhiều sai sót khi đăng ký xét tuyển ĐH, Bộ GD&ĐT ra tay "ứng cứu"

Còn việc nhiều thí sinh phản ánh về chuyển lệ phí dự thi khá phức tạp, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng cho hay, Bộ GD&ĐT đã đề nghị các trường đơn giản hóa, không gây phiền hà cho thí sinh trong việc nhận lệ phí xét tuyển. Trước mắt các trường xét học sinh đã làm thủ tục đăng ký vào trường mình theo đúng quy định, giống như các em đã nộp tiền, không có gì phân biệt. Sau khi các em đã trúng tuyển rồi, việc trục trặc nộp tiền lệ phí sẽ xử lý sau.

Còn theo quy định, năm nay, các trường đại học không được công bố dữ liệu xét tuyển lên website hàng ngày trước 12/8 để tránh gây hoang mang cho thí sinh, Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường phải cập nhật thường xuyên diễn biến xét tuyển, số lượng hồ sơ đăng ký vào trường trên trang web để thí sinh có cơ sở tham khảo, cân nhắc và quyết định nên rút ra hay nộp hồ sơ vào.

Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT vẫn cho phép các trường có thể tải dữ liệu về đăng ký xét tuyển để tham khảo, nhưng dữ liệu này phải tuyệt đối bảo mật chứ không được công khai. Khi các trường đăng ký tải dữ liệu này, đồng thời cũng phải cam kết bảo mật thông tin đó. Nếu các trường công khai thông tin này, gây ra tâm lý hoang mang hay bất cứ hậu quả nào thì trường đó phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.

Chính vì vậy, ông Ga đưa ra lời khuyên, thí sinh cần tham khảo kết quả tuyển sinh năm ngoái của các trường cũng như dựa vào kết quả học tập của mình để đưa ra lựa chọn phù hợp. Thay vì chờ đợi dữ liệu nói trên bởi các em sẽ không tham khảo được gì từ những số liệu này.

Còn việc hạn chế tình trạng thí sinh "ảo" tái diễn trong kỳ tuyển sinh ĐH năm nay hay không?  Thứ trưởng cũng thông tin, Bộ đã đưa ra những quy định khác nhằm bảo đảm các trường có thể yên tâm tuyển sinh mà không phải lo ngại tình trạng thí sinh “ảo”.

Bộ không quy định điểm xét tuyển đợt sau phải cao hơn đợt trước; sau khi có kết quả xét tuyển, thí sinh phải nộp giấy báo kết quả thi cho nhà trường để khẳng định vào học trường đó, điều này giúp trường biết chắc chắn có bao nhiêu thí sinh sẽ nhập học.


Diem chuan 2016


Theo Pháp luật plus, nguồn: http://www.phapluatplus.vn/thi-sinh-mac-nhieu-sai-sot-khi-dang-ky-xet-tuyen-dh-bo-gddt-ra-tay-ung-cuu-d20424.html