Thí sinh khóc vì hụt NV1, trường top trên phải xét tuyển bổ sung: Tại quy chế!

Thí sinh N.N.G.H (TP.HCM) đăng ký nguyện vọng 1 vào ĐH Y dược TP.HCM, nguyện vọng 2 vào ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM). Khi công bố điểm trúng tuyển, thí sinh N.N.G.H trượt ĐH Y dược TP.HCM nhưng lại trúng tuyển ĐH Quốc tế và em đã nộp hồ sơ vào ĐH Quốc tế.

Tuy nhiên, kết thúc xét tuyển đợt 1, ĐH Y dược TP.HCM hạ điểm chuẩn và xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Xét theo mức điểm chuẩn mới này, thí sinh N.N.G.H đã đỗ vào ĐH Y dược. Nhưng khi em đến ĐH Quốc tế xin rút hồ sơ thì không được chấp nhận vì theo quy chế, thí sinh không được rút hồ sơ, giấy chứng nhận kết quả thi.

Thí sinh khóc vì hụt NV1, trường top trên phải xét tuyển bổ sung: Tại quy chế!Thí sinh nộp hồ sơ nguyện vọng bổ sung tại ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM

N.N.G.H không phải là trường hợp duy nhất “khóc ròng” vì hụt mất nguyện vọng 1 quý giá. Sau khi các trường công bố xét tuyển bổ sung, đã có rất nhiều thí sinh trúng tuyển xin được rút giấy chứng nhận kết quả thi để nộp vào trường nguyện vọng 1 tuy nhiên tất cả các trường hợp này đều không được giải quyết.

Lý giải vấn đề này, lãnh đạo các trường ĐH cho biết, theo đúng quy chế, thí sinh trúng tuyển đã nộp giấy chứng nhận kết quả thi đều không được trả lại, và nếu có trả lại và nộp vào trường khác, hệ thống phần mềm tuyển sinh 2016 mà Bộ GDĐT quản lý cũng không nhận vì mã số trúng tuyển các em đã được nhập.

Phân tích về việc các trường không tuyển đủ chỉ tiêu trong xét tuyển đợt đầu, Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga cho biết, có khoảng 75% thí sinh đăng ký cùng lúc 2 trường ĐH. Điều này có nghĩa, tỷ lệ ảo là 75% vì thí sinh chỉ được chọn 1 trường để nộp phiếu chứng nhận kết quả. Đây là thực tế mà các trường đã “bỏ qua” trước khi xác định điểm trúng tuyển.

Nhận định về xét tuyển nguyện vọng bổ sung này, nhiều trường lo ngại tỉ lệ ảo sẽ cao hơn rất nhiều so với đợt 1 vì mỗi thí sinh được đăng ký xét tuyển vào 3 trường, mỗi trường 2 nguyện vọng. Về lý thuyết tỷ lệ ảo sẽ khoảng 70% thậm chí có thể tới 100% tuỳ theo từng trường, từng ngành và chuyên ngành đào tạo.

Thêm vào đó, tâm lý thí sinh không thích xét tuyển nguyện vọng bổ sung, không thích nguyện vọng 2 nên chưa chắc trong xét tuyển nguyện vọng bổ sung này có trường đã tuyển đủ chỉ tiêu. Nếu các trường tốp trên đã phải xét tới nguyện vọng bổ sung thì các trường tốp dưới càng khó tuyển sinh, do vậy theo các chuyên gia tuyển sinh, các trường phải hết sức cẩn thận và phải chấp nhận tỷ lệ thí sinh “ảo” hoặc không tuyển đủ chỉ tiêu.

 

Theo Infonet, nguồn: http://infonet.vn/thi-sinh-khoc-vi-hut-nv1-truong-top-tren-phai-xet-tuyen-bo-sung-tai-quy-che-post207240.info