Đó là những điểm mới trong dự thảo kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ năm 2017 mà Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến.
Dự thảo quy định: Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư tổ chức một cụm thi do sở chủ trì, dành cho tất cả thí sinh (TS) đăng ký dự thi tại tỉnh. Bộ điều động cán bộ, giảng viên của các trường đến các cụm thi để phối hợp, hỗ trợ công tác tổ chức thi; thực hiện việc giám sát các khâu in sao đề thi, coi thi, chấm thi và phúc khảo.
Bài tự chọn nào điểm cao hơn được tính công nhận tốt nghiệp
Để xét công nhận tốt nghiệp, TS hệ THPT phải dự thi 4 bài, gồm 3 bài thi bắt buộc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ và một bài thi tự chọn trong số 2 bài thi khoa học tự nhiên (KHTN) hoặc khoa học xã hội (KHXH). TS hệ giáo dục thường xuyên phải dự thi 3 bài, gồm 2 bài thi bắt buộc là toán, ngữ văn và một bài thi tự chọn trong số 2 bài thi (KHTN hoặc KHXH).
Dự thảo còn nêu rõ: “TS được chọn dự thi cả 2 bài thi (KHTN và KHXH), điểm bài thi tự chọn nào cao hơn sẽ được tính để xét công nhận tốt nghiệp”. TS hệ THPT có thể thi cả 5 bài, TS hệ giáo dục thường xuyên có thể thi cả 4 bài để tăng cơ hội xét tuyển theo quy định.
Đối với người nước ngoài, một số khía cạnh của hệ thống giáo dục Nhật Bản có thể khiến cho họ rất ngạc nhiên. Nó thể hiện qua 10 sự thật thú vị trong cuộc sống hằng ngày của học sinh Nhật Bản
Để xét tuyển, TS phải dự thi các bài và các môn thành phần của bài thi KHTN, KHXH, phù hợp với tổ hợp bài thi, môn thi xét tuyển sinh vào ngành, nhóm ngành theo quy định của các trường.
Về đề thi, dự thảo nêu: Năm 2017, nội dung thi nằm trong chương trình lớp 12; năm 2018 trong chương trình lớp 11 và lớp 12; từ năm 2019 trở đi, nội dung thi nằm trong chương trình bậc THPT.
Được mang Atlat địa lý vào phòng thi
Theo dự thảo, TS chỉ được mang vào phòng thi bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính; máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản, không có thẻ nhớ (theo quy định trong hướng dẫn tổ chức thi hằng năm của Bộ); Atlat địa lý VN đối với môn thi địa lý (do Nhà xuất bản Giáo dục VN ấn hành, không được đánh dấu hoặc viết thêm bất cứ nội dung gì). Không được mang vào phòng thi vũ khí, chất gây nổ, gây cháy, đồ uống có cồn, giấy than, bút xóa, tài liệu, thiết bị truyền tin hoặc chứa thông tin có thể lợi dụng để gian lận trong quá trình làm bài thi và quá trình chấm thi.
Phòng thi riêng cho thí sinh tự do
Phòng thi được xếp theo bài thi, mỗi phòng thi có tối đa 24 TS. Dự thảo quy chế quy định TS tự do đã tốt nghiệp được xếp phòng thi riêng ở một hoặc một số điểm thi do giám đốc sở GD-ĐT quyết định. TS hệ giáo dục thường xuyên được bố trí phòng thi riêng khi dự thi bài thi KHXH do học sinh hệ này không học môn giáo dục công dân trong chương trình .
Quy chế cũng lưu ý TS khi nhận đề thi, các môn thành phần trong mỗi bài thi KHTN hoặc KHXH có cùng một mã đề, nếu không cùng mã đề, TS phải báo cáo ngay với cán bộ coi thi, chậm nhất 5 phút sau khi TS nhận đề thi.
TS nếu không làm được bài cũng phải nộp tờ giấy thi, phiếu trả lời trắc nghiệm và giấy nháp (riêng đối với bài thi tự luận không phải nộp giấy nháp). Không được rời phòng thi trong suốt thời gian làm bài thi trắc nghiệm.
Chấm theo thang điểm 10, lấy đến 0,25
Điểm của bài thi tự luận và bài thi trắc nghiệm được quy về thang điểm 10, điểm bài thi tự luận lấy đến 0,25; không quy tròn điểm. Các phiếu trả lời trắc nghiệm đều phải được chấm bằng máy với cùng một phần mềm chuyên dụng do Bộ cung cấp. Tổ xử lý bài thi trắc nghiệm tiến hành chấm điểm và quy đổi điểm bằng máy tính sang thang điểm 10, làm tròn đến hai chữ số thập phân cho từng bài thi trắc nghiệm.
Sau khi duyệt kết quả thi và gửi dữ liệu thi về Bộ, chủ tịch hội đồng thi chỉ đạo việc in giấy chứng nhận kết quả thi cho TS (theo mẫu thống nhất do Bộ quy định). Mỗi TS được cấp một giấy chứng nhận kết quả thi với mã số xác định duy nhất.
TS chỉ đăng ký xét tuyển một lần
Theo ý tưởng mà Bộ phác thảo cho dự thảo quy chế tuyển sinh năm 2017, tất cả các trường ĐH sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để tuyển sinh dưới bất kỳ hình thức nào (dùng kết quả THPT để sơ tuyển, dùng kết quả THPT để xét tuyển một phần chỉ tiêu...) đều phải tham gia xét tuyển chung. TS chỉ được đăng ký xét tuyển một lần, nhiều nguyện vọng, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên và không được thay đổi nguyện vọng trong suốt quá trình xét tuyển chung. Nguyện vọng đăng ký cùng ngành/nhóm ngành ở cùng trường giữa các TS khác nhau được xét bình đẳng. Với mỗi TS, nguyện vọng được xét theo thứ tự ưu tiên. Trong mỗi đợt xét tuyển chung TS chỉ trúng tuyển vào một nguyện vọng ưu tiên cao nhất có thể trong danh sách các nguyện vọng đã đăng ký.
Khi trúng tuyển, TS phải xác nhận nhập học vào trường có nguyện vọng học trong thời hạn quy định của mỗi đợt xét tuyển chung theo phương thức trực tuyến hay gửi bản chính giấy chứng nhận kết quả thi đến trường bằng thư chuyển phát nhanh. Quá thời hạn này, những TS đã trúng tuyển mà không xác nhận nhập học được xem như từ chối nhập học và không được xét tuyển chung đợt tiếp theo (đợt chính thức). TS đã xác nhận nhập học ở một trường sẽ không còn được thay đổi nguyện vọng. Tuy nhiên, TS đã trúng tuyển đợt xét tuyển chung trước (đã xác nhận nhập học) có thể trúng tuyển đợt xét tuyển chung sau với nguyện vọng cao hơn trong danh sách các nguyện vọng đã đăng ký (nếu trường còn chỉ tiêu xét tuyển chung đợt tiếp theo) mà không cần làm thủ tục đăng ký lại. Trong trường hợp này, các trường sẽ được gọi bù chỉ tiêu đối với số TS trúng tuyển đã chuyển đi.
TS đăng ký xét tuyển theo phương thức trực tuyến hoặc gửi phiếu đăng ký xét tuyển bằng thư chuyển phát nhanh đến trường mà TS chọn nguyện vọng 1 (hoặc có thể nộp theo các phương thức khác do trường quy định). Mỗi TS chỉ được đăng ký xét tuyển một lần trong suốt cả mùa tuyển sinh với tối đa 10 nguyện vọng xếp thứ tự từ 1 đến 10 vào 5 trường, mỗi trường 2 ngành/nhóm ngành. Sau khi đã đăng ký thành công, TS không được thay đổi nguyện vọng đã đăng ký trong giai đoạn xét tuyển chung.
Bắt buộc xét tuyển chung
Để thực hiện việc xét tuyển chung, kho cơ sở dữ liệu gốc sẽ được xây dựng, trong đó gồm đầy đủ thông tin của các TS, các nguyện vọng đăng ký xét tuyển của TS, điều kiện xét tuyển vào các ngành của từng trường sau khi kết thúc thời gian đăng ký xét tuyển chung. Kho dữ liệu này sẽ được cung cấp cho các trường sau khi kết thúc thời gian đăng ký xét tuyển chung. Các trường được thực hiện điều chỉnh nội bộ chỉ tiêu trong khối ngành nhưng không trái với các thông tin tuyển sinh đã công bố công khai, chỉnh sửa sai sót (nếu có) về điều kiện xét tuyển. Việc xét tuyển chung sẽ được thực hiện trong 2 đợt và các đợt bổ sung.
Ở đợt 1, phần mềm xét tuyển chung với cơ sở dữ liệu gốc và điều kiện xét tuyển mà các trường đã cập nhật sẽ được chạy 2 lần. Lần một, phần mềm sẽ cung cấp cho các trường danh sách TS trúng tuyển với dự kiến tối đa không quá 105% chỉ tiêu trường đã đăng ký cho từng ngành. Sau đó, các trường rà soát, đối chiếu danh sách trúng tuyển dự kiến với cơ sở dữ liệu TS đã đăng ký xét tuyển vào trường; điều chỉnh sai sót (nếu có). Sau khi các trường chỉnh sửa tiếp các điều kiện xét tuyển thì phần mềm tuyển sinh sẽ chạy lần 2 và cung cấp danh sách trúng tuyển chính thức đợt 1 (với 105% chỉ tiêu trường đã đăng ký xét tuyển cho từng ngành) đồng thời xây dựng cơ sở dữ liệu xét tuyển đợt 2 sau khi đã loại ra khỏi danh sách TS trúng tuyển chính thức đợt 1.
Các trường công bố danh sách TS trúng tuyển đợt 1 trên trang thông tin điện tử của trường và trên các phương tiện truyền thông khác, sau đó tiếp nhận giấy báo kết quả thi của TS, cập nhật danh sách TS đã xác nhận nhập học trong thời gian quy định lên hệ thống tuyển sinh chung.
Việc xét tuyển đợt 2 về cơ bản giống xét tuyển đợt 1 nhưng TS không phải đăng ký nữa mà phần mềm tự xét theo phiếu đăng ký lần 1. Bước này chỉ thực hiện đối với các ngành tuyển đợt 1 đạt dưới 90% chỉ tiêu và còn TS đăng ký xét tuyển 2017 trong cơ sở dữ liệu xét tuyển đợt 2.
Việc xét tuyển bổ sung chỉ thực hiện với những TS chưa trúng tuyển qua các đợt xét tuyển chung hay đã trúng tuyển mà chưa xác nhận nhập học vào bất cứ trường nào.
Theo Thanh Niên, tin goocsÌ;http://thanhnien.vn/giao-duc/thi-sinh-co-toi-da-10-nguyen-vong-vao-dh-771516.html