Thí sinh ấm ức vì trường đại học hạ điểm chuẩn bổ sung

Ngày 6/9, nhiều trường quân đội công bố điểm trúng tuyển bổ sung đợt 1. Nhiều ngành học của Học viện Kỹ thuật quân sự, Học viện Quân y, Học viện Khoa học quân sự trong đợt xét tuyển nguyện vọng 1 (1-12/8) lấy điểm trúng tuyển cao cùng với nhiều tiêu chí phụ, nhưng nay đã hạ điểm.

Tuấn (quê Bắc Ninh) nhìn bảng điểm trúng tuyển bổ sung vào Học viện Kỹ thuật quân sự mà... "ức phát khóc". Đạt 26,25 điểm khối A00, thiếu 0,25 điểm để vào hệ đào tạo kỹ sư quân sự nên Tuấn đành nộp giấy chứng nhận kết quả thi vào ngành tương tự của một trường kỹ thuật, nhưng không yêu thích vì nguyện vọng là vào quân đội. Chỉ vài ngày sau, Học viện thông báo xét tuyển bổ sung hàng trăm chỉ tiêu, Tuấn muốn rút hồ sơ ở trường kia để nộp nhưng không được vì quy chế không cho phép.

Hiện, Học viện Kỹ thuật quân sự thông báo hạ điểm chuẩn xuống 24,75, tiêu chí phụ cũng giảm khiến nam sinh ngẩn ngơ tiếc giá đừng nộp hồ sơ sớm. "Giờ những bạn thấp điểm hơn vào được ngành yêu thích còn bọn em cao điểm lại không. Trâu nhanh uống nước đục, trâu chậm lại uống nước trong", Tuấn ví von.

Thí sinh ấm ức vì trường đại học hạ điểm chuẩn bổ sungThí sinh đăng ký xét tuyển đại học tại TP HCM. Ảnh: Mạnh Tùng

Trang Facebook Đại học Thương mại đang có cuộc tranh luận về chủ đề điểm cao thì rớt, điểm thấp lại đậu. Lê Vũ (quê Hưng Yên) đậu Đại học Thương mại cho biết được 22,75 điểm khối A cộng cả khu vực, đăng ký hai nguyện vọng vào ngành Kế toán và Tài chính ngân hàng.

Ở đợt xét tuyển đầu tiên, trường lấy điểm chuẩn 2016 ngành Kế toán là 23,5, còn ngành Tài chính ngân hàng là 22,5. Thí sinh này trượt nguyện vọng vào ngành Kế toán nên chọn Tài chính ngân hàng. Trong đợt tuyển bổ sung, Đại học Thương mại hạ điểm chuẩn cả hai ngành trên xuống 20 điểm.

Vũ cho rằng không công bằng khi người đạt 23 hay 23,25 điểm vẫn trượt khoa mình yêu thích, còn người chỉ được 20 điểm lại đậu. "Trong cuộc đua vào đại học, chênh lệch 0,25 điểm đã là trượt - đỗ rồi chứ chưa nói đến khoảng cách 2-3 điểm. Đó không chỉ là khoảng cách giữa các con số đứng gần nhau mà là sự nỗ lực trong nhiều tháng học tập", Vũ nói và hy vọng ngành giáo dục rút kinh nghiệm để có thay đổi tích cực hơn, tránh gây thiệt thòi cho thí sinh.

Ngoài các trường quân đội, kinh tế thì điểm trúng tuyển nguyện vọng bổ sung của nhóm trường y dược cũng giảm mạnh. Các ngành tuyển bổ sung của Đại học Y Hà Nội, Đại học Y Dược Hải Phòng, Đại học Y Thái Bình đều giảm từ 0,5 đến 3 điểm.

Trong khi nhiều thí sinh tiếc nuối vì điểm cao nhưng không đậu vào ngành yêu thích do đã nộp giấy chứng nhận kết quả thì nhiều em tỏ ra vui mừng vì điểm thấp hơn vẫn đậu.

Nguyễn Văn Sang (quê Đăk Lăk) được 23,75 điểm khối B, nộp hồ sơ đợt 1 vào ngành Y đa khoa của Đại học Tây Nguyên (điểm chuẩn 24,25) và ngành Dược của Đại học Y dược TP HCM (điểm chuẩn 25,25) nhưng đều rớt. Trong đợt xét tuyển bổ sung, Sang nộp lại vào ngành Dược của Y dược TP HCM và đậu vì lúc này, điểm chuẩn của ngành chỉ còn 23,5. "Vui quá, vì đợt bổ sung này em nộp vào trường Y dược TP HCM với mong muốn là cầu may thôi, ai ngờ được trúng vào trường yêu thích", nam sinh mừng rỡ.

Trưởng phòng đào tạo một trường đại học tại TP HCM cho rằng, phương thức tuyển sinh năm 2016 bộc lộ nhiều bất cập mà nguyên nhân chính là tỷ lệ thí sinh ảo nhiều. Trong khi đó, dù dự báo được tỷ lệ ảo song không nhiều trường dám gọi thí sinh trúng tuyển gấp đôi chỉ tiêu cho phép, mà chỉ gọi dôi dư 30-40%, do Bộ Giáo dục luôn khuyến cáo không được tuyển vượt.

"Năm nay, quá nhiều trường đại học, thậm chí các trường top trên cũng tuyển bổ sung vài trăm chỉ tiêu. Trong khi đó, thí sinh điểm cao cho đợt tuyển bổ sung đã cạn kiệt nên nhiều trường phải hạ điểm chuẩn", ông phân tích.

Trưởng phòng đào tạo này kể, có thí sinh đợt đầu đăng ký một trường đại học, một trường cao đẳng ở cùng một ngành yêu thích, nhưng lại rớt đại học. Vì lo lắng em này vội nhập học cao đẳng. Đến khi trường đại học trên hạ điểm để tuyển sinh bổ sung thì em này dù đủ điểm nhưng không có cơ hội.

"Lỗi này không xuất phát từ phía thí sinh bởi hiện tượng điểm cao rớt, điểm thấp đậu diễn ra trên diện rộng, ở nhiều trường. Bộ Giáo dục nên xem xét để điều chỉnh trong mùa tuyển sinh năm sau. Có vào hoàn cảnh các em mới thấy xót xa", ông nói.

PGS.TS Nguyễn Minh Hà, Trưởng phòng Đào tạo Đại học Mở TP HCM, khẳng định việc các trường hạ điểm chuẩn trong đợt tuyển bổ sung sẽ gây bất công cho thí sinh đã rớt ở đợt xét tuyển nguyện vọng 1. Song, hiện tượng này một phần do nhiều thí sinh vội vàng, không cân nhắc kỹ lưỡng.

Theo ông Hà, ở đợt tuyển bổ sung, thí sinh được đăng ký xét tuyển vào 3 trường. Nếu các em mạnh dạn sử dụng một cơ hội trong đó để nộp lại chính ngành của trường mình đã rớt ở đợt đầu tiên thì có khả năng đậu.



Theo Vnexpress, nguồn: http://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/tuyen-sinh/thi-sinh-am-uc-vi-truong-dai-hoc-ha-diem-chuan-bo-sung-3464050.html