Không có lợi thế về chất lượng giáo viên như các trường danh tiếng, một số trường tốp dưới than phiền về việc nhiều giáo viên có kinh nghiệm phải liên tục quay vòng để tham dự các kỳ thi cấp quận, cấp thành phố nhằm đảm bảo thành tích thi đua cho nhà trường.

Thi từ chuyên môn đến phong trào

Theo tìm hiểu của phóng viên, chỉ tính riêng các cuộc thi chuyên môn giáo viên giỏi, mỗi năm trung bình các thầy cô đã phải tham gia 3 môn bắt buộc và 1 môn chuyên đề. Trong đó, thi giáo viên dạy giỏi cấp trường, hầu hết giáo viên phải tham gia với áp lực về tỉ lệ đạt yêu cầu gần như 100%. Ở đó, giáo viên phải trải qua ba vòng: Báo cáo đề tài (sáng kiến kinh nghiệm), bài thi năng lực trên máy tính và thực tế giảng dạy có sự tham gia dự giờ của các đồng nghiệp cũng như lãnh đạo (tùy theo từng cấp độ).

Thi liên tục, giáo viên “bốc hỏa”Nhiều giáo viên phải quay vòng qua các cuộc thi. Ảnh minh họa

Việc đổi mới trong công tác soạn giáo án nhằm mục đích giúp giáo viên phát huy tính sáng tạo nhưng cũng từ đó phát sinh ra nhiều loại sổ sách để phục vụ cho giáo án như sổ tay chuyên môn, sổ hội đồng, sổ dự giờ, sổ thiết bị.... Không phủ nhận việc áp dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy đem đến những ưu việt nổi trội như việc tra cứu thông tin tiện ích, nhanh gọn, tuy nhiên, công cụ hỗ trợ giáo dục này cũng gây không ít phiền toái. Cô Phạm Hảo (trường THCS Mỗ Lao – Hà Đông) than phiền: “Về đến nhà là ôm máy tính, mê máy tính hơn cả chồng con. Mang tiếng được nghỉ chủ nhật nhưng hầu như đều phải dành quỹ thời gian ít ỏi này tranh thủ chỉnh sửa giáo án theo kiểu mới để phục vụ cho việc đi thi...”. Trong khi đó, do áp lực từ việc thi cử mà không ít những tiêu chí nhằm phát huy tính sáng tạo cho giáo viên như sáng kiến, kinh nghiệm, giải pháp hữu ích phần lớn lại được copy trên mạng.

Còn theo chia sẻ của một giáo viên cấp 2 (Q. Thanh Xuân) thì qua vòng thi ở trường, những giáo viên đạt giải nhất, giải nhì...sẽ được lựa chọn để tham gia thi cấp quận, huyện, thành phố... Theo đó, việc chuẩn bị lại càng ráo riết hơn. Đối với nhiều trường còn tạo điều kiện cho giáo viên được lựa chọn tập trung ôn luyện nên phân công cho các giáo viên khác hỗ trợ dạy thay. Đối với các cuộc thi dành cho giáo viên chủ nhiệm, áp lực lại càng tăng lên bởi chỉ tính riêng việc lên kịch bản để chạy đua theo chủ đề, chủ điểm của từng tháng, chưa kể đến việc triển khai cũng khiến nhiều người mệt mỏi.

Không chỉ tham gia các cuộc thi chuyên môn mà các cuộc thi phong trào mỗi năm lại được bổ sung thêm một số nội dung cũng góp phần làm “dày” lên tổng số cuộc thi. Hàng loạt những cuộc thi mang tên: Giáo viên tài năng duyên dáng, thi làm đồ dùng dạy học tự tạo, dạy học liên môn... được ra đời cũng chiếm khá nhiều quỹ thời gian của các thầy cô giáo. Trong khi đó, không phải cuộc thi nào cũng mang lại hiệu quả như mong muốn. Ví như cuộc thi “làm đồ dùng dạy học tự tạo”, nhiều sản phẩm thiết bị dạy học được làm đối phó, mang tính chất trưng bày là chính bởi không ứng dụng được nhiều trong thực tiễn.

Giáo viên quay vòng để đi thi

Một thực tế hiện nay, với những trường tốp trên, việc tham gia càng nhiều cuộc thi và giành giải sẽ góp phần làm tăng thêm danh tiếng cho trường. Trong khi đó, phần lớn các cuộc thi hiện nay đều là bắt buộc. Đây chính là nguyên nhân gây khó đối với các trường tốp dưới.

Khảo sát ở một số trường thuộc các quận, huyện ngoại thành như quận Hà Đông, huyện Thanh Trì...chúng tôi nhận thấy nhiều trường có quy mô vẫn còn khiêm tốn, cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giáo viên còn hạn chế. Theo chia sẻ của bà Trịnh Thị Quang – hiệu trưởng trường THCS Kiến Hưng (Hà Đông), số lượng giáo viên của trường hiện nay chỉ là hơn 40 giáo viên nên số lần giáo viên phải quay vòng để tham gia các cuộc thi sẽ dày đặc hơn. “Hiện tại giáo viên dạy thanh nhạc, giáo viên dạy mỹ thuật...của trường mỗi môn chỉ có duy nhất một giáo viên nên việc “nhẵn mặt” tại các cuộc thi phong trào không phải là điều lạ.” – bà Quang cho biết.

Tương tự như trường THCS Kiến Hưng, ở một số trường khác như THCS Kim Giang (Q. Thanh Xuân), Mỗ Lão (Hà Đông)...thì hầu như không có nhiều sự lựa chọn về giáo viên để đi thi. “Có những cuộc thi chuyên môn, giáo viên có nhiều kinh nghiệm được cử đi thi liên tục qua các năm. Trong khi đó, đội ngũ giáo viên trẻ nhận về trường lại chưa đủ tự tin và kinh nghiệm để thế chân nên không tránh khỏi việc một số người được coi là cánh chim đầu đàn bị quá tải” – đại diện lãnh đạo một trường THCS ở ngoại thành chia sẻ.

Theo Lao động thủ đô, nguồn: http://laodongthudo.vn/thi-lien-tuc-giao-vien-boc-hoa-28873.html