Ngày 13/7, Đại học Sư phạm TP HCM thông báo sử dụng chung ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ Giáo dục công bố là 15,5 điểm. Dựa vào mức này, trường sẽ xét tuyển các ngành từ cao xuống thấp cho đến khi đủ 3.980 chỉ tiêu ở 36 ngành.
Tương tự, Đại học Tài nguyên và Môi trường TP HCM lấy điểm xét tuyển năm nay từ 15,5 điểm. Năm nay, trường có 1.900 chỉ tiêu ở 15 ngành, trong đó 90% sử dụng kết quả thi THPT quốc gia, còn lại theo phương thức xét tuyển kết quả học tập lớp 12.
Đại học Văn hóa TP HCM cũng nhận hồ sơ xét tuyển cho tất cả ngành, chuyên ngành là 15,5 điểm, riêng các môn năng khiếu (nếu có) phải đạt từ 5 trở lên. Năm nay, trường dành 490 chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi THPT quốc gia và 210 chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả học tập THPT.
Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP HCM) với 1.500 chỉ tiêu ở 31 ngành và Cơ sở 2 - Đại học Thủy lợi (TP HCM) với 580 chỉ tiêu ở 5 nhóm ngành đều lấy mức điểm xét tuyển 15,5.
Sinh viên trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP HCM)
Học viện Cán bộ TP HCM (trực thuộc UBND TP HCM) cũng lấy mức điểm trên để nhận hồ sơ xét tuyển cho 5 ngành đại học chính quy Quản lý Nhà nước, Xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước, Chính trị học, Luật và Công tác xã hội. Với tổng chỉ tiêu 1.200, học viện này dành 80% xét tuyển bằng điểm thi THPT quốc gia, còn lại xét tuyển bằng điểm học bạ THPT.
Trong khi đó, cũng có nhiều trường đại học tại TP HCM công bố mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển cao hơn mức điểm sàn của Bộ Giáo dục 3 - 5 điểm.
Tại Đại học Kinh tế TP HCM, các chuyên ngành thuộc Hệ thống thông tin quản lý (Toán tài chính, Thống kê kinh doanh, Hệ thống thông tin kinh doanh, Thương mại điện tử); Kinh tế (Kinh tế ứng dụng, Kinh tế nông nghiệp, Kinh tế chính trị) lấy 18 điểm trở lên; các ngành còn lại lấy 20 điểm. Năm nay, trường này có 5.000 chỉ tiêu đại học chính quy.
Đại học Sài Gòn lấy 3 mức điểm 16, 17 và 19 làm sàn xét tuyển đợt 1 tùy theo từng ngành.
Theo VnExpress.net
>> Xem thêm: Điểm chuẩn các trường đại học 2017