Thay đổi thi tốt nghiệp và tuyển sinh như thế nào?: Phải có lộ trình rõ ràngThí sinh làm thủ tục dự thi tại cụm thi Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM

“Cho một mình TP.HCM thì chưa hợp lý”


Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, kỳ thi chung năm nay tổ chức tốt hơn năm ngoái nhưng không phải như thế mà giữ mãi. Bộ GD-ĐT đứng ra tổ chức là không đúng vai trò của cơ quan quản lý nhà nước và T.Ư. Giao quyền tổ chức kỳ thi THPT cho các sở GD-ĐT là đúng. Còn các trường ĐH thì phải có quyền quyết định phương án tuyển sinh, thi hay không thi, tổ chức theo cụm hay không... Việc gộp lại 2 kỳ thi có mục đích khác nhau như hiện nay là không phù hợp.

Ông Thuyết cũng cho rằng: “Hiện Bộ đã giao cho TP.HCM tổ chức thi tốt nghiệp nhưng chỉ cho một mình TP.HCM thì chưa hợp lý. Một đằng lấy kết quả chung, một số trường lấy kết quả thi riêng của TP.HCM là quá phức tạp. Đã giao quyền thì phải giao hết cho các sở”.

Trong khi đó, theo tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, vẫn cần một kỳ thi xác nhận chuẩn do Bộ quán xuyến để xét tốt nghiệp THPT cả nước. Vì hiện nay trình độ đào tạo các vùng miền có sự khác biệt, không thể giao cho địa phương, sẽ có sự bất cập. Trường ĐH có phương án riêng để tuyển sinh nhưng gốc vẫn là chuẩn quốc gia chung.

Thay đổi không có định hướng, khó cho giáo dục


Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết nhiều nước vẫn có một kỳ thi chung nhưng vấn đề quan trọng nhất là Bộ định hướng công tác thi cử thế nào. Nếu thay đổi không có định hướng, thay đổi một cách mò mẫm sẽ khó cho giáo dục nói chung và thi cử nói riêng. “Bây giờ là đầu năm học 2016 - 2017, nếu chưa quyết thì năm 2017 sẽ tuyển sinh thế nào? Bộ chỉ nói dự kiến giao thi THPT cho sở GD-ĐT và các trường xét tuyển. Nhưng sở nào thi riêng, sở nào xét tuyển theo học bạ, phải nói từ đầu năm để thí sinh học, thầy cô dạy”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Tiến sĩ Nghĩa cũng cho biết nếu không tổ chức thi, về phía xã hội thì nhẹ nhàng nhưng phải hết sức cân nhắc. Từ lớp 9 lên lớp 10, trước đây nhiều tỉnh chỉ xét tuyển nhưng hiện nay phải quay trở lại thi vì không thi thì học sinh không học. “Nhưng quan trọng nhất là lộ trình. Không phải đùng một cái quyết định rồi mỗi năm thi mỗi khác. Bộ phải nêu rõ định hướng giáo dục nói chung và định hướng thi cử nói riêng”, ông Nghĩa nói.

Trong khi đó, tiến sĩ Đàm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH FPT, cho rằng cũng có thể thay đổi ngay từ năm 2017 vì sự thay đổi này mang tính kế thừa, không ảnh hưởng gì nhiều. GS Nguyễn Minh Thuyết cũng cho biết có thể thay đổi thi ngay từ năm 2017 vì nếu giao quyền tổ chức thi tốt nghiệp cho sở thì không ảnh hưởng gì tới thí sinh cả. Chỉ đừng thay đổi môn thi sẽ khiến thí sinh vất vả.

Còn theo tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Quản trị chiến lược Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, lộ trình cụ thể khi nào áp dụng là các chuyên gia bàn, nhưng Bộ phải có một hướng chắc chắn.

Trước đó, trả lời Báo Thanh Niên, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết: “Sự căng thẳng năm nào cũng diễn ra như vậy thật sự không cần thiết, trong khi việc tuyển sinh là nhiệm vụ của mỗi trường theo luật Giáo dục ĐH. Sau giai đoạn quá độ, cần có sự hỗ trợ của Bộ để các trường có thời gian chuẩn bị. Những năm tới, tốt nhất các trường thực hiện tự chủ tuyển sinh”.


Tuyển sinh 2016



Theo Thanh niên, nguồn: http://thanhnien.vn/giao-duc/thay-doi-thi-tot-nghiep-va-tuyen-sinh-nhu-the-nao-phai-co-lo-trinh-ro-rang-735430.html