>> Giáo dục, tuyển sinh, điểm thi đại học, điểm chuẩn đại học
Một lần nữa, vấn đề có nên tồn tại kỳ thi tốt nghiệp THPT hay không được đặt ra khi tại hội nghị lấy ý kiến nâng cao chất lượng giáo dục do Ủy ban T.Ư MTTQ VN tổ chức cuối tháng 7, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đề nghị lãnh đạo các ngành xem xét, nghiên cứu bỏ kỳ thi này.
Lý do mà Phó chủ tịch nước đưa ra là kỳ thi nào tỷ lệ tốt nghiệp cũng gần 100% thì cần gì phải thi nữa; hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và ĐH-CĐ gần nhau quá, gây khổ cực cho học sinh, gia đình… Nhiều người cũng đã đề cập đến những điều này khi có ý kiến bỏ kỳ thi tốt nghiệp phổ thông.
Theo quy chế thi tốt nghiệp THPT hiện hành, kỳ thi nhằm đánh giá, xác nhận trình độ của người học sau khi học hết chương trình; làm cơ sở cho người học tiếp tục học lên hoặc làm việc; đánh giá kết quả dạy và học ở trường phổ thông. Với những mục đích này, kỳ thi yêu cầu phải chính xác, công bằng, đánh giá đúng trình độ người học, phản ánh đúng chất lượng dạy và học của trường phổ thông. Thế nhưng những biểu hiện của kỳ thi này trong thời gian qua cho thấy chưa đảm bảo yêu cầu và mục đích đặt ra.
Không ai có thể tin rằng kỳ thi công bằng, chính xác, phản ánh đúng chất lượng khi hầu hết các tỉnh thành từ miền núi, hải đảo đến thành phố tỷ lệ tốt nghiệp suýt soát nhau ở mức trên 90%. Thậm chí, những địa phương càng ở vùng sâu, vùng xa, càng khó khăn thì tỷ lệ tốt nghiệp càng cao, gần chạm ngưỡng 100%. Làm sao tin tưởng khi có hiện tượng ở nhiều địa phương tỷ lệ thi thử (kết quả thật) thì tận đáy còn thi thật (kết quả ảo) lại cao chót vót. Năm 2012, Báo Thanh Niên từng phản ảnh hàng loạt trường THPT của tỉnh Ninh Thuận tỷ lệ thi tốt nghiệp thử đạt dưới 5% nhưng gần một tháng sau, thi thật gần 100%.
Nếu ai đó có lòng tin mãnh liệt cũng không thể không đặt dấu hỏi với thực tế đầu vào (lớp 10) của một trường THPT chỉ với 1,25 điểm/3 môn thi mà trong 3 năm trường vẫn có thể có tỷ lệ tốt nghiệp trên 90%. Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm nay, có rất nhiều trường THPT ở các tỉnh thành lấy điểm chuẩn vào lớp 10 rất thấp, chỉ 5 - 10 điểm/3 môn trong đó đã có môn nhân hệ số. Tất nhiên, với nỗ lực, trong 3 năm một học sinh dở vẫn có thể trở thành khá - giỏi, nhưng thật khó tin khi nhiều năm qua những trường, địa phương này luôn có tỷ lệ đậu tốt nghiệp cao trên 90%.
Thực tế khác xa với con số
Lấy con số để dễ thấy, chứ còn thực tế trong việc dạy và học hằng ngày càng đau lòng hơn. Khi tiếp xúc, không ít giáo viên thừa nhận với chúng tôi rằng cho một học sinh ở lại lớp không dễ một chút nào và điểm số của học sinh hiện nay phần nhiều là ảo.
Vậy thì, với một thực trạng giáo dục (tuy không phải tất cả nhưng khá phổ biến) như thế thì việc có một kỳ thi tốt nghiệp với chi phí khoảng 300 tỉ đồng và luôn đạt gần 100% học sinh tốt nghiệp có lãng phí quá không? Nhưng nếu bỏ kỳ thi này mà vẫn với kiểu dạy và học, đánh giá, thi cử như hiện nay thì chưa chắc đã tốt hơn.
Bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, gộp 2 kỳ thi ĐH, CĐ và tốt nghiệp làm một hay chỉ xét tuyển (không thi) vào các trường ĐH đại trà... tất cả chỉ là phần ngọn của vấn đề. Cái chính là phải thay đổi triệt để chương trình học, cách đánh giá, cách thi cử và quan niệm về giáo dục. Làm sao để có được một nền giáo dục đàng hoàng, tử tế từ người dạy đến người học; kết quả thực chất mới là điều mọi người mong đợi.
Theo: thanhnien - Tin bài gốc