Năm nay, Bộ GD&ĐT cho phép thí sinh thay đổi nguyện vọng trực tuyến từ ngày 15/7 đến 21/7 và thay đổi bằng phiếu từ ngày 15/7 đến 23/7.
Thí sinh thay đổi trong phạm vi số lượng nguyện vọng đã đăng ký có thể thực hiện trực tiếp bằng tài khoản cá nhân qua điện thoại, máy tính, không cần đến điểm tiếp nhận hồ sơ.
Những em muốn thay đổi nguyện vọng theo chiều hướng tăng số lượng (ví dụ tăng từ 5 lên 7 nguyện vọng), sẽ trực tiếp đến điểm tiếp nhận hồ sơ, điền thông tin, nộp cho cán bộ.
Theo ghi nhận của phóng viên, việc thay đổi nguyện vọng bằng hinh thức online còn gặp nhiều lúng túng, dẫn đến sai sót.
Đăng ký sai nguyện vọng có thể ảnh hưởng cả tương lai
Nguyễn Văn Nam (Hải Phòng) cho biết sau khi biết điểm thi THPT quốc gia, Nam nhận thấy sự chênh lệch giữa điểm thi thật và điểm dự kiến nên đã quyết định thay đổi nguyện vọng bằng hình thức trực tuyến.
Tuy nhiên, trong quá trình thao tác, do không để ý, Nam đã đăng ký nhầm nguyện vọng một thành nguyện vọng 2. Hiện tại, hệ thống của Bộ GD&ĐT đã khóa, không cho thí sinh thay đổi nguyện vọng lần thứ hai.
“Vì đăng ký nhầm nên nguyện vọng một của em hiện tại không thể đủ điểm đỗ còn nguyện vọng 2 sẽ tuyển ít chỉ tiêu nên cũng rất khó khăn. \'Sai một ly, đi một dặm\' em giờ chỉ biết trông mong vào các nguyện vọng sau như 3, 4, 5”, Nam nói.
Lê Hân (Hà Nội) thông tin trong quá trình điều chỉnh nguyện vọng lần thứ nhất, do mạng kém, hệ thống không cập nhật. Học sinh này thao tác lần thứ hai đã bị nhầm lẫn nguyện vọng. Điều này này khiến nữ sinh "mất ăn, mất ngủ" vì nhầm nguyện vọng có thể ảnh hưởng tương lai.
Gửi thư điện tử về tòa soạn Zing.vn, nhiều thí sinh gửi băn khoăn vì không rõ cách thức, quy trình thay đổi nguyện vọng: “Em thay đổi nguyện vọng có cần nộp hồ sơ vào trường đã đăng ký không?”, “Em thay đổi nguyện vọng online có phải lên trường làm lại thủ tục, giấy tờ không?”.
Từ những sai sót trên, Sở GD&ĐT Đắk Nông, cho biết sở đã ra thông báo chỉ đạo các trường phổ thông về việc khuyến khích thí sinh không nên tự điều chỉnh nguyện vọng tại nhà. Thay vào đó, dù điều chỉnh trực tuyến, thí sinh cũng nên đến trường để được tư vấn, hướng dẫn.
Có thể kiến nghị cho thí sinh sửa lại nguyện vọng
Ông Nguyễn Hữu Tài, Trưởng phòng Khảo thí - Công nghệ thông tin tỉnh Tây Ninh, cho hay đến ngày 18/7, khoảng 1.500 thí sinh tỉnh này điều chỉnh nguyện vọng. Theo ông Tài, nhiều thí sinh chủ quan, nhầm lẫn dẫn đến sai sót đáng tiếc.
“Rất nhiều thí sinh đang nhầm lẫn giữa điểm sàn xét tuyển hồ sơ mà các trường công bố với điểm chuẩn. Có em nhìn điểm sàn trường công bố tưởng mình đã đậu, vậy là vô tư đăng ký nguyện vọng. Nhiều thí sinh chủ quan tưởng mình điều chỉnh nguyện vọng một lần bằng phiếu và một lần trực tuyến, nhưng thực chất các em chỉ được điều chỉnh một lần duy nhất”, ông Tài thông tin.
Ngoài ra, một số em tự ý điều chỉnh nguyện vọng trực tuyến tại nhà, thao tác sai dẫn đến thiếu nguyện vọng hoặc thứ tự nguyện vọng không như ý muốn. Ông Tài cho biết đã có trường hợp khiếu nại, nhờ giúp đỡ nhưng nguyên tắc các em không được quyền sửa chữa.
Ông Phan Minh Anh Tuấn, Trưởng phòng Công nghệ thông tin - Khảo thí và Kiểm định Chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT Đà Nẵng, cho biết thành phố này chưa ghi nhận trường hợp sai sót trong khâu điều chỉnh nguyện vọng. Nếu có sai sót và phần thiệt thuộc về thí sinh, sở GD&ĐT sẽ kiến nghị Bộ GD&ĐT cho các em này được sửa lại. Bởi vì, thầy cô thao tác còn sai huống hồ là học sinh và nếu là lỗi phần mềm thì lại càng nên tạo điều kiện cho các em.
Nếu cho thay đổi nguyện vọng nhiều lần sẽ gây ‘loạn’
PGS.TS Trần Văn Nghĩa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT, khẳng định: Quy chế chỉ cho phép thí sinh được điều chỉnh một lần, nếu cho phép thí sinh thay đổi lần nữa sẽ gây “loạn”.
Ông Nghĩa dẫn chứng việc cho thí sinh thoải mái đổi nguyện vọng năm 2015 dẫn đến rối loạn khiến Bộ GD&ĐT phải có những điều chỉnh cho hợp lý hơn ở các năm tiếp theo. Vì vậy, năm 2017, quy chế chỉ cho thí sinh điều chỉnh một lần để tránh lặp đi lặp lại tình trạng cũ.
Cũng theo ông Nghĩa, cách điều chỉnh nguyện vọng năm 2017 đã dễ dàng, thoải mái, tạo điều kiện cho thí sinh.
“Học sinh ngồi ở nhà cũng có thể tính toán, xem xét kỹ càng rồi mới điều chỉnh nguyện vọng. Thí sinh cũng đã được thử nghiệm lần một rồi nên biết cách làm. Số nguyện vọng cũng cho thoải mái nên làm sao mà đăng ký trật được”, PGS.TS Trần Văn Nghĩa phân tích.
Trước đó, Bộ GD&ĐT tuyên truyền kỹ cho thí sinh trong việc điều chỉnh nguyện vọng. Phần mềm của Bộ GD&ĐT cũng có cảnh báo và cung cấp thông tin trên màn hình đầy đủ các nguyện vọng đã nhập để thí sinh tiện theo dõi.
Cụ thể, khi đăng ký trực tuyến, phần mềm có hỗ trợ giúp thí sinh không bị lỗi về mã ngành, mã tổ hợp. Trước khi nhấn nút xác nhận, phần mềm tiếp tục cảnh báo và cung cấp thông tin trên màn hình đầy đủ các nguyện vọng đã nhập để thí sinh rà soát.
Theo zing.vn