Sự kiện: Giáo dục, đào tạo, tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, học đường

Thầy cô là phải đẹp!

Là học trò, có lẽ ít nhất một lần các em được giải thích câu “nhân vô thập toàn”, rằng con người không ai mười phần vẹn mười được cả. Nhưng trong ý nghĩ của phần lớn học sinh, thầy cô không liên quan gì đến câu ấy.

Với các em, thầy cô là khuôn vàng thước ngọc. Với cách hiểu ấy, trong mắt học sinh, người thầy phải trọn vẹn, nếu không muốn nói là toàn bích, không những về trí tuệ, nhân cách mà còn là hành vi, thái độ đến cách ứng xử trong mọi tình huống. Có lẽ vì vậy mà học sinh hay săm soi, xét nét, để ý và ngấm ngầm phản ứng về những điều tưởng chừng “nhỏ nhặt” của thầy cô thể hiện trên lớp. Lần ấy chờ xe buýt, một nhóm học trò cấp THPT inh ỏi “tám” về thầy cô của chúng. Không biết có một giáo viên, là tôi, cũng đang chờ xe buýt, chúng vô tư “nói xấu” đồng nghiệp của tôi.

Nội dung cuộc “tám” của nhóm học trò có thể kể lại thế này.

Một cô giáo hay ngứa lưng. Đang giảng, cô thường dừng lại, chộp cây thước của học sinh ngồi dãy đầu rồi ngoặc ra đằng sau mà gãi lấy gãi để với khuôn mặt rất… biểu cảm. Xong, cô trả thước. Và cây thước ấy bao giờ cũng bị khổ chủ vứt ra ngoài cửa sổ sau giờ học. Có tới mười mấy cây như vậy rồi. Một đứa nhăn mặt nói thước đã qua… gãi lưng cầm lại thấy sao sao ấy.

Học sinh muốn thầy cô luôn phải đẹp trong mắt mình

Học sinh muốn thầy cô luôn phải đẹp trong mắt mình - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Bốn năm đứa nói hôm kiểm tra bài một tiết chúng làm bài không được vì thấy thầy vệ sinh mũi một cách rất… mất vệ sinh. Thầy vừa coi lớp vừa ngoáy mũi, thỉnh thoảng rút ngón tay ra, giơ lên… ngắm nghía rồi ngoáy tiếp. Có đứa nói to: “Thì mày đừng nhìn”. Có tiếng trả lời: “Đừng sao được mà đừng. Gặp chỗ bí, tao ngước nhìn thầy để lấy cảm hứng làm bài, ai ngờ ổng đang bận với cái mũi của ổng”.

Cũng trong một tiết kiểm tra, cô giáo ngồi không, bèn rứt một bông hoa nhựa trên bàn, dùng cuống hoa cho vào… tai, ngoáy một cách rất thích thú. Cô đã sử dụng hai bông hoa cho hai tai đang ngứa của cô. Cũng như những cây “thước gãi”, hai bông hoa “ngoáy” dù được cô gắn lại như cũ nhưng sau đó cũng biến đi. Lớp phó văn thể mỹ nói hoa “có vấn đề” nên cho vào sọt rác của lớp. Một đứa nói với cái đà này, chỉ vài lần kiểm tra nữa là giỏ hoa tơi tả. Rồi cả nhóm xót xa “kết luận” rằng hoa nhựa cũng tàn, cũng rụng, cứ gì hoa thật!

Một học sinh kể có bạn thắc mắc đến cùng để hiểu tường tận vấn đề trong bài học, thầy lúng túng, nổi quạu, đập bàn đánh rầm, nói: “Cô dẹp ngay cái thói ta đây học sinh giỏi đi. Nên nhớ mười năm sau, tui vẫn còn dạy cô được”. Cả lớp lè lưỡi rụt cổ. Và đã phản ứng bằng cách cứ đến giờ thầy này là cả lớp chỉ biết “im lặng lắng nghe”.

Bàn về quà cho ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11 vừa rồi...

Nhóm học sinh buồn buồn nói về bó hoa của lớp bị cô gác lên bệ cửa sổ phòng giáo viên, mãi đến ngày 22.11 vẫn còn đó nhưng héo rũ tội nghiệp lắm. Chỉ hàng chữ “lớp 12A kính tặng” là còn nguyên vẹn nét son của những tấm lòng. Có đứa nói cô mình thật là… Bữa đó cô ra về với cái túi xách rất đẹp của lớp 12B, sao cô không bỏ hoa của lớp mình vào đó mang về luôn một thể, nhỉ?

Tôi không trách những lời lẽ “huỵch toẹt” của các em về thầy cô của chúng. Tôi chỉ thầm trách các đồng nghiệp của tôi, đã qua bao nhiêu bài giáo học pháp, tâm lý giáo dục trong trường sư phạm mà còn quá “vô tư” trước “ống kính” rất nhạy của bao nhiêu học trò đến thế.

Theo tác giả Trần Cao Duyên, Báo Thanh Niên, Link bài viết gốc: http://www.thanhnien.com.vn/pages/20131209/thay-co-la-phai-dep.aspx