Trao đổi về vấn đề thầy cô có nên bóc quà học sinh tặng trước lớp, cô giáo Đỗ Quyên cho rằng việc này sẽ khiến học sinh so bì quà to, quà nhỏ và làm tổn thương những học trò nhà không có điều kiện.
Gần đến ngày 20/11 câu chuyện về quà tặng cho thầy cô lại trở nên nóng trên các diễn đàn xã hội.
Người ủng hộ việc tặng quà thầy cô vì cho rằng đó chính là sự tri ân, lòng biết ơn của gia đình học sinh khi được thầy cô hết lòng dạy dỗ. Người phản đối việc tặng quà, bởi nó mang nặng tính thực dụng.
Riêng giáo viên cũng có nhiều luồng ý kiến. Có thầy cô cho rằng “của cho không bằng cách cho. Dù chỉ là tấm thiệp nhưng phải nhìn thấy sự chân thành trong đó”.
Có giáo viên thì nhất quyết mình không bao giờ nhận phong bì. Nhưng cũng có không ít thầy cô “Mình không đòi hỏi, đó là sự tự nguyện của phụ huynh thì nhận quà cũng có gì là không tốt?”
Dù thế, vào ngày này ở các trường học, nhiều học sinh đến trường cũng thường mang theo những hộp quà vào lớp tặng thầy cô.
Có giáo viên kể rằng, khi vào lớp đã thấy học trò chất quà đầy trên bàn.
Nhiều em hào hứng khoe với bạn với giọng điệu vô cùng tự hào “Mẹ mình tặng cô bộ đồ dài”, bạn lại lên tiếng “mẹ mình tặng dép, túi xách”, “còn mẹ mình tặng cô phong bì 500 ngàn”…
Nhiều em đồng loạt yêu cầu “Cô mở quà ra đi”. Không ít giáo viên đã chiều lòng bọn trẻ đứng trên lớp khui từng hộp quà cho cả lớp xem.
Vì điều này đã có nhiều ý kiến xoay quanh. Người ủng hộ như thế mới vui, người lại bất bình vì sẽ tội cho những em không có quà.
Một phụ huynh kể rằng mình tình cờ dừng chân ở một lớp khi giáo viên đang khui quà của các em.
Những điều trông thấy làm chính họ chạnh buồn và thấy thương những đứa trẻ không có quà tặng thầy cô hoặc món quà tặng có giá trị rất nhỏ.
Chị kể lại, tình cờ nhìn vào lớp học thấy học trò vây quanh, giáo viên đứng giữa mở từng hộp quà trong tiếng cười nói rộn ràng của các em.
“Hộp này của mình nè”, cả bọn tròn mắt khi thấy món quà lớn và đẹp.
Nhưng khi khui đến những món quà nhỏ như hộp bút, cuốn sổ, tuýp kem đánh răng… tiếng cười pha lẫn tiếng chê bai vang lên “quà gì mà bé xíu vậy?”, “ai lại tặng cô món quà thế này?”…
Quan sát quanh lớp chị phát hiện ra có một số học sinh không tham gia vào việc khui quà.
Sau này chị biết được đó là các bé không có quà hoặc món quà tặng cô quá nhỏ.
Những ánh mắt nhìn thật buồn trước tiếng cười, sự hào hứng vui tươi của các bạn.
Giờ thì chị mới hiểu vì sao con bé nhà chị lại về nhà bắt mẹ nhất định phải mua quà thật lớn để lên tặng cho cô.
Còn cô bé hàng xóm vì muốn mẹ mua quà để được như các bạn lại nói dối mẹ rằng cô con bảo phải mua quà để tặng.
Phụ huynh vốn tin con nên càng bất bình và coi thường thầy cô ra mặt.
Việc phụ huynh tặng quà thầy cô không khéo cũng làm người được tặng chạnh buồn.
Nhưng việc nhận quà mà thầy cô đứng ngay trên lớp khui hộp quà trước mặt tất cả học sinh nghĩ cũng không nên chút nào.
Bởi đâu phải em nào cũng có quà để tặng? Đâu phải em nào cũng có món quà tặng giáo viên giá trị? Càng không nên để trẻ biết tặng cô phong bì và giá trị tiền là bao nhiêu.
Trẻ nhỏ cũng thường so sánh, phân bì và nhạo báng nhau. Điều này dễ làm tổn thương những học sinh gia đình không có điều kiện.
Đỗ Quyên/Báo Giáo dục