Bộ GD-ĐT đang thẩm định để lựa chọn sách giáo khoa (SGK) mới lớp 2 và lớp 6 nhằm tiếp nối triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Chưa có bản mẫu sách giáo khoa tiếng Việt lớp 2 nào đạt

Chưa có bản mẫu sách giáo khoa tiếng Việt lớp 2 nào đạt

Việc thẩm định sách lớp 2 đã kết thúc 2 vòng đợt đầu tiên. Một số nguồn tin cho biết không có sách tiếng Việt lớp 2 nào được đánh giá đạt yêu cầu.

Những góp ý về bất cập của SGK lớp 1 ở cả khâu thực nghiệm và thẩm định sẽ được Bộ GD-ĐT tiếp thu thế nào?

“Sau khi có kết quả thẩm định, những SGK đã đạt chờ bộ trưởng Bộ GD-ĐT phê duyệt cũng phải công bố bản mềm rộng rãi để lắng nghe, tiếp thu ý kiến góp ý", trích lời Ông Nguyễn Xuân Thành.

Thẩm định sách giáo khoa lớp 2, 6 như thế nào?

Học sinh Trường tiểu học Kỳ Đồng (Q.3, TP.HCM) trong năm học 2020 - 2021 - Ảnh: NHƯ HÙNG

Biên soạn, thẩm định sát sao hơn

Theo ông Nguyễn Hữu Độ, thứ trưởng Bộ GD-ĐT, sau những phản hồi về chương trình và một số nội dung SGK Tiếng Việt lớp 1, bộ sẽ tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm để hoàn thiện quy trình biên soạn SGK giáo dục phổ thông, chỉ đạo sát sao hơn việc biên soạn, thẩm định sách từ lớp 2 đến lớp 12.

Trong đó, một trong những nội dung quan trọng cần bổ sung là kiểm tra, giám sát quá trình thực nghiệm. Trong thời gian tới, dự kiến bộ sẽ có hướng dẫn cụ thể hơn về việc thực nghiệm trong và sau khi biên soạn SGK.

Ngoài ra, ông Nguyễn Xuân Thành - vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT - cho biết trong các văn bản pháp lý quy định về việc biên soạn, thẩm định SGK theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã quy định bắt buộc các đơn vị biên soạn SGK phải tiến hành thực nghiệm.

Trong hồ sơ của các đơn vị có SGK đăng ký thẩm định phải thuyết minh đã dạy thực nghiệm ở đâu, thời lượng dạy, nội dung thực nghiệm thế nào? Về cơ bản, các đơn vị đều đảm bảo đúng yêu cầu của thông tư.

"Theo hồ sơ các nhà xuất bản gửi bản mẫu lớp 6 mới về Bộ GD-ĐT để thẩm định, các bản mẫu ít nhất phải có 10% nội dung được thực nghiệm trước khi trình hội đồng thẩm định. Thực tế có những bản mẫu tỉ lệ thực nghiệm lên tới 20% nội dung bài học.

Về nguyên tắc, hội đồng thẩm định trước khi tiến hành phải nhìn vào kết quả thực nghiệm rồi mới tiến hành thẩm định. Nếu bản mẫu không đảm bảo yêu cầu thực nghiệm sẽ không thẩm định" - ông Thành nhấn mạnh.

Thẩm định sách giáo khoa lớp 2, 6 như thế nào?

Học sinh lớp 1 Trường tiểu học Trần Hưng Đạo (Q.1, TP.HCM) trong ngày khai giảng năm học mới năm nay. Nếu không có gì thay đổi, các em sẽ học sách lớp 2 mới trong năm học tới - Ảnh: NHƯ HÙNG

Mời chuyên gia độc lập thẩm định

Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cũng thừa nhận để khâu thực nghiệm SGK được thực hiện chặt chẽ hơn, cần hướng dẫn cụ thể hơn so với thông tư đã ban hành. Ông Nguyễn Xuân Thành cho biết trong hướng dẫn tới đây có thể quy định cụ thể hơn về cách thức triển khai thực nghiệm, phạm vi, nội dung và thời lượng tối thiểu phải thực hiện.

"Việc đánh giá về nội dung cấu trúc, ngữ liệu trong SGK các môn học trước hết cần thực nghiệm bằng phương pháp chuyên gia. Có nghĩa các đơn vị cần mời chuyên gia độc lập để thẩm định ở góc độ chuyên môn, đảm bảo nội dung SGK phù hợp với độ tuổi học sinh, đảm bảo tính giáo dục, thẩm mỹ... Việc đánh giá chuyên gia rất quan trọng vì những người có chuyên môn mới phân tích, góp ý chuẩn xác đối với từng môn học" - ông Thành chia sẻ.

Theo ông Thành, với "phương pháp chuyên gia", những ngữ liệu không phù hợp như ở SGK lớp 1 của nhóm Cánh Diều gây bức xúc dư luận vừa qua sẽ được chỉ ra, góp ý chỉnh sửa trước khi sang giai đoạn thực nghiệm tại các trường. Ý kiến chuyên gia sẽ mang tính khuyến nghị để các nhóm tác giả cân nhắc, điều chỉnh trước khi hoàn thiện và gửi thẩm định.

Mở rộng đối tượng góp ý

Một điểm khác sẽ được Bộ GD-ĐT rút kinh nghiệm là việc giám sát thực nghiệm. Theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, trước đây việc này giao cho các nhà xuất bản biên soạn SGK chủ động làm. Nhưng tới đây bộ sẽ giám sát việc này.

Theo đó, ngoài nội dung được chọn dạy thực nghiệm tại các trường, một nội dung bắt buộc các nhóm biên soạn phải làm là lấy ý kiến của các trường về toàn bộ nội dung SGK sau khi đã hoàn thiện.

Khi những bất cập ở SGK lớp 1 được dư luận đề cập, Bộ GD-ĐT đang trong thời kỳ triển khai thẩm định SGK lớp 2, lớp 6. Điều này có nghĩa không thể kịp "rút kinh nghiệm" trong khâu thực nghiệm trong và sau khi biên soạn SGK; mặc dù theo quy định, hồ sơ gửi thẩm định đối với một SGK có thuyết minh về phần thực nghiệm, nêu rõ tỉ lệ nội dung đã thực nghiệm, thực nghiệm ở đâu, thời gian bao lâu...

Do đó các chuyên gia lo ngại đây vẫn chỉ là những thuyết minh trên giấy, chưa có kênh giám sát để đảm bảo các đơn vị biên soạn thực hiện đúng như trong hồ sơ.

Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thành cho biết sau khi có kết quả thẩm định, những SGK đã đạt chờ bộ trưởng Bộ GD-ĐT phê duyệt cũng phải công bố bản mềm SGK rộng rãi để lắng nghe, tiếp thu ý kiến góp ý. Bên cạnh đó, bộ cũng rà soát, đối chiếu với quy định pháp lý để đảm bảo nội dung các bản mẫu SGK đã qua thẩm định không bị vướng so với các quy định pháp lý hiện hành.

Những chính sách mới về giáo dục có hiệu lực từ tháng 11

Những chính sách mới về giáo dục có hiệu lực từ tháng 11

Kể từ tháng 11/2020, nhiều chính sách mới về giáo dục bắt đầu có hiệu lực. Giáo viên, học sinh và phụ huynh cần nắm bắt để đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của...

 

Không để "khuyến nghị nhưng không sửa"

Ông Nguyễn Xuân Thành cho biết SGK lớp 6 đang thẩm định vòng hai. Rút kinh nghiệm từ vấn đề bộ SGK của nhóm Cánh Diều, Bộ GD-ĐT yêu cầu trong quá trình thẩm định nếu có nội dung được hội đồng thẩm định đề nghị sửa, bổ sung thì phải tăng cường việc thảo luận, tranh luận để có hướng giải quyết thấu đáo vấn đề. Không để tồn tại tình trạng hội đồng thẩm định khuyến nghị nhưng tác giả bỏ qua không sửa.

Trước đó, khi khởi động việc thẩm định SGK lớp 2 và lớp 6, Bộ GD-ĐT cũng đã rút kinh nghiệm một số nội dung chưa ổn từ thực tế thẩm định SGK lớp 1 để quy trình thẩm định chặt chẽ hơn.

 

Không có SGK tiếng Việt lớp 2 nào thẩm định đạt

Ngày 9-11, theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, sau khi thẩm định vòng hai sách giáo khoa lớp 2 theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, môn Tiếng Việt không có bản mẫu nào được đánh giá đạt. Theo quy định của Bộ GD-ĐT, mỗi đợt thẩm định sách giáo khoa sẽ có hai vòng. Ở vòng 1, hội đồng thẩm định sẽ đánh giá theo ba loại: đạt, đạt nhưng cần sửa chữa và không đạt.

Những bản mẫu thuộc diện "đạt nhưng cần sửa chữa" sẽ có một tháng chỉnh sửa để nộp thẩm định vòng 2. Ở vòng này sẽ chỉ có hai mức đánh giá: đạt và không đạt (bao gồm cả những bản mẫu đạt nhưng có nội dung phải tiếp tục sửa chữa). Trong đợt thẩm định lần này có 33 bản mẫu sách giáo khoa của chín môn học, hoạt động giáo dục lớp 2 của bốn đơn vị là NXB Giáo dục Việt Nam, NXB Đại học sư phạm, NXB ĐH Sư phạm TP.HCM, NXB ĐH Quốc gia TP.HCM được gửi đề nghị thẩm định.

Trong đó, môn toán có bốn bản mẫu, môn tiếng Anh có tám bản, các môn còn lại gồm Tiếng Việt, đạo đức, tự nhiên - xã hội, giáo dục thể chất, âm nhạc, mỹ thuật, hoạt động trải nghiệm, mỗi môn có ba bản mẫu.

Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, trong chín môn học duy nhất có một môn là Tiếng Việt không có bản mẫu nào được thẩm định mức đạt sau khi trải qua hai vòng thẩm định. Ba bản mẫu sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 2 tham gia thẩm định và bị loại đợt này có hai bản mẫu của NXB Giáo dục VN và một bản mẫu của nhóm Cánh Diều.

Theo Báo Tuổi trẻ