Đó là đề bài kiểm tra của thầy Nguyễn Viết Đăng Du, Tổ trưởng Tổ Lịch sử Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.HCM) dành cho các lớp 12B, 12D1, 12D2 (Trường THPT Lê Quý Đôn); các lớp 12A3, 12A4, 12C2 (Trường Quang Trung Nguyễn Huệ) và khối 12 Trường Quốc tế TIS, được thầy post lên Facebook ngày 17.10.

Đề thi yêu cầu: “Nhà Trắng đã phát thông báo xác nhận chuyến công du đến châu Á của tổng thống Mỹ D.Trump cùng phu nhân Malania. Theo đó ông Trump sẽ đến Nhật, Hàn, Trung Quốc, Philippines và Việt Nam. Theo bạn, vì sao ông Trump lại chọn các quốc gia và địa điểm trên trong chuyến thăm của mình?

Điều thú vị là thời gian làm bài kiểm tra kéo dài tới tận… ngày 30.10.

Trước đề bài “mở hết cỡ” và cũng “rắn hết cỡ” này, nhiều học sinh cảm thấy vừa thú vị, vừa lo lắng vì không biết phải làm bài thế nào để được điểm cao.

"Đề của thầy Du càng ngày càng hay và khó", một học sinh tên Trần Huy chia sẻ khi thầy Du đưa đề lên Facebook.
Thảo Minh, học sinh lớp 12D1 Trường THPT Lê Quý Đôn, nhận định: “Em thấy thầy ra đề rất sinh động, thiết thực, gần gũi với cuộc sống. Đề bắt buộc học sinh phải đọc nhiều để nắm kiến thức rộng, phân tích và tư duy nhiều hơn để hiểu vấn đề sâu sắc. Cá nhân em rất thích đề như vậy, dù rõ ràng nó khó hơn kiểu đề truyền thống”.

Đề kiểm tra lịch sử về chuyến công du của Tổng thống Mỹ

Nguyễn Ngọc Minh, học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn cho biết thêm: "Cách ra đề thú vị này của thầy Du luôn khiến cho học sinh cảm thấy hứng thú. Không những các bạn trong lớp mà còn có những bạn khác trường của em cũng bày tỏ sự thích thú đối với cách ra đề này khi em đăng bài làm lên facebook. Đề thi đã kích thích sự tìm tòi của học sinh và đặc biệt là đề tài thầy đưa ra luôn cọ xát với tình hình thế giới, vì vậy học sinh có dịp cập nhật tin tức toàn cầu, không bị rơi vào tình trạng chỉ biết học vì điểm ở trường...".

Ngọc Minh cho rằng, thầy Du đã mang lại một cái nhìn khác về môn lịch sử khiến Minh không còn nghĩ đến lịch sử với những tờ đề cương khô khan.

Trao đổi về đề bài độc đáo này, thầy Nguyễn Viết Đăng Du chia sẻ: “Tôi đã áp dụng cách ra đề này được 5 năm, Ban giám hiệu nhà trường rất ủng hộ tôi. Tùy đối tượng học sinh mà các em cảm thấy dễ hay khó. Nhưng về mặt hình thức thì hầu hết các em đều thích. Để làm bài tốt các em cần hiểu và vận dụng thực tế. Những gì sắp diễn ra có liên hệ như thế nào với những vấn đề trong quá khứ và quá khứ ảnh hưởng như thế nào đến hiện tại, tương lai…”.

Tâm huyết của thầy Du khi cho ra đề như vậy là muốn học sinh quan tâm đến môn sử, hào hứng với lịch sử. Các em nên có nhận thức lịch sử không phải là những số liệu, không phải là học thuộc lòng mà nó rất gần gũi trong cuộc sống của chúng ta. Vì thế, học lịch sử rất có ích trong hiện tại”.

Theo Thanh niên