Chưa phép vẫn đào tạo liên thông

Dù chưa được phép đào tạo liên thông từ TC lên ĐH, nhưng Trường ĐH Thái Bình Dương (Khánh Hòa) và Trường TC Kinh tế - Kỹ thuật Tây Nam Á (TP HCM) vẫn bất chấp quy định, “bắt tay nhau” tuyển sinh trái phép 625 sinh viên. Cơ quan đại diện Bộ GD&ĐT tại TPHCM đã có báo cáo gửi Bộ GD&ĐT, đề nghị xử phạt hành chính, chỉ đạo 2 trường dừng thông báo tuyển sinh và đào tạo các chương trình sai quy định.

Tiếp nhận thông tin nóng về hoạt động đào tạo liên thông trái phép ở Trường ĐH Thái Bình Dương, 18 giờ 30 ngày 14/5 Đoàn kiểm tra của cơ quan đại diện Bộ GD&ĐT tại TPHCM do ông Hà Hữu Phúc - Phó vụ trưởng, Phó giám đốc cơ quan đại diện làm trưởng đoàn đã bất ngờ kiểm tra cơ sở 76 - 78 - 80 Minh Phụng (Q.6) của Trường TC Kinh tế - Kỹ thuật Tây Nam Á. Tại đây, đoàn kiểm tra phát hiện có 2 lớp học liên thông ĐH chính quy 3 ngành: Kế toán, tài chính - ngân hàng, quản trị kinh doanh; một lớp đào tạo bậc TC ngành tài chính với số SV là 44/55 người. Sau khi xem xét các văn bản, đoàn kiểm tra xác định các lớp học này đều hoạt động trái phép. Lý do: Trường ĐH Thái Bình Dương không được liên kết đào tạo liên thông từ TC lên ĐH chính quy ngoài cơ sở chính của trường.

Tuy nhiên, tại biên bản giải trình gửi cơ quan đại diện Bộ GD&ĐT tại TPHCM (ngày 16/5/2013), Trường TC Kinh tế - Kỹ thuật Tây Nam Á không thừa nhận việc tổ chức đào tạo liên thông trái phép giữa 2 trường, mà Trường TC Kinh tế - Kỹ thuật Tây Nam Á chỉ cho Trường ĐH Thái Bình Dương thuê địa điểm. Trong khi đó, Trường ĐH Thái Bình Dương trong báo cáo giải trình gửi cơ quan đại diện Bộ GD&ĐT (ngày 17/5/2013), đã thừa nhận việc liên kết đào tạo liên thông với Trường TC Kinh tế - Kỹ thuật Tây Nam Á thông qua báo cáo rõ ràng, chi tiết số lượng cụ thể SV (625 SV) liên thông đang theo học tại cơ sở của Trường TC Kinh tế - Kỹ thuật Tây Nam Á.

Tại buổi làm việc với cơ quan đại diện Bộ GD&ĐT tại TPHCM sáng 17/5, Trường ĐH Thái Bình Dương đã báo cáo chi tiết hoạt động liên kết đào tạo với Trường TC Kinh tế - Kỹ thuật Tây Nam Á như sau: Tại cơ sở chính số 254, đường Lê Trọng Tấn (Q.Tân Phú) có 113 SV đang học. Tại cơ sở 416/1, đường Lạc Long Quân (Q.11) có 284 SV đang học. Tại cơ sở 1A3, đường Nguyễn Thái Sơn (Q.Gò Vấp) có 159 SV đang theo học. Tại cơ sở  số 76-78-80, đường Minh Phụng (Q.6) có 69 SV đang học. Như vậy từ phát hiện ban đầu chỉ có 44 SV tại cơ sở Minh Phụng, số SV mà hai trường tuyển sinh trái phép lên tới 625 SV thực học/1.160 thông báo trúng tuyển của hai trường. >> Xem thêm về: Quy định mới về đào tạo liên thông Đại học - Cao đẳng 2013

Mập mờ hồ sơ liên kết đào tạo

Đáng chú ý là hồ sơ hợp đồng giữa hai đơn vị có dấu hiệu mập mờ giữa cho thuê địa điểm và liên kết đào tạo. Cụ thể: Ngày 20/10/2010, Trường ĐH Thái Bình Dương và TC Kinh tế - Kỹ thuật Tây Nam Á ký hợp đồng “Hợp đồng hỗ trợ địa điểm đào tạo số 57A/HĐĐT - TBD”. Tuy nhiên, nội dung các điều khoản Hợp đồng lại ghi: Hai bên đã trao đổi, thảo luận và đi đến thống nhất ký kết hợp đồng đào tạo với điều khoản sau: “Điều 1: Bên A (Trường ĐH Thái Bình Dương) sẽ đặt các lớp đào tạo liên thông từ TC lên ĐH và từ CĐ lên ĐH tại cơ sở của bên B các ngành: Tài chính - Ngân hàng, Kế toán, CNTT và Quản Trị Kinh doanh. Điều 2: Bên A (trường ĐH Thái Bình Dương) có trách nhiệm về mặt pháp lý từ lúc bắt đầu tuyển sinh đến khi kết thúc khóa học, chịu trách nhiệm về nội dung, kế hoạch, chương trình đào tạo, xét duyệt, phân công GV dạy, tổ chức giảng dạy, học tập, thi hết môn… hoàn thành các thủ tục cấp bảng điểm, bằng tốt nghiệp trình độ CĐ, ĐH cho SV theo ngành và trình độ đã đào tạo. Điều 3: Bên B (Trường TC Kinh tế - Kỹ thuật Tây Nam Á) chịu trách nhiệm chính và phối hợp với bên B trong tạo nguồn tuyển sinh và chuyển cho bên A toàn bộ hồ sơ SV, chịu trách nhiệm về địa điểm, phương tiện giảng dạy, phục vụ dạy và học. Tổ chức các kỳ thi hết môn, hết học kỳ, thi tốt nghiệp. Giới thiệu GV giảng dạy, cử GV chủ nhiệm lớp, nhận ủy quyền thu hộ học phí…”.

Ngày 11/8/2011, Trường ĐH Thái Bình Dương và TC Kinh tế - Kỹ thuật Tây Nam Á ký tiếp hợp đồng đào tạo số 136/2011/HĐĐT - TBD. Nội dung và trách nhiệm giữa hai bên A và B cũng tương tự như bản hợp đồng hỗ trợ địa điểm đào tạo số 57A/HĐĐT-TBD ngày 20/10/2010 của hai bên đã ký. Tuy nhiên, trong điều 2 của bản hợp đồng này có ghi thêm trách nhiệm của bên A là hoàn thành các thủ tục cấp bảng điểm, bằng tốt nghiệp trình độ CĐ - ĐH chính quy cho SV theo ngành và trình độ đã đào tạo. Ngày 1/12/2011, Trường TC Kinh tế - Kỹ thuật Tây Nam Á tiếp tục ký  Hợp đồng thuê địa điểm tuyển sinh số 11/HĐ-TNA với Trường ĐH Thái Bình Dương. Địa điểm cho thuê tại số 254 Lê Trọng Tấn (Q.Tân Phú) dùng để tuyển sinh và đào tạo buổi tối theo nhu cầu người học. Tuy nhiên, Trường TC Kinh tế - Kỹ thuật Tây Nam Á đều thực hiện tất cả các điều trong trách nhiệm của trường như hợp đồng số 57A/HĐĐT-TBD ký ngày 20/10/2010 (tạo nguồn tuyển sinh và chuyển cho bên A toàn bộ hồ sơ SV, chịu trách nhiệm về địa điểm, phương tiện giảng dạy, phục vụ dạy và học. Tổ chức các kỳ thi hết môn, hết học kỳ, thi tốt nghiệp.Giới thiệu GV giảng dạy, cử GV chủ nhiệm lớp, nhận ủy quyền thu hộ học phí…).

Kết luận của CQĐD Bộ GD&ĐT tại TPHCM thông qua văn bản số 64/CQĐD gửi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ngày 16/5/2013 đã kết luận: Trường ĐH Thái Bình Dương và TC Kinh tế - Kỹ thuật Tây Nam Á đã liên kết đào tạo liên thông trái phép các ngành Kế toán, Tài chính - Ngân hàng, Quản trị kinh doanh và CNTT. Đề nghị Bộ GD&ĐT có quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục với các hành vi vi phạm nêu trên của Trường ĐH Thái Bình Dương và TC Kinh tế - Kỹ thuật Tây Nam Á. Đồng thời, đề nghị Bộ GD&ĐT chỉ đạo hai trường có văn bản báo cáo giải trình cụ thể về chương trình liên kết đào tạo sai quy định và hướng giải quyết khắc phục hậu quả đối với số SV đã tuyển sinh, liên kết đào tạo sai quy định.

 

Tin cần biết:

Trường cao đẳng Asean đào tạo không phép

Kết luận về liên kết đào tạo sai phạm tại trường cao đẳng Asean

 

Tin bài gốc: GD&TĐ

kenhtuyensinh

Theo: GD&TĐ