Trước tình hình dịch Covid-19 đã có phần kiểm soát được, Sở GD-ĐT tỉnh Tây Ninh có kế hoạch cho học sinh trở lại trường từ ngày 11.10.
Học sinh chuẩn bị trở lại trường sau khi dịch bệnh tại Tây Ninh cơ bản được kiểm soát
Ngày 26.9, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Tây Ninh Phạm Ngọc Hải cho biết do tình hình dịch bệnh trên địa bàn cơ bản được kiểm soát, Sở GD-ĐT đã có đề xuất trình UBND tỉnh cho học sinh trở lại trường học, dự kiến từ ngày 11.10. Sở GD-ĐT Tây Ninh đồng thời cũng lên phương án, chuẩn bị các điều kiện đảm bảo an toàn cho các em học sinh khi trở lại trường trong trạng thái bình thường mới.
Tiêm vắc xin cho tất cả cán bộ và giáo viên
Hiện nay, toàn tỉnh Tây Ninh còn 5 giáo viên và 115 học sinh thuộc diện F0, 56 giáo viên và 139 học sinh F1. Ngoài ra, đã có 13.619 cán bộ, giáo viên trên tổng số 15.153 cán bộ, giáo viên đã được tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 1, trong đó có 9.155 giáo viên đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin.
Để đảm bảo cho học sinh trở lại trường, ngành giáo dục sẽ tổ chức tiêm ngừa vắc xin cho 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục.
Sở GD-ĐT cũng yêu cầu các đơn vị, nhà trường triển khai các phương án, tình huống để đón học sinh trở lại trường học trong tình hình mới, phù hợp với thực tiễn địa phương.
Các biện pháp phòng ngừa dịch Covid-19 theo khuyến cáo của ngành y tế trong đó, thông qua khai báo y tế, các cơ sở giáo dục theo dõi, quản lý tốt sức khỏe cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh khi ở nhà. Gia đình đo thân nhiệt học sinh trước khi đến trường.
Mặt khác, nhà trường giám sát chặt chẽ, không cho người không có nhiệm vụ vào trường, đo thân nhiệt cho toàn bộ học sinh, giáo viên trước khi vào lớp. Cuối mỗi buổi học, mỗi lớp sẽ cử 5-10 học sinh ở lại tham gia khử khuẩn lớp học của mình.
Cũng theo Sở GD-ĐT Tây Ninh, hiện toàn tỉnh có 72 trường học được Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các địa phương trưng dụng làm bệnh viện dã chiến, khu cách ly. Do đó, để thực hiện đón học sinh trở lại, các điểm trường này sẽ được giao lại cho ngành giáo dục để vệ sinh, khử khuẩn. Sở GD-ĐT yêu cầu các trường cần rà soát cơ sở vật chất hiện có, lên phương án sửa chữa, bổ sung đủ các trang bị phòng, chống dịch.
Có sự linh hoạt giữa học trực tiếp và trực tuyến
Đặc biệt, trong trường hợp diễn biến dịch Covid-19 thay đổi theo thực tế, từng địa phương chủ động linh hoạt điều chỉnh kế hoạch giảng dạy phù hợp, kết hợp hình thức dạy học trực tiếp và trực tuyến. Mặt khác, các trường cần chia ca, giãn việc đến trường giữa các khối lớp; sắp xếp, lựa chọn, cơ cấu các môn học một cách hợp lý.
Đối với cấp tiểu học, các trường có số lượng học sinh lớn, vùng có nguy cơ tái lây nhiễm cao cần chia học sinh theo ca để phân tán mật độ học sinh trong cùng một thời điểm.
Cũng theo Sở GD-ĐT Tây Ninh, hiện toàn ngành có 21.182 học sinh không đủ điều kiện học trực tuyến, do đó, khi khởi động lại quy trình dạy học trực tuyến, cần tiếp tục vận động các nhà hảo tâm tặng máy tính, điện thoại thông minh cho các em.
> Hà Nội xây dựng dự thảo bộ 15 tiêu chí đánh giá mức độ an toàn trường học
> Huyện Cần Giờ dự kiến rà soát điều kiện từng trường học để học sinh trở lại trường
Theo Thanh Niên