Chỉ còn chưa đầy một tuần nữa, học sinh phổ thông sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp năm 2012 - 2013. Ghi nhận tình hình  tại các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ và ĐBSCL cho thấy, công tác chuẩn bị cho kỳ thi đã sẵn sàng.

Không để học sinh phải đi xa

Theo quy chế thi mới, Bộ GD&ĐT không bắt buộc các địa phương phải tổ chức thi theo hình thức cụm trường như các năm trước. Tuy vậy, để bảo đảm tính nghiêm túc và công bằng cho kỳ thi, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn tiếp tục tổ chức các hội đồng thi (HĐT) theo hình thức cụm trường. Riêng các huyện có địa bàn rộng, các trường phân bố rải rác như huyện Châu Đức thì bố trí 3 cụm, huyện Xuyên Mộc bố trí 4 cụm thi. Đối với các địa bàn rộng, những trường THPT ở quá xa không thể liên kết với các trường THPT khác cùng địa bàn, Sở GD&ĐT tạo điều kiện cho thí sinh của những trường đó được thi ngay tại trường.

Được xem là 3 tỉnh có địa hình tương đối phức tạp với mật độ trường lớp phân tán, nên nhiều năm nay 3 tỉnh là Ninh Thuận, Bình Thuận và Lâm Đồng đều hết sức chú trọng đến công tác hỗ trợ học sinh vùng khó, cũng như việc đảm bảo an toàn cho học sinh.

Tại Bình Thuận, năm nay số  dự thi giảm gần 500 thí sinh so với 2012. Các thí sinh hệ GDTX tiếp tục được thi tại địa phương mình theo học, có 9 HĐT cho thí sinh GDTX dự thi. Riêng 227 học sinh Trường THPT Ngô Quyền của xã đảo Phú Quý, ngoài việc hỗ trợ chi phí đi lại cho học sinh, tàu thuyền đưa các em vào TP Phan Thiết dự thi, ngành Giáo dục và UBND tỉnh còn hỗ trợ tối đa những điều kiện ăn ở.

Ông Lương Hồng Sơn - Phó giám đốc Sở GD&ĐT Ninh Thuận cho biết: Tỉnh đã hoàn tất công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT từ 1 tuần nay. Năm nay,  toàn tỉnh có 6.430 thí sinh đăng ký dự thi, giảm 838 thí sinh so với năm 2012. Trong đó hệ THPT có 5.616 thí sinh; hệ GDTX THPT có 814 thí sinh. Sở GD&ĐT đã thành lập 17 HĐT với 270 phòng thi và 874 cán bộ coi thi. Học sinh tại các huyện vùng khó như Bác Ái, Ninh Sơn còn nhận được sự hỗ trợ, quan tâm đặc biệt về ăn ở, đi lại để các em tham gia kỳ thi một cách thoải mái nhất.

Trong khi nhiều địa phương có số thí sinh dự thi giảm thì ở Lâm Đồng lại tăng. Tỉnh có 15.165 thí sinh đăng ký thi (bao gồm cả thí sinh tự do), tăng 290 thí sinh so với năm học trước. Ngoài việc chuẩn bị cơ sở vật chất cho 45 hội đồng thi chính thức, Sở GD&ĐT còn chuẩn bị 12 cơ sở trường học làm các hội đồng thi dự bị nhằm ứng phó với các tình huống bất ngờ nảy sinh. Ông Nguyễn Xuân Ngọc - Giám đốc Sở GD&ĐT Lâm Đồng cho biết: Công tác hỗ trợ thí sinh vùng khó khăn đều được các ban ngành, từng phòng GD phối hợp triển khai rất tốt, nhiều nơi hỗ trợ suất cơm, chỗ ăn nghỉ cho HS phải thi xa nhà…

Ông Lê Minh Hoàng - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Nai cho biết: Toàn tỉnh năm nay có 27.738 thí sinh đăng ký dự thi. Có tất cả 56 HĐT  với 1.777 phòng thi, trong đó có 21 hội đồng thi gộp chung thí sinh hệ THPT và GDTX; 4.300 cán bộ, giáo viên làm công tác coi thi, 600 cán bộ làm công tác chấm thi. Tại 2 trường vùng sâu, vùng xa là THCS - THPT Đắk Lua và THCS - THPT Huỳnh Văn Nghệ, Sở đã chỉ đạo lập 2 hội đồng với quy mô nhỏ để các em thuận tiện trong việc đi lại.

Vượt biển đi thi

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay vẫn tổ chức thi theo cụm trường. Cà Mau có địa bàn rộng, ở vùng sâu vùng xa việc đi lại phụ thuộc bằng xuồng ghe nên việc bố trí các HĐCT hết sức quan trọng. Năm nay tỉnh có 7.844 thí sinh dự thi (THPT 7.027, GDTX 817), toàn tỉnh có 29 HĐCT với 352 phòng thi đặt tại 38 đơn vị trường học. Để đảm bảo HS không phải đi xa đến địa điểm thi, tỉnh bố trí số HĐCT tại TP Cà Mau là 7, huyện Trần Văn Thời 5, các huyện Thới Bình, U Minh, Cái Nước, Đầm Dơi mỗi huyện có 3 HĐCT; Phú Tân 2, Ngọc Hiển 2 và 1 HĐCT ở huyện Năm Căn.

Cần Thơ có 9.073 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT. Để tạo thuận lợi cho thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT, ngành đã chỉ đạo các đơn vị có tổ chức HĐCT tạo mọi điều kiện cho các thí sinh đến trường thi. Những nơi điều kiện khó khăn như các huyện vùng ven Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh, Thốt Nốt trường bố trí chỗ nghỉ trưa, ăn uống cho các thí sinh, kể cả cán bộ coi thi…

Đồng Tháp có 12.521 thí sinh dự thi tại 28 HĐCT (có 11.440 thí sinh hệ THPT và 1.081 hệ GDTX). Do có địa bàn rộng, một số nơi việc đi lại của HS khá khó khăn nên tỉnh chú ý bố trí các HĐT một cách thuận tiện nhất cho HS. Ngoài ra tỉnh có một số trường THPT nằm biệt lập, điều kiện đi lại khó khăn nên năm nay có 5 trường THPT tổ chức HĐCT độc lập (trường THPT Châu Thành 2, Lai Vung 2, Phú Điền, Thanh Bình 2 và THPT Tam Nông). Việc tổ chức các HĐCT độc lập giúp HS ở vùng sâu vùng xa tiết kiệm được chi phí, thời gian đi lại, có thời gian nghỉ ngơi, yên tâm ôn bài... HS đi thi xa nhất là khoảng 10 km (HS ở các xã vùng sâu Hòa Bình, Tân Công Sính đi thi tại thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông).

Kiên Giang có 11.525 thí sinh đăng ký dự thi với 27 HĐCT. Là tỉnh có nhiều hải đảo, theo thống kê tỉnh có hơn 100 đảo lớn nhỏ nằm rải rác ở vùng biển phía Tây Nam. Mặc dù các đảo đã có trường THPT như do số lượng học sinh ít, không thể tổ chức thành HĐCT nên HS phải vào đất liền. Như  28 HS Hòn Tre phải vào TP Rạch Giá dự thi. Ở đảo phụ huynh hoàn cảnh còn khó khăn nên các em đi thi gia đình phải lo khoản chi phí khá lớn, vì vậy trường tranh thủ Hội khuyến học để hỗ trợ các em đi thi. Để đảm bảo an toàn, giúp các em yên tâm, trường cử 2 GV đưa các em đi thi và đã liên hệ chỗ ở trọ miễn phí tại ký túc xá trường THPT. Riêng đảo Phú Quốc đủ số lượng HS để mở 2 HĐCT.

Bến phà, bến đò sẵn sàng đưa rước thí sinh

Là vùng kênh rạch, vấn đề được các địa phương ĐBSCL quan tâm cả trước và trong kỳ thi là đảm bảo HS đi thi thuận lợi, đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ với các bến phà, bến tàu để kịp thời đưa, rước HS đi thi.

Nằm trên địa bàn có các xã thuộc cù lao, bị ngăn cách bởi các con sông lớn như xã Long Khánh A, Long Khánh B, Phú Thuận B và Long Thuận… HS đi thi tốt nghiệp phải qua đò nên UBND thị xã Hồng Ngự và huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) đã chỉ đạo các cơ quan chức năng nhắc nhở các chủ bến đò ngang trên địa bàn tăng cường thêm các phương tiện đưa rước thí sinh đúng giờ quy định và bảo đảm an toàn…

Vì những ngày thi rơi vào mùa mưa Nam Bộ, thời tiết diễn biến thất thường nên công tác chuẩn bị và phương án ứng phó được các địa phương chú ý. Cần Thơ quán triệt không bố trí HĐCT hoặc phòng thi ở những nơi gần đường, chợ, bến sông, nơi không có tường rào bảo vệ hay nơi dễ xảy ra sự cố. Ngành tăng cường kiểm tra cơ sở vật chất như tường rào, phòng thi, phòng họp, phòng làm việc, chỗ ăn, nghỉ của chủ tịch hội đồng, bàn ghế cho thí sinh, các loại tủ, khóa đảm bảo an toàn đề thi, bài thi, hồ sơ thi...

 

Tin cần biết:

Lịch thi tốt nghiệp THPT

Tra cứu danh sách các trường đã công bố tỉ lệ chọi 2013

 

 

Tin bài gốc: GD&TĐ

Kenhtuyensinh

Theo: GD&TĐ