Tập trung ôn tập, HS sẽ đạt kết quả thi tốt theo hình thức trắc nghiệm khách quan

Trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Giáo dục và Thời đại, ông Nguyễn Minh Tường – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Phú Thọ - muốn nhắn gửi tới các học sinh lớp 12 những lưu ý liên quan đến Dự thảo phương án thi, xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH năm 2017 vừa được Bộ GD&ĐT công bố, trong đó dự kiến phần lớn các bài thi sẽ thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan.

Ông có đánh giá như thế nào về việc năm nay Bộ GD&ĐT giao cho các tỉnh tổ chức một cụm thi dành cho tất các thí sinh tại địa phương? Theo ông, công tác giám sát thực hiện như thế nào để kỳ thi đảm bảo khách quan, không có sơ suất đáng có?

- Theo Dự thảo phương án thi, xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2017, Bộ GD&ĐT chỉ tổ chức 1 loại cụm thi ở tất cả các tỉnh/thành phố trên cả nước do Sở GD&ĐT chủ trì.

Để đảm bảo tính trung thực, khách quan của kỳ thi, hạn chế tối đa tiêu cực phát sinh trong quá trình coi thi, chấm thi, trong kỳ thi sắp tới, mỗi thí sinh trong phòng thi có một đề thi trắc nghiệm riêng với các câu hỏi khác nhau và có độ khó tương đương.

Bài làm của thí sinh được chấm bằng máy quét. Với điều kiện kỹ thuật đó, cùng với sự phối hợp, hỗ trợ và giám sát của các trường đại học trong công tác tổ chức thi, coi thi và chấm thi, theo tôi kết quả của kỳ thi sẽ đảm bảo được độ tin cậy cao, tiến tới để kỳ thi nhẹ nhàng nhưng vẫn đảm bảo chính xác.

Kinh nghiệm tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 tại tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước, thí sinh được thi ngay tại địa phương. Để đảm bảo tính nghiêm túc, Bộ đã cử cán bộ, giảng viên các trường ĐH, CĐ tham gia tổ chức thi.

Năm 2017, Bộ sẽ giao cho các Sở GD&ĐT chủ trì tổ chức thi để tăng tính chủ động cho địa phương và các trường đại học hỗ trợ và thanh tra, giám sát. Bộ sẽ dùng hàng rào kỹ thuật để nâng cao tính nghiêm túc, khách quan, công bằng của kỳ thi.

Cụ thể là với hình thức thi trắc nghiệm, mỗi thí sinh trong cùng phòng thi sẽ có đề thi khác nhau, không thể quay cóp, nhìn bài nhau được. Sau đó bài thi sẽ được chấm trên máy, nên sẽ giảm được chủ quan của người chấm. Theo tôi, như vậy sẽ đảm bảo được kỳ thi nghiêm túc và công bằng. Các trường đại học, cao đẳng sử dụng kết quả đó để xét tuyển cũng sẽ thấy yên tâm.

- Dựa trên thiết kế bài thi, hình thức thi theo như bản Dự thảo trình bày, ông có thể đưa ra những lời khuyên cho các học trò của mình trong việc ôn tập, chuẩn bị kiến thức, kỹ năng để có thể đạt được kết quả tốt nhất trong kỳ thi?

Theo bản Dự thảo thì các cấu trúc đề theo tổ hợp các môn KHTN hay KHXH, trong đó tổ hợp 60 câu, mỗi môn 20 câu có câu dễ, câu trung bình, câu khó, tính toán lựa chọn thế nào hoàn toàn do thí sinh.

Ví dụ như điểm chuẩn bị theo chính sách tuyển sinh của các trường đại học mà họ lấy phần nào, trọng số đặt ở đâu thì các em có thể lựa chọn.

Tôi nghĩ, với một đề như vậy để đạt được điểm số tốt, thể hiện được năng lực của mình một cách toàn diện, thí sinh nên dành cho việc làm bài thi thành một mối hài hòa. Đương nhiên sẽ phải có những tư vấn, những chỉ dẫn để các em điều chỉnh trên cơ sở nắm vững kiến thức cơ bản, các em sẽ làm bài tốt.

Tôi cho rằng, các em học sinh phổ thông, nhất là học sinh lớp 12 không có gì phải lo lắng; Vì đề thi năm nay sẽ nằm chủ yếu trong lớp 12 nên những năm trước các em ôn tập thế nào, năm nay tiếp tục ôn thế đó.

Phương thức thi tự luận hay trắc nghiệm chỉ là phương thức kiểm tra, đánh giá, quan trọng là mục tiêu và kết quả các em học tập được, các kiến thức và kỹ năng các em thu nhận được. Đối với những em học giỏi, dù thi  theo bất cứ phương thức nào các em cũng có thể đạt được kết quả tốt.

Điểm mới của kỳ thi năm nay là các bài thi phần lớn đều sẽ thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, vậy ông kỳ vọng thế nào về công tác đề thi năm nay?

- Trong dự kiến phương án tuyển sinh, môn Toán dự kiến có 50 câu, bài thi tổ hợp, mỗi bài thi có 60 câu. Như vậy, lượng câu hỏi trắc nghiệm khá lớn.

Chúng ta sẽ phải cân nhắc việc xác lập một cấu trúc minh họa chi tiết để công bố cho xã hội và học sinh nắm được, đồng thời phải chuẩn bị được hệ thống ngân hàng câu hỏi thật tốt.

Chúng ta cũng sẽ phải tính toán số lượng bao nhiêu câu dễ, bao nhiêu câu trung bình, bao nhiêu câu khó để đảm bảo được sự phân hóa lớn. Và tất nhiên một đề thi như vậy độ phân hóa sẽ phải lớn hơn so với các năm trước và khả năng chống tiêu cực trong quá trình làm bài thi của thí sinh cao hơn.

Phân hóa lớn trong đó vẫn đảm bảo được tỉ lệ các câu mà học sinh có thể tốt nghiệp được và câu phân hóa để các trường ĐH, CĐ xét tuyển với chất lượng cao hơn. Phân hóa lớn, đề vẫn sẽ đảm bảo cho học sinh đạt tới điểm tốt nghiệp, đồng thời các trường đại học cũng có nhiều cơ hội để lựa chọn thí sinh.

Ngoài ra, ông cùng các đồng nghiệp có chia sẻ gì thêm về những băn khoăn, thắc mắc xung quanh các vấn đề trong Dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2017 để đóng góp thông tin nhiều chiều cho bản dự thảo?

- Theo tôi, thứ nhất là cách tổ chức thi, năm tới Bộ GD&ĐT dự định tổ chức thi trong 2 ngày thay vì 4 ngày như năm 2016. Điều này có lẽ sẽ giảm được chi phí cho phụ huynh nhưng thực sự lại làm tăng áp lực cho thí sinh vì phải hoàn thành 6 môn thi trong vỏn vẹn 2 ngày.

Thứ hai là về bài thi tích hợp; Mục đích của bài thi này là để tránh việc học sinh học tủ, học lệch, nhưng dưới sự đánh giá của một người học, tôi nghĩ việc này chỉ là do học sinh dành nhiều công sức hơn vào phần kiến thức sẽ áp dụng vào công việc sau này. Ví dụ một bạn có ước mơ trở thành bác sĩ thì sẽ chú trọng vào Hóa, Sinh hơn môn Lý cũng là điều dễ hiểu?

Thứ ba là về cấu trúc bài thi tổ hợp. Với bài thi KHTN, theo cấu trúc của Bộ thì sẽ có 60 câu của ba môn Lý, Hóa, Sinh, mỗi môn 20 câu. Các trường sẽ dùng điểm các môn này để xét tuyển vào đại học, cao đẳng nhờ các tổ hợp môn truyền thống.

Nhưng cách này tôi thấy hơi rối vì cùng trong 90 phút các bạn thi khối A1 sẽ chỉ chú trọng 20 câu Lý, các bạn thi khối A chỉ dành nhiều thời gian cho 40 câu Lý và Hóa..., điều này sẽ có thể không phù hợp về thời gian giữa các bạn cùng môn nhưng khác khối thi.

Thứ tư là ngoài xét tuyển dựa vào kì thi này, các trường  ĐH, CĐ có tổ chức đánh giá năng lực thêm không, nếu có thì đánh giá cái gì, có thi lại các bài thi hay thi kiến thức khác và tổ chức đánh giá năng lực như thế nào?

Xin cảm ơn ông!

 


Theo GDTĐ, nguồn: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/tap-trung-on-tap-hs-se-dat-ket-qua-thi-tot-theo-hinh-thuc-trac-nghiem-khach-quan-2314353-b.html