Tạo lập niềm tin giữa các trường, địa phương và cả xã hội đối với kỳ thi

Ông cho rằng Bộ chủ trương hợp nhất hai cụm thi trong kỳ thi tới và giao cho địa phương chủ trì tổ chức và các trường đại học tham gia hỗ trợ, giám sát kỳ thi là rất đúng đắn.

Ông có đánh giá như thế nào về chủ trương một cụm thi do Sở GD&ĐT các tỉnh chủ trì, dưới sự giám sát của các trường đại học như theo bản Dự thảo Bộ vừa công bố?

Qua phân tích kết quả thi, chúng tôi nhận thấy tỷ lệ thi đỗ tốt nghiệp cao vẫn là xu thế chung và trong toàn quốc, kết quả này đã được các trường ĐH, CĐ sử dụng để xét tuyển đầu vào. Điều ghi nhận ở đây là trong kết quả đó, có sự tham gia tổ chức thi, giám sát kỳ thi của chính các trường ĐH, CĐ, lấy kết quả kỳ thi làm căn cứ xét tuyển đầu vào cho công tác tuyển sinh của mình. Đây là bước thắng lợi rất lớn của ngành Giáo dục chúng ta trong công tác thi cử.

Tuy nhiên, hai năm qua, kỳ thi vẫn còn có những tồn tại, hạn chế; đó là trong một kỳ thi có hai cụm thi, một cụm cho thí sinh thi để xét tốt nghiệp, song song với đó là một cụm thi cho thí sinh có nguyện vọng vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển vào ĐH, CĐ. Ở đây rõ ràng là dư luận xã hội vẫn cho rằng có sự không đồng bộ với nhau trong tổ chức kỳ thi.

Chính vì vậy, Bộ hợp nhất hai cụm thi trong kỳ thi tới và giao cho địa phương chủ trì tổ chức, các trường đại học tham gia hỗ trợ, giám sát kỳ thi là chủ trương rất phù hợp với mục tiêu của kỳ thi là để học sinh thi để xét tốt nghiệp và làm căn cứ để xét tuyển ĐH, CĐ.

Sau khi Bộ công bố bản Dự thảo, tôi cũng đã ghi nhận được một số ý kiến trong dư luận xã hội lo lắng về kỳ thi sắp tới khi không có sự tham gia trực tiếp làm thi của các trường ĐH, CĐ; Tôi cho rằng sự lo lắng này là không đúng, không cần thiết.

Theo tôi, các trường ĐH chỉ nên tham gia vào giám sát chứ không cần trực tiếp tham gia coi thi như năm vừa qua, gây tốn kém nhất định cho kỳ thi. Năm nay, Bộ chủ trương chỉ điều động cán bộ, giảng viên các trường đến để hỗ trợ các địa phương trong tổ chức nghiêm túc kỳ thi, đây là việc cần thiết;

Còn kỳ thi có nghiêm túc hay không, theo tôi là quy chế kỳ thi phải được Bộ xây dựng làm sao cho thực sự đồng bộ, chặt chẽ để cơ sở triển khai kỳ thi sẽ phải nghiêm túc, đồng thời cơ chế giám sát cũng phải nghiêm túc; giám sát chặt chẽ, đảm bảo không có sơ suất trong tất cả các khâu chuẩn bị thi, coi thi, chấm thi thì sẽ đảm bảo được tính nghiêm túc của kỳ thi.

Làm như vậy, các trường sẽ không phải vất vả khi điều động nhân lực về các địa phương làm thi. Đồng thời cũng tạo lập được niềm tin, thống nhất trong ngành Giáo dục, niềm tin giữa các địa phương, trường đại học và cả xã hội trong kỳ thi.

Các bài thi năm tới dự kiến phần lớn sẽ thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Tôi hoàn toàn ủng hộ hình thức thi trắc nghiệm khách quan mà Bộ dự kiến áp dụng trong tuyển sinh năm 2017. Bởi thi theo hình thức trắc nghiệm, để trả lời phương án trong đề, thí sinh vẫn phải tính toán nháp, cân nhắc phương án đúng đắn cuối cùng. Do vậy, cả môn Toán và các môn khác có thể, theo tôi Bộ nên tổ chức thi theo hình thức này.

Riêng Ngữ văn do tính đặc thù nên không thể thi trắc nghiệm khách quan, còn lại Bộ hoàn toàn có thể tổ chức thi trắc nghiệm, ứng dụng công nghệ thông tin vào tổ chức thi, kiểm soát chấm, đảm bảo khách quan.

Như vậy sẽ rút ngắn thời gian tổ chức kỳ thi để đỡ tốn kém nguồn lực trong xã hội, không kéo dài kỳ thi hàng mấy tháng trời như trước đây, nhằm tập trung cho chất lượng công tác đào tạo, đây là điều tôi ủng hộ, nhất trí cao với phương án Bộ đã đưa ra.

Về hai bài thi tổ hợp (KHTN, KHXH), tôi cho rằng đây là công tác đổi mới kỳ thi đúng lộ trình theo mục tiêu giáo dục đổi mới. Đó là đào tạo con người phát triển toàn diện phẩm chất, kỹ năng chứ không như trước đây, người học khi bước vào THPT chỉ tập trung vào mấy môn thi các khối A, B, C, D… các môn còn lại học mang tính đối phó cho đủ điều kiện là rất thiên lệch.

Điều này tạo sự thiếu hụt nghiêm trọng nền kiến thức cơ bản của sinh viên khi bước vào đại học, vốn yêu cầu người học phải được trang bị những kiến thức rộng và sâu thì các em lại không có được nên chất lượng đào tạo đại học theo đó giảm sút đi rất nhiều.

Tổ chức thi bài thi tổ hợp sẽ đòi hỏi học sinh phải học tốt hơn, đều hơn nhóm các môn tự nhiên và xã hội. Đồng thời Bộ cũng sẽ phải sớm có bộ đề minh họa để người học tập dượt, làm quen trước. Đây là sự chuyển đổi cần thiết cho người học làm quen với hình thức thi năm tới.

Ông có đóng góp ý kiến gì cho công tác xét tuyển năm nay?

Trong công tác xét tuyển, tôi cho rằng, theo Luật Giáo dục Đại học, Bộ nên giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường chủ động. Bởi luôn có một lượng thí sinh ảo rất lớn trong xét tuyển, do vậy nên quy định để thí sinh chọn trường nào phải cố định nguyện vọng chứ không cho thí sinh nhiều nguyện vọng để chạy đi chạy lại giữa các trường, gây lộn xộn, mất thời gian và các trường không chủ động trong công tác tuyển sinh.

Như năm nay, ban đầu rất đông thí sinh đăng kí xét tuyển nhưng các trường không dám gọi nhiều vì sợ vượt quá chỉ tiêu, vi phạm quy chế tuyển sinh, quy chế chỉ cho phép gọi nhập trường vượt chỉ tiêu tối đa 5%. Và như vậy, số thí sinh ảo nhiều, các trường không tuyển, thí sinh đăng kí nguyện vọng khác nên các trường không tuyển đủ chỉ tiêu. Chính vì vậy nên giao cho các trường tự chủ cao hơn trong tuyển sinh.

Đối với các trường đặc thù, cho phép thi bổ sung môn điều kiện do các trường tự tổ chức. Làm như vậy, Bộ vẫn quản lý kho dữ liệu để phân tích toàn cảnh hoạt động tuyển sinh trên cả nước, từ đó có điều tiết khi cần thiết, nhưng các trường vẫn có sự chủ động trong công tác xét tuyển.

Xin cảm ơn ông!

 

Tôi hết sức ủng hộ chủ trương của Bộ đưa ra trong bản Dự thảo kỳ thi năm 2017 để thảo luận rộng rãi. Qua theo dõi trong mấy năm vừa qua, kỳ thi đã được Bộ chỉ đạo đổi mới công tác thi THPT và xét tuyển ĐH, CĐ là hướng tới người học và đơn giản hóa công tác thi cử. Từ 4 đợt thi, Bộ đã chuyển sang một kỳ thi duy nhất, đấy là một thành công rất lớn, thể hiện rõ nhất trong kỳ thi năm 2016, lòng dân rất phấn khởi, hào hứng đón nhận kết quả kỳ thi.

NGND - GS.TS Đặng Kim Vui

 


Theo GDTĐ, nguồn: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/tao-lap-niem-tin-giua-cac-truong-dia-phuong-va-ca-xa-hoi-doi-voi-ky-thi-2322557-b.html