Sự kiện: trường quốc tế

Bài viết này không đi sâu vào việc “mổ xẻ” yếu tố "quốc tế" của các trường, mà đơn giản chỉ ghi nhận những điều mắt thấy tai nghe ở những trường tiểu học dân lập quốc tế để nhằm trả lời cho câu hỏi: những trường này cũng giảng dạy chương trình của Bộ GD-ĐT VN nhưng thu học phí cao hơn rất nhiều so với trường công lập, tại sao phụ huynh vẫn đổ xô cho con em vào học?


Tại sao nhiều người cho con học trường quốc tế? - Ảnh 1

Học sinh làm chủ tiết học

Tiết học toán của HS lớp 2 Trường tiểu học dân lập Quốc tế TP.HCM được mở đầu bằng bài hát và múa Chim chích bông khá sôi động. Lớp học có diện tích khoảng 40m2 nhưng chỉ có 20 HS ngồi quay mặt vào nhau thành ba nhóm.


Bài hát vừa dứt, giáo viên (GV) giới thiệu bài học: “Ôn tập bảng nhân 4” và kéo sự chú ý của HS vào “trò chơi bất ngờ”: cô giáo bất ngờ chỉ vào một HS hỏi: “4 nhân 9”. HS phải phản ứng ngay “4 x 9 = 36”. Cũng có HS bối rối, ngập ngừng rồi mới trả lời, cũng có HS trả lời ngay nhưng... sai.


Mặc dù vậy, GV vẫn khuyến khích: “Bạn nói chưa đúng rồi. Có bạn nào trong tổ cứu bồ không?”. Kết thúc trò chơi, GV tổng kết: “Tổ nào có nhiều bạn trả lời đúng các con?”. Tiết học cứ thế trôi đi với các trò chơi liên tiếp nhằm kiểm tra HS có thuộc bảng cửu chương nhân 4 hay không.


Các trò chơi đặc biệt thu hút HS vì luôn luôn có sự thi đua giữa ba tổ (bằng cách chấm điểm) và sự trợ giúp lẫn nhau của HS trong tổ. Ở trò chơi tiếp sức, các thành viên của mỗi tổ lần lượt chạy lên bảng ghi diễn giải các đề bài: 16=, 24=, 32=... dưới sự cổ vũ, reo hò của các bạn còn lại trong tổ: “Cố lên! Cố lên!”.


Người dự khán có cảm giác HS làm chủ trong lớp học của mình: phát biểu thoải mái, tự tin (mặc dù có HS nói sai nhiều lần). Thỉnh thoảng HS cũng ngả ngớn, xoay lưng... GV thấy thế “chỉnh” ngay: “Bạn nào ngồi đẹp cô sẽ gọi” (tham gia chơi trò chơi - PV). Ngay lập tức cả lớp chỉnh tề, hai tay khoanh lại để trên bàn, đôi mắt háo hức chờ được gọi tên lên bảng.


Yêu cầu “không học nhiều”!

Tại sao nhiều người cho con học trường quốc tế? - Ảnh 2

 

Với mức học phí từ 1,9-2 triệu đồng/tháng, Trường tiểu học dân lập Quốc tế vẫn thu hút phụ huynh học sinh (thể hiện qua con số 174 HS năm 1999, năm 2006 số HS tiểu học, trung học đã tăng lên gần 10.000 HS) cũng là điều dễ hiểu: cơ sở vật chất thoáng mát, rộng rãi, trang thiết bị dạy học hiện đại, sĩ số lớp học trung bình chỉ 20 HS/lớp, GV là người VN nhưng hằng năm đều được tập huấn với các chuyên gia Anh, Mỹ, Úc để tiếp cận và thực hiện phương pháp giảng dạy tích cực...


Trong khi đó, không được như Trường tiểu học dân lập Quốc tế, Trường tiểu học dân lập Úc Châu có cơ sở vật chất được cải tạo lại từ một biệt thự, sân chơi hẹp, phòng học cũng hẹp, thậm chí ngay cả phòng chức năng cũng rất hạn chế.

Thế nhưng mặc dù “sinh sau đẻ muộn” với 100 HS (năm học 2003-2004), năm nay số HS của trường đã tăng lên hơn 300 HS. Chị Hoàng Thanh, phụ huynh học sinh của Trường Úc Châu, phân tích: “Con tôi đang học tại một trường điểm của TP, cơ sở vật chất khang trang lắm nhưng học nặng nề quá. Sáng chiều học ở trường, buổi tối còn phải học thêm ở nhà cô nữa, vậy mà lực học càng ngày càng đi xuống, thằng bé đâm ra sợ đi học, sợ luôn cô giáo. Chuyển qua Trường Úc Châu nó được GV quan tâm hơn do cả lớp chỉ có hơn 10 HS”.

Bà Phạm Thị Thông - hiệu trưởng Trường Úc Châu, cũng thừa nhận: “Nhờ sĩ số HS/lớp học rất thấp nên bài học nào, tiết học nào HS cũng được trực tiếp tham gia hoạt động, không ngồi ì trong lớp. Thêm nữa, GV ở đây phải quán triệt chủ trương “không được để HS căng thẳng vì học hành”.


Chỉ cần đạt được kiến thức và kỹ năng cơ bản của môn học là có thể làm được đề kiểm tra của phòng, của sở ra. Ở trường tôi vẫn có HS yếu. Ban giám hiệu trường động viên GV phải cố gắng theo sát HS nhưng không đặt áp lực, nếu không đạt thì thôi. Nhà trường không đánh giá GV thông qua tỉ lệ HS giỏi...”.

Bà Thông cho biết tiếp: “Đã có rất nhiều phụ huynh trước khi gửi con đặt yêu cầu với nhà trường: HS tiểu học không cần phải học nhiều, chỉ cần chúng được chăm sóc ăn, ngủ, sinh hoạt, vui chơi, học tập thoải mái, vui vẻ, nhẹ nhàng...”.

Dĩ nhiên, không phải không có lý do khi phụ huynh chọn trường quốc tế cho con theo học. Chị Bích Nga - phụ huynh có ba con đang học tại hệ thống Trường tiểu học dân lập Quốc tế - Trường trung học tư thục Á Châu, tâm sự: “Không phải mình đã ưng ý hoàn toàn với mọi thứ ở Trường Quốc tế. Nhưng mình đã quá hãi hùng với lịch học dày đặc của đứa con lớn khi trước đây cháu học ở trường công lập. Học ngày học đêm nhưng cháu vẫn không nhanh nhẹn, hoạt bát và tự chủ bằng mấy đứa em được học ở trường quốc tế, tối về nhà không phải làm bài gì cả”.

Đó là hành động phản ứng của phụ huynh. Nhưng phải chăng không có trường công lập nào có phương pháp giảng dạy như trên?

kenhtuyensinh (Theo: tuoitreonline)