Giáo viên thiếu hiểu biết về tâm lý, giải quyết theo kinh nghiệm, chạy theo thành tích là "bài toán khó" của các trường khi ngăn chặn bạo lực học đường.
Hơn 18 năm làm hiệu trưởng ở cả trường công lập và tư thục tại Hà Nội, thầy Nguyễn Quốc Bình buồn vì bạo lực học đường chưa được đẩy lùi, thậm chí nhiều lúc bùng phát, gồm cả bạo lực về thể chất và tinh thần, bạo lực thầy cô gây ra với học sinh, học sinh với nhau và thậm chí cả học sinh gây cho thầy cô.
"Trong những hình thức này, bạo lực giữa học sinh với nhau là phổ biến hơn cả. Nó phổ biến bởi giáo viên đang thiếu đi rất nhiều công cụ, kỹ năng và trường học gặp khó khăn để giải quyết", thầy Bình nói.
Thầy Bình nhận định việc tập huấn để mỗi thầy cô trở thành nhà tâm lý nhiều trường chưa làm được, đặc biệt là khối công lập. Các trường cần có chuyên viên tâm lý chuyên trách. Thông lệ quốc tế 300 học sinh phải có một chuyên gia tâm lý, nhưng ở nhiều trường công lập giáo viên phải kiêm nhiệm và dạy chỉ vài tiết thì không đem lại tác dụng.
Theo thầy Bình, giáo viên phải được đào tạo bài bản vì cái gì cũng phải chuyên sâu và có quy trình rõ ràng, chứ không thể giải quyết cảm tính hay theo kinh nghiệm. "Kinh nghiệm chỉ giải quyết cái giống giống còn những vụ khác, mới lạ thì phải có học hành bài bản", thầy Bình nói. Giáo viên cần được tập huấn cách kỷ luật tích cực, tìm giải pháp phù hợp để không làm tổn thương học sinh.
Theo thầy Nguyễn Quốc Bình, nhiều giáo viên chưa được tập huấn tốt để thấu hiểu tâm lý học sinh
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục, đồng sáng lập trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội, cũng cho rằng hiểu biết và kỹ năng nắm bắt tâm lý học sinh của giáo viên chưa tốt. Môn tâm lý tại một số trường sư phạm chưa được chú trọng đúng mức, nhiều khi không bằng các môn đại cương.
"Bản thân tôi để trở thành tiến sĩ tâm lý và có hiểu biết trong lĩnh vực này cũng phải tự nghiên cứu, chứ khi học qua loa. Các thầy cô cần có năng lực về tâm lý mới có thể quan sát, tổ chức hoạt động, thăm dò và trò chuyện với học sinh để nắm bắt, ngăn chặn bạo lực kịp thời", thầy nói.
Ngoài ra, việc hiệu trưởng đặt nặng thành tích cũng là "cái khó" khi giải quyết nạn bạo lực học đường. Thầy Lâm nhấn mạnh cần lấy mô hình trường nhân văn làm gốc, từ đó xây dựng nội quy thì giáo viên mới đồng lòng. Nếu đặt nặng thành tích, các lớp có thể bao che vụ bạo lực, xử lý qua loa để không mất điểm thi đua.
Hiện, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những quy định về khen thưởng, kỷ luật. Trên cơ sở đó, tùy điều kiện cơ sở vật chất và học sinh, các trường sẽ xây dựng nội quy cho phù hợp. "Tôi luôn dặn dò giáo viên và học sinh là mình không có thành kiến với bất kỳ lớp nào. Các lớp có chuyện là bình thường, quan trọng là dám và biết cách xử lý", thầy Lâm nói.
Việc giáo dục tâm lý cho học sinh cũng chưa được nhiều trường chú ý. Giờ sinh hoạt lớp vẫn thường được dùng để trách mắng, xử phạt những học sinh làm lớp bị trừ điểm thi đua, thay vì tổ chức hoạt động tương tác, trò chuyện với các em. Thầy Lâm cho rằng việc này khiến khoảng cách giữa học sinh và giáo viên càng bị nới rộng, thầy cô rất khó để làm bạn với học trò.
TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, "bệnh thành tích" cũng là "cái khó" khi ngăn chặn bạo lực học đường
Thầy Minh, 42 tuổi, giáo viên một trường THCS ngoại thành TP HCM, cho rằng điều quan trọng nhất của việc ngăn chặn bạo lực học đường là tính kịp thời, tức là phải can thiệp trước khi hậu quả xảy ra. Do đó, quy định, chế tài đầy đủ nhưng giáo viên không sâu sát, không nắm bắt tâm sinh lý học trò thì tất cả công cụ này chỉ dành để xử lý việc đã rồi.
Thầy Minh từng chứng kiến một nữ sinh bị chúng bạn cợt nhả, chế giễu trên diễn đàn online chỉ vì em học tệ, năm nào cũng chót bảng, bố mẹ ly dị. Rất may thầy đã kịp phát hiện, tìm hiểu nguyên nhân, đồng thời mời riêng những bạn bắt nạt em răn đe. Tuy nhiên, thầy Minh thừa nhận không phải lúc nào giáo viên cũng có thể làm tốt việc này. "Ngoài công việc chính là dạy học, soạn giáo án và chuyên môn ở trường, thầy cô cũng có gia đình, con cái với những mối lo riêng, không tránh khỏi xao nhãng", thầy chia sẻ.
Ngoài những yếu tố nội tại, trường học phải đối mặt với sức ép từ phía phụ huynh khi giải quyết các sự việc bạo lực học đường. Thầy Nguyễn Quốc Bình lấy ví dụ cùng sự việc học sinh đánh nhau, phụ huynh có hiểu biết, trách nhiệm với con sẽ tìm hiểu nguyên nhân rồi tìm cách phù hợp để cùng với nhà trường giải quyết. Họ tin tưởng vào sự công bằng của giáo viên và sẵn sàng để con nhận lỗi, chịu kỷ luật nếu con làm sai. Ngược lại, những gia đình nuông chiều, bao bọc con thái quá sẽ hành xử khác. Nhiều người chưa tìm hiểu sự việc đã làm tổn thương thầy cô.
Các hiệu trưởng chỉ ra hiện nay, nhiều phụ huynh giữ vị trí cao, có ảnh hưởng trong xã hội hoặc thường xuyên đóng góp cho các hoạt động của trường thường gây sức ép cho giáo viên mỗi khi con cái mắc lỗi. Với những giáo viên đứng tuổi, việc này xử lý còn dễ, nhưng sẽ là "thử thách gian truân" với những thầy cô trẻ.
Khi được bố mẹ bao che, học sinh sẽ coi thường nội quy và vi phạm nhiều lần hơn. Khi đó, nếu lãnh đạo trường không đồng hành cùng thầy cô để tìm hiểu sự việc, tìm cách đối thoại, tháo gỡ bức xúc của phụ huynh, giáo viên sẽ càng thêm nản lòng.
> Đổi mới giáo dục: Chuyển sang dạy học sinh biết làm gì
> Cách người Nhật Bản dạy trẻ em tự lập từ 'gốc rễ'
Theo VnExpress